Đường dẫn truy cập

'Bắc Triều Tiên sẽ có thêm hành động gây hấn'


Binh sĩ Hàn Quốc điều chỉnh thiết bị sử dụng cho các chương trình phát sóng tuyên truyền gần khu vực biên giới giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên ở Yeoncheon, ngày 8/1/2016. Các chuyên gia cảnh báo Bình Nhưỡng có thể đáp trả bằng biện pháp quân sự cho việc Seoul thực hiện lại chương trình phóng thanh tuyên truyền, và điều đó có thể sẽ gây ra một cuộc đối đầu quân sự giữa hai bên.
Binh sĩ Hàn Quốc điều chỉnh thiết bị sử dụng cho các chương trình phát sóng tuyên truyền gần khu vực biên giới giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên ở Yeoncheon, ngày 8/1/2016. Các chuyên gia cảnh báo Bình Nhưỡng có thể đáp trả bằng biện pháp quân sự cho việc Seoul thực hiện lại chương trình phóng thanh tuyên truyền, và điều đó có thể sẽ gây ra một cuộc đối đầu quân sự giữa hai bên.

Các chuyên gia ở Seoul nói Bắc Triều Tiên có thể có thêm những hành động gây hấn tiếp theo sau vụ thử nghiệm hạt nhân mới nhất khiến cộng đồng quốc tế phản đối một cách kịch liệt. Thông tín viên Kim Eunjee của đài VOA có bài tường trình sau đây.

Các chuyên gia nói sau vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư, Bắc Triều Tiên có thể sẽ tăng nhanh nỗ lực để có được vị tế của một cường quốc hạt nhân. Washington tái khẳng định quan điểm rằng Mỹ sẽ không để cho Bình Nhưỡng có được sự công nhận đó.

"Chúng tôi không và sẽ không chấp nhận Bắc Triều Tiên là một nước có trang bị vũ khí hạt nhân, và những hành động giống như vụ thử nghiệm hạt nhân mới đây nhất chỉ khiến chúng tôi kiên quyết hơn," Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry nói trong tuyên bố sau vụ thử nghiệm hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Ông Kim Tae-woo, một phân tích gia chuyên nghiên cứu về vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên, nói rằng Bình Nhưỡng sẽ theo đuổi ý định lâu nay của họ về một hiệp ước hòa bình với Washington trong khi họ có trang bị vũ khí hạt nhân.

Nước có trang bị vũ khí hạt nhân

Cuộc thử nghiệm hạt nhân được ca ngợi như là một thành tựu của lãnh tụ Kim Jong Un tại Bắc Triều Tiên.
Cuộc thử nghiệm hạt nhân được ca ngợi như là một thành tựu của lãnh tụ Kim Jong Un tại Bắc Triều Tiên.

"Bắc Triều Tiên muốn được công nhận là nước có vũ khí hạt nhân mà không tham gia Hiệp ước Cấm Phổ biến Hạt nhân, gọi tắt là NPT," chuyên gia Kim nhận định như vậy khi nói đến hiệp ước quốc tế nhằm ngăn ngừa việc phổ biến vũ khí hạt nhân và công nghệ có liên quan.

"Hiệp ước hòa bình mà Bình Nhưỡng muốn có là một mưu toan nhằm đẩy các lực lượng của Mỹ ra khỏi Nam Triều Tiên," ông Kim nói.

Tuần trước, Bình Nhưỡng đề nghị là họ sẽ ngưng thử nghiệm hạt nhân để đổi lấy một hòa ước với Washington và một sự chấm dứt của các cuộc tập trận chung giữa Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ.

Một số chuyên gia cảnh báo rằng Bình Nhưỡng có thể phóng thêm một phi đạn tầm xa hoặc một phi đạn đạn đạo từ tàu ngầm để đáp lại những lệnh chế tài mới của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Các lệnh chế tài hiện tại của Liên hiệp quốc cấm Bình Nhưỡng phóng bất cứ phi đạn nào sử dụng công nghệ phi đạn đạn đạo.

Ông Jeon Ok-hyun, một cựu giới chức cấp cao của Cơ quan Tình báo Quốc gia Nam Triều Tiên, nói rằng những hành động gây hấn của Bắc Triều Tiên đối với Nam Triều Tiên cũng có khả năng xảy ra.

"Những hành động gây hấn của Bình Nhưỡng có thể diễn ra với những hình thức khác nhau, trong đó có các vụ tin tặc hay những vụ tấn công quân sự," ông Jeon nói.

Chính trị nội bộ

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un dự lễ khen thưởng các nhà khoa học hạt nhân, kỹ thuật viên, công nhân và cán bộ đã đóng góp những gì Bắc Triều Tiên nói là một cuộc thử bom hydro thành công tại hội trường của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên WPK.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un dự lễ khen thưởng các nhà khoa học hạt nhân, kỹ thuật viên, công nhân và cán bộ đã đóng góp những gì Bắc Triều Tiên nói là một cuộc thử bom hydro thành công tại hội trường của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên WPK.

Một giới chức cấp cao Nam Triều Tiên yêu cầu không nêu tên nói rằng tình hình chính trị nội bộ của Bắc Triều Tiên có thể đã đẩy cho tình trạng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên tăng cao đến mức hiện nay. Giới chức này nói đến sự vắng mặt của ông Jang Song Thaek và ông Kim Yang Gon. Ông Jang, chú dượng của lãnh tụ Kim Jong Un, bị hành quyết năm 2013. Còn ông Kim Yang Gon, một giới chức hàng đầu của Bình Nhưỡng, chết trong một tai nạn giao thông bí ẩn hồi tháng trước. Hai ông Jang và Kim được biết là có quan điểm ôn hòa. Với sự vắng mặt của các hai giới chức này, Bình Nhưỡng rất có thể đang tỏ thái độ cứng rắn hơn với Seoul, theo giới chức này. Ông cũng cảnh báo rằng Bình Nhưỡng có thể đáp trả bằng biện pháp quân sự cho việc Seoul thực hiện lại chương trình phóng thanh tuyên truyền, và điều đó có thể sẽ gây ra một cuộc đối đầu quân sự giữa hai bên.

Ông Nam Seong-wook, cựu chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược An ninh Quốc gia của Cơ quan Tình báo Quốc gia Nam Triều Tiên, nhận định rằng Bình Nhưỡng có thể áp dụng một "chiến thuật không quá ồn ào" đối với Seoul trong thời gian này. Thay vào đó, họ có thể đang tập trung vào những vấn đề nội bộ trong nỗ lực hợp nhất sự ủng hộ đối với lãnh tụ Kim Jong Un trước đại hội đảng vào tháng 5 sắp tới. Cuộc thử nghiệm hạt nhân được ca ngợi như là một thành tựu của lãnh tụ Kim tại Bắc Triều Tiên, theo nhận định của ông Nam.

Hôm thứ Ba, Tổng thống Nam Triều Tiên Park Geun Hye kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc áp dụng những biện pháp "mạnh mẽ và hữu hiệu" đối với vụ thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Bà Park cảnh báo rằng nếu không có hành động thì đó sẽ là một tín hiệu sai lầm gởi đến Bình Nhưỡng. Cảnh báo của Tổng thống Park được đưa ra giữa lúc có nhiều hoạt động ngoại giao của Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Nam Triều Tiên để vận động cho những sự trừng phạt mới của Liên hiệp quốc đối với Bắc Triều Tiên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG