Đường dẫn truy cập

Australia phải theo kịp châu Âu trong nỗ lực cắt giảm khí thải carbon


Diễn viên Australia Cate Blanchett trong 1 quảng cáo ủng hộ thuế carbon, Sydney, 30/5/2011
Diễn viên Australia Cate Blanchett trong 1 quảng cáo ủng hộ thuế carbon, Sydney, 30/5/2011

Các doanh nghiệp Úc đang phản ứng trước chi tiết của một sắc thuế mới đánh vào khí thải carbon đã được giới bảo vệ môi trường ca ngợi là có tính lịch sử nhưng bị giới chỉ trích lên án là một hành động kinh tế điên cuồng. Bất kể sự chỉ trích, các chuyên gia phân tích cho rằng Australia chưa theo kịp nhiều nước trong thế giới phát triển về mặt các nỗ lực giảm thiểu lượng khí thải carbon tăng vọt.

Giới chỉ trích thuế ô nhiễm theo như đề nghị lập luận rằng chính phủ tại Canberra nên chờ cho đến khi nào các nước khác có quyết định về mức giá carbon. Thủ lãnh phe đối lập Tony Abbott nói một “sắc thuế đơn phương về carbon” sẽ là một hành động “tự gây thiệt hại về kinh tế.”

Dự luật được đề xuất, sẽ có hiệu lực vào tháng 7 sang năm, buộc 500 doanh nghiệp gây ô nhiễm nặng nhất phải trả 25 đôla cho mỗi mét khối carbon dioxide thải ra.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu về môi trường nhấn mạnh rằng Australia cần phải có hành động ngay bây giờ bởi vì nền kinh tế lệ thuộc vào than đá của nước này tạo ra nhiều khí carbon hơn nhiều nước khác.

Ông Ben McNeil, một chuyên gia kỳ cựu tại Trung tâm Khảo cứu Biến đổi Khí hậu thuộc trường Đại học New South Wales, nói rằng thực ra Australia vẫn còn chậm hơn nhiều so với các nước Tây phương khác.

Ông nói: “Ở vương quốc Anh chẳng hạn, họ có khoảng 3 tín hiệu giá khác nhau, họ đã áp dụng một sắc thuế về biến đổi khí hậu cách đây 10 năm. Các tín hiệu giá này nằm trong khuôn khổ một kế hoạch thương mại của EU và song song với việc này, họ cũng đã áp dụng một số sắc thuế đánh vào carbon trong một số khu vực cụ thể. Tại châu Âu, các nước thực sự đi trước rất nhiều. Còn tại Hoa Kỳ, thì họ đang còn tìm cách định kế hoạch và vận động Quốc hội thông qua một mức giá carbon.”

Tại Hoa Kỳ, có một Chương trình Khí Nhà kính Khu vực không bắt buộc, áp dụng cho điện ở 10 tiểu bang miền đông bắc. Theo dự kiến, California sẽ thử nghiệm một kế hoạch trao đổi khí thải trong vài năm sắp tới.

New Zealand cũng đã định ra một mức giá carbon. Australia dự định đề xuất một cơ chế tương tự trong thời gian 1 năm trước khi xúc tiến một kế hoạch trao đổi khí thải vào năm 2015.

Kinh nghiệm của Canberra trong việc đối phó với một hệ thống phức tạp và gây nhiều tranh cãi sẽ được theo dõi kỹ, nhất là ở khắp châu Á. Nhật Bản và Nam Triều Tiên có kế hoạch đề xuất các chương trình trao đổi khí thải và Trung Quốc đang cứu xét một hệ thống thí điểm ở một số tỉnh.

Tính theo đầu người, Australia là một trong những nước đứng đầu thế giới về lượng khí thải có hiệu ứng nhà kính nhất mà nhiều khoa học gia quy cho là gây ra tình trạng tăng nhiệt.

Thủ tướng Julia Gillard cho biết sắc thuế carbon sẽ giảm thiểu được 160 triệu tấn khí thải của Australia trong 1 thập niên, tương đương với việc loại 45 triệu xe hơi ra khỏi đường phố. Chính phủ nói có đủ số phiếu tại quốc hội để dự luật được phê chuẩn.

Sắc thuế này là biện pháp cải cách kinh tế lớn nhất của Australia trong cả một thế hệ. Bà Gillard nói 500 doanh nghiệp thải nhiều khí carbon nhất sẽ canh tân và thay đổi trong khi cố gắng giảm thiểu việc thải khí để cắt bớt số thuế phải đóng.

Các hãng sản xuất thép, các mỏ than và các công ty cung cấp điện sẽ được đền bù để tiếp tục hoạt động, trong khi việc cắt giảm các thứ thuế khác sẽ khiến cho thỏa thuận hấp dẫn hơn đối với hàng triệu người dân Úc. Tuy nhiên, giới chỉ trích tin rằng kế hoạch về khí thải carbon này sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế quốc gia vốn lệ thuộc vào việc cung ứng than đá rẻ tiền.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG