Đường dẫn truy cập

Cựu Thủ tướng Thái Lan bị khởi tố vì chương trình trợ giá lúa gạo


Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra bị khởi tố về tội 'sao nhãng trách vụ' liên quan tới chương trình trợ giá lúa gạo bị thất bại khi bà còn tại chức.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra bị khởi tố về tội 'sao nhãng trách vụ' liên quan tới chương trình trợ giá lúa gạo bị thất bại khi bà còn tại chức.

Giới hữu trách Thái Lan hôm nay khởi tố cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra vì một chương trình trợ giá lúa gạo bị thất bại khi bà còn tại chức. Bà Yingluck không xuất hiện tại phiên tòa khởi tố, nhưng luật sư của bà cho biết bà không cần phải ra trước tòa và không hề có ý định bỏ trốn ra nước ngoài. Theo tường thuật của thông tín viên Steve Herman của đài VOA tại Bangkok, những người ủng hộ bà Yingluck nói rằng những cáo trạng chống lại bà là có động cơ chính trị.

Việc bà Yingluck, thủ tướng chót được bầu lên một cách dân chủ ở Thái Lan, bị khởi tố là một việc nằm trong dự đoán của nhiều người.

Ngày hôm nay, sau khi nộp nhiều thùng tài liệu cho Tối cao Pháp viện, văn phòng tổng chưởng lý loan báo bà Yingluck Shinawatra bị khởi tố về tội “sao nhãng trách vụ.”

Nếu bị tòa xét là can tội sao nhãng và không ngăn chận tham nhũng, bà có thể bị bỏ tù 10 năm. Chính phủ, do quân đội kiểm soát, cũng đang xét tới việc nộp đơn kiện dân sự nhắm vào bà Yingluck để đòi bồi thường 18 tỉ đô la thiệt hại.

Những cáo trạng này phát xuất từ một chương trình bị thất bại của chính phủ để mua lúa gạo từ nông dân với giá cao hơn giá thị trường. Kế hoạch trợ giá đó dẫn tới chỗ chính phủ phải tồn trữ một số lượng lúa gạo rất lớn, trong đó có một số bị mốc thối trong nhà kho, và những tố cáo cho rằng hàng tỉ đô la đã bị phí phạm.

Mặc dù vậy, vị cựu thủ tướng này nhất mực nói rằng bà không hề làm điều gì sai trái.

Ông Surasak Threerattrakul, Trưởng ban điều tra của Văn phòng Tổng chưởng lý, nói rằng vào ngày 19 tháng 3 Tối cao Pháp viện sẽ loan báo quyết định về vụ án này.

Ông Surasak nói rằng bà Yingluck sẽ phải trình diện trước phiên tòa đầu tiên và lúc đó các vị thẩm phán sẽ quyết định về việc bị cáo được tại ngoại hầu tra hay sẽ bị giam giữ.

Luật sư của bà Yingluck, ông Pichit Chuenban, cho biết thân chủ ông sẽ chống lại bất kỳ cáo trạng hình sự nào.

Luật sư Pichit nói rằng bà Yingluck đã khẳng định là “khi bà nhận được văn bản chi tiết của lệnh khởi tố và ngày mở phiên tòa đầu tiên được ấn định, bà sẽ có mặt tại tòa theo đúng thủ tục tư pháp.
Tập đoàn quân nhân cầm quyền ở Thái Lan hồi tháng trước đã không cho phép bà Yingluck đi Hồng Kông để bảo đảm là bà có mặt trong nước để đối mặt với các cáo trạng.

Hồi tháng 5 năm ngoái, không bao lâu trước khi quân đội lên nắm quyền, bà Yingluck đã bị buộc phải rời khỏi chức vụ sau khi một tòa án ra phán quyết cho rằng bà can tội lạm dụng quyền lực.

Tháng giêng vừa qua, quốc hội do tập đoàn quân nhân chọn ra, đã luận tội bà, khiến bà bị cấm hoạt động chính trị trong vòng 5 năm.
Tập đoàn quân nhân không hề giấu giếm ý định loại bỏ vĩnh viễn những ảnh hưởng chính trị của gia tộc Shinawatra.

Anh của bà Yingluck, ông Thaksin Shinawatra, một nhà tỉ phú ngành truyền thông, đã bị loại khỏi chức vụ thủ tướng trong cuộc đảo chánh năm 2006. Ông bị xem là một kẻ tại đào sinh sống ở nước ngoài, sau khi bị tuyên án tù về tội tham nhũng.

Những người ủng hộ gia tộc Shinawatra đã hậu thuẫn cho người thắng cuộc trong tất cả những cuộc bầu cử toàn quốc trong hơn một thập niên qua. Những người này, thường được gọi là phe Aùo Đỏ, cho rằng phe Aùo Vàng – gồm những người thuộc thành phần bảo hoàng, quân đội và giới thượng lưu ở Bangkok, muốn đàn áp giới lao động và những nông dân nghèo ở miền bắc.

Ông Prayuth Chan-ocha, viên tướng cầm đầu cuộc đảo chánh và đang giữ chức thủ tướng, hứa hẹn sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào đầu năm tới, sau một giai đoạn cải cách và một bản hiến pháp mới, trong đó có các qui định để hạn chế quyền của các đảng phái chính trị. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn nghi ngờ về thời biểu của quá trình chuyển tiếp này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG