Đường dẫn truy cập

Bản đồ ‘đường lưỡi bò’: Người Việt cần tẩy chay Baidu mới trúng đích?


Trang web Louis Vuitton ở TQ, với bản đồ của Baidu thể hiện đường lưỡi bò trên Biển Đông, 5/4/2021
Trang web Louis Vuitton ở TQ, với bản đồ của Baidu thể hiện đường lưỡi bò trên Biển Đông, 5/4/2021

Giữa lúc đông đảo người Việt đòi tẩy chay hãng H&M và cả các thương hiệu thời trang lớn khác như Gucci, Channel, Louis Vuitton… vì họ sử dụng bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, cũng xuất hiện một số ý kiến cho rằng đối tượng đáng bị tẩy chay phải là Baidu, hãng công nghệ Trung Quốc đứng sau bản đồ gây tranh cãi.

Như VOA đã đưa tin, kể từ ngày 3/4 đến nay, nhiều người Việt phẫn nộ, kêu gọi không mua, không sử dụng sản phẩm của hãng quần áo Thụy Điển H&M sau khi có tin hãng này tuân thủ yêu cầu của Bắc Kinh phải sửa “bản đồ có vấn đề” liên quan đến chủ quyền Trung Quốc.

Hiện tại, trang web của H&M ở Trung Quốc không đăng bản đồ có đường 9 đoạn, còn gọi là “đường lưỡi bò” trên Biển Đông.

Trong khi đó, VOA nhận thấy các trang web phục vụ thị trường Trung Quốc của một loạt các hãng thời trang nổi danh toàn thế giới như Burberry, Chanel, Gucci, Louis Vuitton, YSL hiện đang sử dụng bản đồ “đường lưỡi bò”.

Ông Ngô Quý Nhâm, nghiên cứu sinh thuộc Đại học PSL (Pháp) với 23 năm nghiên cứu, giảng dạy về kinh doanh quốc tế, chỉ ra với VOA rằng việc bắt buộc các hãng nước ngoài phải sử dụng bản đồ của Baidu thể hiện chủ quyền Trung Quốc, mà Việt Nam coi là sai trái, là một thủ đoạn của chính quyền Bắc Kinh. Ông nói thêm:

“Các tập đoàn đa quốc gia đều cố tránh né các câu chuyện liên quan đến chính trị, tranh chấp lãnh thổ, biển đảo. Bản chất ở đây là chính quyền Trung Quốc bắt buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải sử dụng hệ thống bản đồ của Baidu, chứa các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, như là ‘đường lưỡi bò’. Vì vậy, tôi nghĩ việc tẩy chay là không thỏa đáng đối với các doanh nghiệp toàn cầu”.

Trung Quốc nhiều năm nay cấm cửa hãng Google của Mỹ, đồng nghĩa là ứng dụng bản đồ Google Map cũng bị vô hiệu hóa ở đất nước có hơn 1,4 tỉ dân.

Baidu chính là công ty đưa bản đồ vệ tinh đó lên, nó có phần ‘đường lưỡi bò’. Đó là hãng trực tiếp làm như vậy, nó đáng bị tẩy chay.
Chuyên gia Ngô Quý Nhâm


Trong hoàn cảnh đó, các hãng nước ngoài buộc phải sử dụng các sản phẩm và dịch vụ do hãng công nghệ Baidu của Trung Quốc cung cấp.

Các tính năng của Baidu bao gồm bản đồ, tin tức, video, bách khoa toàn thư, phần mềm chống virus, và TV trên internet.

Baidu là công cụ tìm kiếm chiếm thị phần áp đảo ở Trung Quốc, lên đến 78%. Ở tầm thế giới, hãng này đứng thứ 6 về công cụ tìm kiếm.

Chuyên gia về kinh doanh quốc tế Ngô Quý Nhâm đưa ra quan điểm về Baidu:

“Baidu chính là công ty đưa bản đồ vệ tinh đó lên, nó có phần ‘đường lưỡi bò’. Đó là hãng trực tiếp làm như vậy, nó đáng bị tẩy chay”.

Một nhà báo trong nước với gần 20 năm kinh nghiệm viết về lĩnh vực chủ quyền có chung quan điểm với ông Nhâm. Không muốn nêu danh tính vì hiện làm việc tại một báo quốc doanh lớn ở Việt Nam, nhà báo này nói với VOA:

“Cái nguồn cơn, cái thủ phạm chính ở đây mà mình nên chống chính là Baidu, hoặc lớn hơn nữa đó là chính quyền Trung Quốc, với những chủ trương và đòi hỏi phi lý về chủ quyền ở Biển Đông. Xử lý về gốc, ít nhất là phía Việt Nam phải ngăn chặn Baidu, ngăn chặn những bản đồ của họ phương hại đến chủ quyền của Việt Nam”.

Trang web của Burberry ở TQ, dùng bản đồ của Baidu với đường lưỡi bò trên Biển Đông, 5/4/2021
Trang web của Burberry ở TQ, dùng bản đồ của Baidu với đường lưỡi bò trên Biển Đông, 5/4/2021

Vẫn nhà báo chuyên viết về chủ quyền nhận định rằng về mặt kỹ thuật, Việt Nam hoàn toàn có khả năng chặn Baidu, như họ từng làm với các trang web khác bị liệt vào diện chống chính quyền, hoặc đi ngược lại lợi ích về chủ quyền của Việt Nam, hoặc các trang đồi trụy.

Tuy nhiên, nhà báo giấu tên cho rằng do vị thế mang tính thống lĩnh của Baidu ở Trung Quốc, nhà chức trách Việt Nam sẽ phải thận trọng hơn khi hành động:

“Baidu là doanh nghiệp quá lớn của Trung Quốc. Ở một chừng mực nào đó, nó như là đại diện của Trung Quốc cho nên Việt Nam cũng có những ngại ngần trong việc chặn, vì việc chặn ở chừng mực nào đó cũng cho thấy thái độ của Việt Nam trực diện với Trung Quốc, thì họ phải cân nhắc về mặt ngoại giao. Nhưng tôi nghĩ xét về mặt lợi ích, chúng ta hoàn toàn có quyền chặn”.

Trong các năm gần đây, có không ít tiền lệ về việc Hà Nội hành động trực diện với Bắc Kinh để bảo vệ chủ quyền Việt Nam, như không công nhận hộ chiếu Trung Quốc có in bản đồ “đường lưỡi bò”, hay phạt hoặc tiêu hủy các sản phẩm, văn hóa phẩm chứa đựng hay quảng bá cho bản đồ này.

Việc người Việt tẩy chay Baidu nó mang tính biểu tượng, phát ra thông điệp. Điều đó quan trọng. Cách người dân lên tiếng sẽ tác động tới cách xử lý của chính quyền Việt Nam.
Một nhà báo VN chuyên viết về chủ quyền


Trong suy nghĩ của mình, nhà báo ẩn danh cho rằng tuy các sản phẩm, dịch vụ của Baidu không phổ biến ở Việt Nam, do đó, việc người dân tẩy chay hãng này không có nhiều tác động về mặt thương mại, kinh doanh, song vẫn sẽ tạo ra hiệu ứng đối với chính phủ Việt Nam:

“Việc người Việt tẩy chay Baidu nó mang tính biểu tượng, phát ra thông điệp. Điều đó quan trọng. Cách người dân lên tiếng sẽ tác động tới cách xử lý của chính quyền Việt Nam. Muốn chính quyền làm việc này quyết liệt hơn, mạnh hơn, thì tiếng nói của người dân ở chừng mực nào đó cũng có tác động, gây áp lực lên chính quyền”.

Về phần mình, chuyên gia về kinh doanh quốc tế Ngô Quý Nhâm nhận định Việt Nam có thể đưa ra cảnh báo với Baidu rằng nếu họ cung cấp dịch vụ ở Việt Nam, họ phải tuân thủ luật của nước chủ nhà, bao gồm không được sử dụng bản đồ “đường lưỡi bò” ở Việt Nam, nếu không tuân thủ sẽ bị cấm.

Tuy nhiên, ông Nhâm cũng cảnh báo rằng Việt Nam cần tính đến những hệ lụy:

“Nếu Việt Nam có hành động cấm đoán như vậy, cũng phải chuẩn bị cho cái hướng là Trung Quốc cũng có thể trả đũa, ngăn chặn những sản phẩm, dịch vụ nhất định của Việt Nam. Nó sẽ phức tạp, nhưng chính phủ Việt Nam chắc vẫn sẽ phải làm vì không một nhà lãnh đạo nào lại mạo hiểm chấp nhận cho phép Baidu đưa hệ thống bản đồ của họ vào hoạt động kinh doanh của họ ở Việt Nam”.

Hồi giữa tháng 7/2012, Baidu ra mắt mạng xã hội ở Việt Nam, nhưng chỉ ít ngày sau, một số báo trong nước, trong đó có Thanh Niên và VietnamNet, chỉ ra rằng mạng xã hội của Baidu gây ra một số quan ngại, đặc biệt là việc thảo luận về chủ quyền biển đảo đang trong vòng tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Kể từ đó đến nay, không có số liệu về tốc độ phát triển tài khoản người sử dụng và mức độ phổ biển của mạng Baidu ở Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG