Đường dẫn truy cập

Người tị nạn đối mặt với thử thách bên trong và ngoài Australia


Nhân viên cứu hộ trên bờ đá ở đảo Christmas nỗ lực cứu các nạn nhân trên chiếc thuyền gỗ bị vỡ, ngày 15/12/2010. Vụ này đã nêu bật những mối nguy hiểm mà người đi tỵ nạn phải đối phó
Nhân viên cứu hộ trên bờ đá ở đảo Christmas nỗ lực cứu các nạn nhân trên chiếc thuyền gỗ bị vỡ, ngày 15/12/2010. Vụ này đã nêu bật những mối nguy hiểm mà người đi tỵ nạn phải đối phó

Chính phủ Australia đang chuẩn bị đối phó với một luồng người tỵ nạn từ Nam và Trung Á đến bằng tàu thuyền đổ vào vùng duyên hải miền tây bắc hẻo lánh của Úc. Các giới chức cảnh báo cuộc hành trình đầy trắc trở này không đáng phải hy sinh tính mạng. Từ Melbourne, thông tín viên VOA Luke Hunt gửi về bài tường thuật sau đây.

Vụ một chiếc tàu tỵ nạn bị chìm một cách bi thảm ngoài khơi một hòn đảo của Australia hồi tháng trước đã nêu bật những mối nguy hiểm mà người đi tỵ nạn phải đối phó. 28 người từ Iran và Iraq đã thiệt mạng, trong đó có 3 hài nhi.

Chính phủ Australia đang điều tra về thảm kịch này. Một trọng điểm chú ý sẽ là các chiến thuật của những tay buôn người, thường đòi trả khoảng 10.000 đôla cho chuyến đi, nhiều khi được thực hiện trên những tàu thuyền không chịu nổi biển khơi.

Theo các tổ chức nhân quyền như Tenaganita ở Malaysia, các tay chở người lậu này thường đưa ra những lời hứa hão là chuyến đi sẽ an toàn, dễ vào được Australia và sẽ có việc làm ngay khi đến nơi. Tiền được thanh toán từng chặng, thường là ở Malaysia và Indonesia, và số còn lại sau khi gọi điện thoại báo tin cho thân nhân người tỵ nạn còn ở trong nước.

Cú điện thoại đó thường được gọi từ tàu thuyền một khi vào được hải phận Australia. Những người đi tỵ nạn cũng được phép gọi cho thân nhân từ các trại tạm giữ nhưng giới hoạt động cho nhân quyền e ngại rằng có nhiều tàu thuyền không hoàn tất được cuộc hành trình một cách an toàn và theo dõi các tàu thuyền là điều gần như không thể thực hiện được.

Bà Pamela Curr là phối hợp viên vận động cho Trung tâm Trợ giúp người xin tỵ nạn ở Melbourne. Bà nói cần phải có nhiều biện pháp hơn để ngăn tránh tổn thất thêm về sinh mạng.

Bà Curr nói: “Các tàu thuyền sẽ không ngừng hoạt động, đó là một sự thực và ta phải chấp nhận. Vụ đắm tàu ở đảo Christmas là một tấn thảm kịch. Thay vì buộc tàu thuyền rời khỏi Indonesia để mọi người có thể gõ cửa xin chúng ta giúp đỡ, thì chúng ta nên thẩm định những người ở Indonesia và những người xin tỵ nạn – và tái định cư họ.”

Hơn 120 tàu thuyền chở khoảng 6.000 người, con số lớn nhất từ 20 năm nay, đã đến Australia trong năm 2010. Đa số đến từ Indonesia là nơi Australia đã tài trợ cho các trung tâm tạm giữ người xin tỵ nạn. Canberra đã thả nổi khái niệm xây dựng một trung tâm cứu xét trong khu vực ở Đông Timor, là khái niệm đã nhận được phản ứng lẫn lộn – cả ở Australia lẫn ở Đông Timor.

Mỗi năm, Australia nhận hơn 10.000 người tỵ nạn đã được cứu xét qua các cơ sở tỵ nạn ở các nước khác. Nhưng những người nhập cảnh bất hợp pháp, nhất là bằng tàu thuyền, thì bị giữ trong khi đơn xin được cứu xét. Đa số được giữ trên đảo Christmas hẻo lánh.

Tại Australia, chính phủ trông đợi một luồng sóng những chống đối pháp lý sau khi Tòa Tối cao phán quyết rằng việc cứu xét đơn xin tỵ nạn là có khuyết điểm về pháp lý.

Các luật lệ được duyệt xét lại sẽ cho phép người xin tỵ nạn được quyền khiếu nại nếu đơn xin của họ bị bác.

Giới tranh đấu cho người tỵ nạn coi quyết định này là một thắng lợi cho những người bị giữ trên đảo Christmas vì quyết định này chỉ liên quan đến những người xin tỵ nạn đến Australia bằng tàu thuyền/

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Di trú Chris Bowen nói rằng các luật lệ mới sẽ chỉ đi đến kết quả là nhưng trì trệ kéo dài về pháp lý, và có nghĩa là mọi người sẽ phải ở lâu hơn trong các trung tâm tạm giữ để chờ trường hợp của mình được đưa ra xét xử.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG