Đường dẫn truy cập

ASEAN chính thức yêu cầu hủy bỏ biện pháp chế tài Miến Điện


Các nhà lãnh đạo của ASEAN đồng ý rằng việc hủy bỏ các biện pháp chế tài sẽ có ích cho sự phát triển của Miến Điện.
Các nhà lãnh đạo của ASEAN đồng ý rằng việc hủy bỏ các biện pháp chế tài sẽ có ích cho sự phát triển của Miến Điện.

Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á chính thức yêu cầu các nước Tây phương nhanh chóng hủy bỏ các biện pháp chế tài kinh tế đối với Miến Điện.

Yêu cầu này được nêu lên ngày hôm nay trong tuyên bố kết thúc hội nghị sau hai ngày họp thượng đỉnh ở Campuchia.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết các nhà lãnh đạo của ASEAN đều đồng ý với nhau là việc hủy bỏ các biện pháp chế tài sẽ có ích cho sự phát triển của Miến Điện.

Hiệp hội gồm 10 nước hội viên này cũng cam kết tăng cường các nỗ lực để giải quyết những vụ tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông và kêu gọi tự chế trên bán đảo Triều Tiên, nơi Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị tiến hành một vụ phóng hỏa tiễn gây nhiều tranh cãi.

Lời kêu gọi chấm dứt chế tài Miến Điện đã được nhiều người dự kiến sau cuộc bầu cử bổ túc ở Miến Điện hôm chủ nhật, trong đó đảng đối lập chính chiếm 43 trong số 44 ghế đại biểu được mang ra bầu. Kết quả này có nghĩa là bà Aung San Suu Kyi, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình và bị giam giữ trong nhiều thập niên, sẽ giữ chức đại biểu quốc hội lần đầu tiên.

Sự thành công của cuộc bầu cử mà hầu hết quan sát viên quốc tế nói là công bằng và tự do đã mang lại uy tín cho khối ASEAN, tổ chức từng bị chỉ trích trong nhiều năm là không tích cực gây sức ép đòi Miến Điện cải cách. Mãi cho tới hồi gần đây, Miến Điện là một trong những nước bị khép kín và dân chúng bị đàn áp nhiều nhất thế giới.

Miến Điện vẫn còn nằm dưới sự cai trị của những đồng minh thân cận của chính quyền quân nhân trước đây và vẫn còn giam giữ hàng trăm tù nhân chính trị. Tuy nhiên, những người ủng hộ nói rằng các biện pháp chế tài nên được hủy bỏ để khích lệ và hậu thuẫn cho chính phủ của Tổng thống Thein Sein. Chính phủ này đã thực hiện những cải cách quan trọng từ khi lên năm quyền cách nay một năm.

Nước chủ nhà Campuchia đã ngần ngại không muốn đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông vào nghị trình của cuộc họp thượng đỉnh, đặc biệt là sau chuyến công du hồi tuần trước của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Tuy nhiên, các vị ngoại trưởng của Việt Nam và Philippines đã gây sức ép để vấn đề này được nêu lên trong cuộc họp ở Phnom Penh hôm thứ hai.

Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN đã đồng ý thương thuyết với nhau để có được một bộ qui tắc hành xử ở Biển Đông, nhưng việc này không có nhiều tiến bộ vì một số nước chủ trương đàm phán đa phương trong khi Trung Quốc đòi đàm phán riêng với từng nước.

Ngoại trưởng Indonesia Marty Natelagawa cho biết các nước tham dự hội nghị thượng đỉnh đã khẳng định là vấn đề Biển Đông cần phải được giải quyết dựa trên khung sườn ASEAN-Trung Quốc hiện có.

Về vấn đề Bắc Triều Tiên, các nhà lãnh đạo ASEAN hối thúc các bên liên hệ đừng làm cho căng thẳng leo thang, nhưng họ không lên án kế hoạch phóng hỏa tiễn của Bắc Triều Tiên như dự kiến của nhiều người. Ngoại trưởng Natalegawa nói rằng quan tâm chính của ASEAN là việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Nhiều nước, trong đó có Hoa Kỳ, Nam Triều Tiên và Nhật Bản, tố cáo rằng vụ phóng không gian của Bình Nhưỡng thật ra là để thử nghiệm một phi đạn đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG