Đường dẫn truy cập

Bắc Kinh: Quan hệ Trung-Việt đang phát triển ‘tích cực’


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) nói mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam về tổng thể phát triển "tích cực".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) nói mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam về tổng thể phát triển "tích cực".

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 20/7 cho biết rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam đang phát triển “tích cực” về tổng thể bất chấp những căng thẳng giữa Bắc Kinh và Hà Nội trong những tháng gần đây về xung đột trên Biển Đông.

Người phát ngôn Uông Văn Bân (Wang Wenbin) của Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh nói với các phóng viên sau khi thông báo về cuộc họp Uỷ ban điều hành Trung Quốc-Việt Nam về Hợp tác song phương lần thứ 12 rằng “về tổng thể, các mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam đang trên một quỹ đạo tích cực.”

Ông Uông không nhắc gì tới những xung đột gần đây giữa hai nước về các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông khiến bộ ngoại giao ở Hà Nội và Bắc Kinh nhiều lần lên tiếng qua lại cáo buộc lẫn nhau về chủ quyền lãnh thổ.

Những tháng gần đây, căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng cao khi Hà Nội tố cáo Bắc Kinh đâm chìm một tàu cá của ngư dân Việt gần quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc còn tiến hành các cuộc tập trận quân sự vào giữa tháng 4 và tuyên bố thành lập các quận hành chính ở Hoàng Sa và Trường Sa, một động thái mà Hà Nội phản đối.

Vấn đề Biển Đông đã được Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đưa ra trong cuộc họp lần thứ 12 Uỷ ban Chỉ đạo hợp tác song phương Trung Quốc-Việt Nam mà ông đồng chủ trì với Uỷ viên Quốc vụ-Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị qua hình thức trực tuyến hôm 21/7.

Theo cổng thông tin điện tử Chính phủ, hai bên đã “trao đổi thẳng thắn về tình hình trên biển thời gian qua và những điểm còn khác biệt về vấn đề trên biển.”

Ông Minh “nêu quan ngại trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông gần đây” và đề nghị hai bên kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp hình hình, mở rộng tranh chấp, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, duy trì hoà bình ổn định ở Biển Đông.”

Hai bên nhất trí “tuân thủ nhận thức chung cấp cao và Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, thúc đẩy các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển” và “thúc đẩy đàm phán COC (bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông) sớm đạt kết quả thực chất,” theo báo điện tử Chính phủ.

Tuy nhiên tại hội nghị, các quan chức Việt Nam và Trung Quốc nhất trí rằng “quan hệ Việt-Trung về tổng thể duy trì xu thế phát triển tích cực.”

“Trung Quốc mong muốn nắm giữ tiến bộ trong quan hệ song phương với Việt Nam tại cuộc họp này và trao đổi ý kiến chuyên sâu về trao đổi và hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau với các nỗ lực phòng ngừa và kiểm soát đang diễn ra,” người phát ngôn BNG Trung Quốc nói hôm 20/7. “Chúng tôi tin rằng với những nỗ lực phối hợp của mình, cuộc họp sẽ mang lại kết quả như mong đợi và đóng góp vào sự hợp tác chiến lược toàn diện của (hai nước) chúng ta.”

Người phát ngôn BNG Trung Quốc cũng nói rằng: “Trước sự bùng nổ đột ngột của COVID-19, Trung Quốc và Việt Nam đã đoàn kết với nhau để hỗ trợ lẫn nhau và đạt được chiến thắng lớn trong cuộc chiến, tạo điều kiện tốt để trao đổi và hợp tác trong tương lai.”

Mặc dù vậy, Mỹ và cộng đồng quốc tế cho rằng Trung Quốc đã lợi dụng trong lúc các quốc gia láng giềng còn đang vật lộn với đại dịch do virus corona bắt nguồn từ Vũ Hán gây ra để tiến hành các hoạt động tăng cường kiểm soát Biển Đông.

Tại cuộc họp báo hôm 20/7, ông Vương còn cho biết rằng: “Vì năm nay là kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao, Tổng bí thư-Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại và trao đổi điện mừng với Tổng Bí thư và Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng” trong dịp Tết vừa qua và “bàn các kế hoạch chiến lược nhằm phát triển hơn nữa các mối quan hệ giữa hai đảng và hai nhà nước.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG