Đường dẫn truy cập

Các bộ trưởng quốc phòng Châu Á sẽ tiếp tục thảo luận về các tranh chấp


Từ trái: Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsawan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwon, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Teo Chee Hean, Phó Bộ trưởng Quốc phòng Nga Nikolai Makarov và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines
Từ trái: Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsawan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwon, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Teo Chee Hean, Phó Bộ trưởng Quốc phòng Nga Nikolai Makarov và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines

Những người đầu ngành quốc phòng Á châu đã tránh một cuộc đối đầu về những vấn đề như tranh chấp lãnh thổ trong một cuộc họp ở Hà Nội. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Brian Padden từ thủ đô Việt Nam, Trung Quốc đã tìm cách trấn an các nước láng giềng rằng sự củng cố quân sự của họ không phải là một mối đe dọa, trong khi bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ ủng hộ việc thương nghị để giải quyết các tranh chấp.

Các vị bộ trưởng quốc phòng tại cuộc họp về an ninh đầu tiên của Hiệp hội các Quốc gia Đông nam Á gồm cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đã tập trung vào các lợi ích chung như bảo vệ quyền tự do đi lại bằng đường biển cho mục đích thương mại.

Ông Surin Pitsuwan, Tổng thư ký ASEAN, đã phát biểu vào lúc bế mạc cuộc họp hôm nay.

Ông Pitsuwan nói: “Khu vực này mang tính cách vô cùng sách lược, ủng hộ thương mai và thông tin liên lạc. Vì thế giao thông đường biểu tự do, cởi mở và an toàn là điều quan trọng. Vấn đề này đã được nêu ra, và được tất cả các bên đồng ý rằng đó là các mục tiêu mà khu vực nên cố gắng đạt tới và duy trì.”

Các đại biểu đồng ý tiếp tục đàm phán về vấn đề đó, và các vấn đề khác nữa, như những tuyên bố trái ngược nhau đòi chủ quyền những hòn đảo nhỏ bé không có người ở trong vùng Biển Nam Trung Quốc.

Mối quan ngại ngày càng gia tăng tại Hoa Kỳ và nhiều nước ở châu Á, rằng Trung Quốc có thể sử dụng sức mạnh kinh tế và bành trướng quân đội để buộc các nước nhỏ trong vùng hơn phải thần phục họ.

Mới đây, Trung Quốc đã bị cáo buộc là cấm xuất khẩu các khoáng sản thiết yếu qua Nhật Bản sau khi lực lượng tuần duyên Nhật bắt giữ một tầu đánh cá của Trung Quốc trong vùng biển có tranh chấp. Trung Quốc phủ nhận việc ra lệnh cấm đó.

Bắc Kinh cũng có những tranh chấp với Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà người ta cho là chứa các trữ lượng lớn về dầu khí.

Cả hai vị bộ trưởng quốc phòng của Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều không đề cập đến các vấn đề này trong các nhận định đưa ra tuần này tại Hà Nội.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates có nói rằng các bất đồng về tuyên bố chủ quyền lãnh thổ dường như là một thách thức ngày càng lớn cho sự ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Ông Gates lập lại rằng Hoa Kỳ không đứng về phía nào trong các vụ tranh chấp, nhưng ông nói các tranh chấp phải được giải quyết một cách êm đẹp, không sử dụng vũ lực hay cưỡng ép và theo đúng luật pháp quốc tế.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tuyên bố các nỗ lực của nước ông nhằm hiện đại hóa quân đội có tính cách thuần tuý phòng vệ và không nhắm mục đích đe dọa các nước khác.

Ông nhấn mạnh rằng chìa khóa cho nền an ninh khu vực là tôn trọng nguyên tắc chủ quyền và bất can thiệp vào nội bộ của nhau. Nhưng ông cũng ủng hộ khái niệm xây dựng các khung sườn đa phương để cải thiện hợp tác và tập trung vào các lợi ích chung.

Tổng thư ký ASEAN nói cuộc họp này là bước đầu trong tiến trình đó.

Ông Pitsuwan nói tiếp: “Bất cứ vấn đề nào có thể vấp phải, bất cứ bất đồng nào có thể có, chúng ta chắc chắn sẽ đi theo một tiến trình ôn hòa dựa vào luật pháp thông thường và quốc tế.”

10 thành viên của khối ASEAN cộng với 8 cường quốc khác trong khu vực cũng đồng ý phát triển hợp tác quân sự chặt chẽ hơn để ứng phó với các tai họa nhân đạo, các hoạt động gìn giữ hòa bình và các nỗ lực chống khủng bố.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG