Đường dẫn truy cập

Bạch Cung: Trung Quốc chớ hòng hăm dọa Mỹ, bà Pelosi có quyền thăm Đài Loan


Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi.
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi.

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi dự kiến sẽ đến thăm Đài Loan vào ngày 2/8, ba người được thuyết trình về vấn đề này cho hay, trong lúc Trung Quốc cảnh cáo quân đội của họ “sẽ không ngồi yên” nếu bà Pelosi tới hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh tuyên bố có chủ quyền.

Bà Pelosi, người bắt đầu chuyến công du châu Á hôm 1/8 tại Singapore, dự kiến sẽ dành đêm 2/8 ở Đài Loan, ba nguồn tin vừa kể cho hay.

Bộ Ngoại giao Đài Loan nói họ không có bình luận gì về tin tức kế hoạch du hành của bà Pelosi.

Giữa những đồn đoán rộng rãi về việc liệu bà có tới Đài Loan hay không, văn phòng của bà Pelosi hôm 31/7 chỉ nói rằng bà dẫn đầu một phái đoàn quốc hội tới khu vực bao gồm các chuyến thăm đến Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản, nhưng không đề cập đến Đài Loan.

Một nguồn tin nói với Reuters rằng Hoa Kỳ đã thông báo cho một số đồng minh về chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi. Hai nguồn tin khác cho biết khi dừng chân tại Đài Loan, có thể là vào ngày 3/8, bà Pelosi có kế hoạch sẽ gặp một nhóm các nhà hoạt động trực ngôn về hồ sơ nhân quyền Trung Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 1/8 tuyên bố sẽ là “sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc” nếu bà Pelosi thăm Đài Loan, đồng thời cảnh báo rằng điều đó sẽ dẫn đến “những diễn biến và hậu quả rất nghiêm trọng.”

“Chúng tôi muốn nói với Hoa Kỳ một lần nữa rằng Trung Quốc đang sẵn sàng, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ không bao giờ ngồi yên, và Trung Quốc sẽ có những phản ứng kiên quyết và các biện pháp đối phó mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình”, ông Triệu nói trong một cuộc họp báo thường kỳ.

Khi được hỏi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có thể áp dụng những biện pháp gì, ông Triệu nói: “Nếu bà ấy dám đi, thì hãy chờ xem.”

Trung Quốc coi các chuyến thăm của các quan chức Hoa Kỳ tới Đài Loan là một tín hiệu khích lệ cho phe ủng hộ độc lập ở hòn đảo này. Mỹ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng, theo luật pháp Hoa Kỳ, Washington phải cung cấp cho hòn đảo này các phương tiện để tự vệ.

Chuyến thăm của bà Pelosi, người đứng thứ hai trong danh sách kế vị Tổng thống Mỹ và là người chỉ trích Trung Quốc lâu năm, sẽ diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng xấu đi. Ông Newt Gingrich là Chủ tịch Hạ viện cuối cùng đến thăm Đài Loan vào năm 1997.

Những hình ảnh ‘đe dọa’

Một video của Bộ Chỉ huy miền Đông của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc chiếu cảnh các cuộc tập trận và chuẩn bị của quân đội được đăng trên các trang mạng nhà nước vào tối 1/8, kêu gọi quân đội “đứng trong đội hình chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu theo lệnh, chôn vùi tất cả kẻ thù sắp đến.”

Tòa Bạch Ốc bác bỏ luận điệu của Trung Quốc là vô căn cứ và không phù hợp. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN vào sáng 1/8: “Không có gì lạ khi các nhà lãnh đạo Quốc hội tới Đài Loan.”

“Với tư cách là một quốc gia, chúng ta không nên bị dọa nạt bởi những ngôn từ hay những hành động tiềm tàng đó. Đây là một chuyến đi quan trọng đối với Chủ tịch Hạ viện và chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể để hỗ trợ bà.”

Cuộc điện đàm Joe Biden-Tập Cận Bình

Trong cuộc điện đàm hôm 28/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng Washington nên tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc và rằng “những kẻ đùa giỡn với lửa sẽ bị lửa thiêu hủy.”

Ông Biden nói với ông Tập rằng chính sách của Hoa Kỳ về Đài Loan không thay đổi và Washington cực lực phản đối những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng hoặc phá hoại hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan.

Phát ngôn viên Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington Liu Pengyu tỏ ra dè đặt trước báo chí hôm 29/7, một ngày sau khi ông Biden nói chuyện với ông Tập, nói rằng một trong những mục tiêu của cuộc đối thoại là xoa dịu căng thẳng về vấn đề Đài Loan.

Ông Liu nói: “Tôi nghĩ rằng cả Trung Quốc và Mỹ đều không muốn xảy ra xung đột ở Eo biển Đài Loan.”

Ngày 1/8, Thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương không trực tiếp trả lời khi được hỏi liệu bà Pelosi có đến thăm vào ngày 4/8 như truyền thông địa phương đồn đoán hay không.

Ông nói với các phóng viên ở Đài Bắc: “Chúng tôi luôn nồng nhiệt chào đón các chuyến thăm của các vị khách nước ngoài quan trọng.”

Ông Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, nói rằng nếu bà Pelosi đến thăm Đài Loan, điều đó sẽ khiến Bắc Kinh đưa ra các biện pháp đáp trả mạnh mẽ nhất trong nhiều năm, nhưng ông không nghị chuyện này sẽ khơi ra xung đột quân sự lớn.

Ông nói: “Trung Quốc đã nhắc lại một cách không mơ hồ về sự phản đối của họ đối với chủ nghĩa ly khai ở Đài Loan. Trung Quốc đã nhiều lần nhắc lại là chính sách một Trung Quốc không thay đổi và chống lại bất cứ sự thay đổi nguyên trạng nào của hai bên Eo biển Đài Loan.”

“Trừ khi tình cờ, tôi chắc chắn không bên nào cố tình thực hiện hành động quân sự có thể dẫn đến rủi ro an ninh lớn.”

Chuyến thăm Singapore

Ngày 1/8, bà Pelosi cùng phái đoàn đã gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, thảo luận về các vấn đề bao gồm quan hệ hai bờ eo biển, chiến tranh Ukraine và biến đổi khí hậu, Bộ Ngoại giao Singapore cho biết.

“Thủ tướng Lý nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ ổn định Mỹ-Trung đối với hòa bình và an ninh khu vực”, Bộ nói.

Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để đưa hòn đảo này vào tầm kiểm soát của họ. Đài Loan bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và nói rằng chỉ người dân của họ mới có thể quyết định tương lai của hòn đảo.

Tòa Bạch Ốc ngày 1/8 tuyên bố họ dự kiến Trung Quốc trong những ngày tới sẽ leo thang phản ứng trước chuyến thăm tiềm năng của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới Đài Loan và nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ không để mình bị uy hiếp.

Các hành động của Trung Quốc có thể bao gồm bắn phi đạn gần Đài Loan, các hoạt động không quân hoặc hải quân quy mô lớn, hoặc xa hơn là “tuyên bố pháp lý không có giá trị” như việc Bắc Kinh khẳng định eo biển Đài Loan không phải là hải lộ quốc tế, phát ngôn viên an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby nói với các phóng viên.

“Chúng tôi sẽ không mắc mồi hoặc nhúng tay vào chuyện đe doạ. Đồng thời, chúng tôi sẽ không để cho mình bị doạ nạt”, ông nói.

Tòa Bạch Ốc khẳng định bà Pelosi có quyền đến thăm Đài Loan và nói thêm rằng Trung Quốc dường như đã chuẩn bị sẵn sàng để đáp trả, có thể với các hành động khiêu khích quân sự.

Ông Kirby chuyến đi khả dĩ của bà Pelosi sẽ không làm thay đổi chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan và rằng Bắc Kinh hiểu rõ sự phân chia quyền lực trong chính phủ Hoa Kỳ có nghĩa là bà Pelosi tự quyết định về chuyến thăm.

Ông Kirby nói: “Chủ tịch Hạ viện có quyền đến thăm Đài Loan, và một chủ tịch Hạ viện đã đến thăm Đài Loan trước đây mà không xảy ra sự cố nào, cũng như nhiều thành viên Quốc hội, kể cả trong năm nay,” ông Kirby nói.

Ông nói: “Không có lý do gì để Bắc Kinh biến một chuyến thăm tiềm năng phù hợp với chính sách lâu nay của Hoa Kỳ thành một cuộc khủng hoảng hoặc xung đột nào đó, hoặc lấy đó làm cái cớ để gia tăng các hoạt động quân sự gây hấn trong hoặc xung quanh eo biển Đài Loan.”

Ông Kirby nói Trung Quốc dường như đang vào tư thế có thể có các bước tiếp theo trong những ngày tới để đáp lại chuyến thăm có thể xảy ra, điều mà bà Pelosi vẫn chưa xác nhận.

Ông nói, Tòa Bạch Ốc dự kiến Trung Quốc sẽ có những “lời lẽ vô trách nhiệm” hơn nữa về vấn đề này, mặc dù Hoa Kỳ sẽ tìm cách duy trì các đường dây liên lạc với Bắc Kinh.

Bất chấp các quan ngại rằng căng thẳng gia tăng có thể dẫn đến tính toán sai lầm hoặc xảy ra sai sót trong chuyến thăm như vậy, ông Kirby cho biết chính phủ Hoa Kỳ có trách nhiệm đảm bảo rằng bà Pelosi có thể du hành “một cách an toàn và an ninh.”

“Tôi có thể đảm bảo với quý vị rằng bà ấy sẽ đi,” ông nói.

Diễn đàn

XS
SM
MD
LG