Đường dẫn truy cập

ASEAN trông đợi một bộ khung cho an ninh Biển Đông  


Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, hiện đang nắm chức Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, hiện đang nắm chức Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)

Đông Nam Á đang dối mặt với nhiều thách thức mới giữa lúc khu vực này mưu tìm một thoả thuận lâu dài để giải quyết các cuộc tranh chấp trên Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc đang có những động thái nhắm tới việc nới rộng phạm vi ảnh hưởng của nước này trên khu vực với kế hoạch thiết lập một trạm nghiên cứu khoa học trên các đảo nhỏ gần kề Philippines. Những quan ngại này được nêu ra giữa lúc các nhà phân tích nói rằng chính sách của Hoa Kỳ đối với Châu Á đang tập trung vào tình hình căng thẳng đang leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Thông tín viên Ron Corben của Đài VOA có bài tường trình chi tiết sau đây.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, hiện đang nắm chức Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tuần này sẽ mở các cuộc thảo luận với các đối tác khu vực Myanmar và Thái Lan.

Tự do hàng hải, hàng không

Tiếp theo các cuộc thảo luận ở Bangkok với Thủ Tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, các nước đồng ý cổ vũ cho tự do hàng hải trong Biển Đông “như một giá trị cốt lõi nhằm bảo đảm hoà bình và thịnh vượng trong khu vực.”

Tổng thống Duterte phát biểu:

“Duy trì hoà bình, ổn định và an ninh cũng như tôn rọng quyền tự do hàng hải và quyền tự do bay ngang qua không phận trên Biển Đông, phục vụ các lợi ích của tất cả các nước, cả trong lẫn ngoài khu vực, bởi vì các quyền tự do đi lại đó là những điều kiện căn bản cho tăng trưởng, phát triển và thịnh vượng.”

Nhà phân tích Kavi Chongkittavorn của Thái Lan nói Thái Lan và Philippines hy vọng sẽ hoàn tất một bộ khung cho một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển trước tháng Bảy, để sau đó có thể thêm thắt chi tiết cho thoả thuận này.

Bộ Quy tắc Ứng xử trên biển

Mục tiêu lâu dài của ASEAN trong quá khứ là xúc tiến với việc thi hành Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002. Nhưng Bắc Kinh từ lâu vẫn cưỡng lại nỗ lực nhằm hoàn tất một bộ quy tắc ứng xử có tính cách ràng buộc, dẫn tới những sự chia rẽ trong nội bộ ASEAN.

Tuy nhiên vào tháng Năm tới đây, Trung Quốc sẽ chủ trì một cuộc họp ASEAN về một bộ khung cho Bộ Quy tắc Ứng xử trên biển, giữa lúc các nhà ngoại giao hy vọng sẽ đạt tiến bộ hướng tới một tài liệu có tính cách ràng buộc để quản lý các cuộc tranh chấp khu vực.

Trạm Quan sát Môi trường

Tuy nhiên các cuộc thảo luận ở Bangkok diễn ra tiếp theo sau các bản tin của giới truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh có thể đang chuẩn bị thiết đặt một trạm quan sát môi trường trên bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham, nằm bên trong khu đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.

Năm 2016, Trung Quốc xúc tiến các hoạt động nhằm củng cố vị thế quân sự của nước này tại quần đảo Trường Sa, kể cả các đường băng trên đảo Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn, gia cố các hăng ga để có thể đón máy bay chiến đấu cũng như các phương tiện quốc phòng khác, đồng thời cải thiện các phương tiện bến cảng và thiết đặt hệ thống radar.

Hoa Kỳ vốn vẫn thực hiện các cuộc diễn tập quân sự gần bãi cạn Scarborough, mạnh mẽ chống đối bất cứ cấu trúc nào do Trung Quốc xây dựng tại đó dưới thời cựu Tổng Thống Barack Obama.

Mỹ giờ tập trung ứng phó với Bắc Hàn

Tuy nhiên các nhà phân tích nói rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang lo lắng về những cẳng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, nơi mà Bắc Hàn thực hiện các cuộc thử nghiệm phi đạn trong thời gian qua.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia phân tích các vấn đề quốc phòng thuộc Đại học New South Wales của Australia, nói sự chú ý của Washington đã chuyển hướng, tách xa vấn đề Biển Đông.

Giáo sư Thayer ví von:

“Vấn đề Biển Đông đã biến mất. Nó không còn xuất hiện trên màn ảnh radar. Vấn đề vẫn còn đó nhưng nó giống như một cái nồi đã được kê lên bếp, rồi hạ lửa xuống. Mọi người đang xoay sang chú ý tới làm cách nào đừng lay động ngọn lửa trên bếp chính đang nấu, và đó là Bắc Hàn.”

Trung Quốc củng cố tuyên bố chủ quyền

Các nhà phân tích nói những sự bất định về chính sách của Hoa Kỳ đối với Biển Đông và “một chiến lược toàn diện cho Châu Á” nói chung đã tạo điều kiện cho phép Trung Quốc đưa ra một lập trường mạnh mẽ hơn trong các tuyên bố chủ quyền của họ trong khu vực.

Ông James Chin, Giám Đốc Viện nghiên cứu Châu Á thuộc Đại học Tasmania, Australia, nói những sự bất định về chính sách của Mỹ đã dẫn đến sự thất vọng bên trong ASEAN.

Ông Chin nói:

“Bây giờ thì các nước này nghĩ rằng tình hình sẽ lâm vào bế tắc, và người ta nghĩ người Mỹ chỉ lo nghĩ tới Bắc Hàn và cuộc khủng hoảng ở miền Bắc bán đảo Triều Tiên. Họ không còn lo lắng tới Biển Đông nữa.”

Nhà phân tích nói thêm:

“Như vậy thì mọi cuộc đặt cược đã bị huỷ bỏ. Vấn đề với lối tiếp cận này là càng để mặc Biển Đông, thì điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ có thêm thời gian để tiếp tục xây các căn cứ quân sự tại đó.”

Trung Quốc gần như hoàn toàn kiểm soát khu vực tranh chấp

Một khi Trung Quốc xây dựng trên đất được họ cải tạo trên bãi cạn Scarborough, "điều đó có nghĩa là Bắc Kinh sẽ kiểm soát được trên thực tế cả Biển Đông".

Theo Giáo sư Thayer, một sân bay của Trung Quốc trên đảo Hoàng Nham sẽ có tính chiến lược, bởi vì nó hoàn tất một tam giác nối kết Đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa và các thực thể khác mà Bắc Kinh chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa, khiến Trung Quốc có khả năng giám sát sự đi lại của tất cả máy bay và tàu bè bay ngang qua hoặc đi ngang qua Biển Đông."

Giám Đốc Viện nghiên cứu Châu Á thuộc Đại học Tasmania nói mặc dù vậy, Bắc Kinh "sẽ cho phép tự do đi lại bởi vì Trung Quốc chủ yếu là một quốc gia thương mại nên sẽ không quấy nhiễu quyền tự do hàng hải, và đó là điều tích cực".

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông bên trong cái gọi là “đường 9 đoạn” do chính họ vạch ra trên các vùng biển kế cận Malaysia, Brunei, Philippines và Việt Nam.

XS
SM
MD
LG