Đường dẫn truy cập

Australia, TQ sắp đạt được thỏa thuận về hiệp định trao đổi tù nhân


Nhà máy của công ty Rio Tinto ở Kwinana tại Perth
Nhà máy của công ty Rio Tinto ở Kwinana tại Perth

Một giới chức quản trị ngành mỏ của Australia bị giam giữ tại Trung Quốc về tội hối lộ và gián điệp có thể sắp sửa lên đường về nước trong khuôn khổ một chương trình trao đổi tù nhân. Trường hợp của ông Stern Hu, một thương thuyết gia cấp cao cuả công ty Rio Tinto bị án tù 10 năm hồi tháng 3 năm 2010, đã khiến cho quan hệ ngoại giao bị rạn nứt giữa Canberra và Bắc Kinh, mà theo dự kiến, sắp chung quyết trong một hiệp định về trao đổi tù nhân. Từ Sydney, thông tín viên Phil Mercer đài VOA gửi về bài tường trình sau đây.

Trung Quốc đã ký hiệp định trao đổi tù nhân và giờ đây một ủy ban đầy quyền lực các nhà lập pháp trong quốc hội Úc ở Canberra đang hối thúc chính phủ Australia làm như thế. Hiệp định nay sẽ được đệ trình lên quốc hội.

Thỏa thuận song phương sẽ cho phép các công dân Trung Quốc bị giam giữ tại các nhà tù Australia được phép xin hồi hương để thọ án tù ở trong nước. Điều này cũng áp dụng cho những người Úc bị giam tại Trung Quốc một khi có sự đồng thuận của cả hai chính phủ. Các giới chức cảnh báo rằng thủ tục có thể kéo dài.

Có khoảng 25 người Úc bị giam tại Trung Quốc, trong đó có cựu Giám đốc Stern Hu của công ty Rio Tinto, trong khi có thêm 16 người Úc khác đang chờ được xét xử hoặc kết tội. Bộ tư pháp Úc ở Canberra cho biết bộ không ước tính có bao nhiêu công dân Trung Quốc đang bị giam tại các nhà tù ở Australia.

Ông Stern Hu bị bắt giam hồi tháng 3 năm 2010 vì nhận một số tiền bất hợp pháp và vi phạm các bí mật về thương mại. Chiếu theo hiệp ước trao đổi tù nhân ông Hu có thể xin trở về Australia để thọ xong án tù 10 năm mà năm 2010 chính phủ Canberra cho là quá khắt khe.

Trường hợp của ông Hu đã gây mất ổn định trong quan hệ ngoại giao giữa hai đối tác thương mại nhưng Chủ tịch tổ chức các Luật sư Nhân Quyền Úc, ông Stephen Keim, nói rằng bất cứ thỏa thuận trao đổi từ nhân nào cũng giúp cho ông Hu sớm được trả tự do.

Ông Keim nói: “Có thể phía Trung Quốc sẽ cảm thấy rất khó chịu khi thừa nhận là họ đã sai lầm điều gì đó và đồng ý trả tự do cho ông Hu. Nhưng nếu ông ấy được trao đổi để trở về Australia và chính phủ Úc tạm tha cho ông hay tìm cách nào đó giảm án tù của ông thì Trung Quốc sẽ có thể nói rằng đó là chuyện của Australia, không liên quan gì tới họ. Vì thế đây có thể là một phương cách tốt để tránh những khó khăn về ngoại giao mà người ta khó tránh được bằng một phương cách trực tiếp hơn.”

Quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đã cải thiện rõ rệt từ khi ông Hu bị bắt giam.

Các giới chức Úc vẫn nêu lên mối lo ngại về cách thức Trung Quốc đối xử với các sắc tộc thiểu số của, và các vấn đề tự do tôn giáo và việc đàn áp các nhà tranh đấu cho nhân quyền. Tuy nhiên các bất đồng về chính trị đó đã không có tác động bất lợi cho việc giao thương.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia và sự thèm khát của họ về hàng hóa, nhất là quặng sắt và than đá, giúp bảo đảm cho sự tăng triển kinh tế vững mạnh của Australia.

Không muốn làm mất lòng Trung Quốc, Thủ tướng Úc Julia Gillard tuần này từ chối không tiếp Đức Đạt Lai Lạt ma, nhà lãnh đạo tinh thần lưu vong của Tây Tạng, người mà Trung Quốc coi là một phần tử ly khai nguy hiểm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG