Đường dẫn truy cập

Bangladesh chỉ trích việc Mỹ tạm ngưng ưu đãi thương mại


Công nhân của công ty may mặc Envoy Group thao diễn về cách chiếc leo thang tạm được dùng như một cách thoát khi có hỏa hoạn trong một cuộc biểu tình phản đối ở Dhaka 10/6/13
Công nhân của công ty may mặc Envoy Group thao diễn về cách chiếc leo thang tạm được dùng như một cách thoát khi có hỏa hoạn trong một cuộc biểu tình phản đối ở Dhaka 10/6/13
Chính phủ Bangladesh nói rằng việc Hoa Kỳ quyết định tạm thu hồi các ưu đãi thương mại vì những mối quan tâm về điều kiện làm việc và quyền của người lao động là một hành động khắc nghiệt.

Washington đã quyết định như vậy sau khi những tai nạn thảm khốc tại các xưởng may ở Bangladesh làm cho thế giới chú tâm tới điều kiện làm việc nguy hiểm ở quốc gia Nam Á này.

Các chuyên gia thương mại cho biết việc Hoa Kỳ tạm thu hồi các biện pháp ưu đãi thuế quan dành cho Bangladesh đánh đi một thông điệp mạnh mẽ cho nước này là họ phải thay đổi cách làm việc. Quyết định của Washington được loan báo sau một cuộc duyệt xét kéo dài một năm về điều kiện làm việc của người lao động ở Bangladesh.

Chính phủ ở Dhaka đã tìm cách ngăn chận sự thu hồi ưu đãi, sau khi xảy ra hai thảm họa lớn trong ngành dệt may năng động của nước họ. Tháng 11 năm ngoái, một đám cháy tại một xưởng may giết chết hơn 100 người. Và hồi tháng tư mới đây, hơn 1.100 thiệt mạng khi một tòa nhà 9 tầng dùng làm xưởng may bị sập.

Giới hữu trách ở Washington nói rằng những thảm họa này nêu bật những khiếm khuyết nghiêm trọng về quyền lợi của người lao động và các tiêu chuẩn an toàn lao động ở Bangladesh.

Bộ ngoại giao Bangladesh nói rằng biện pháp mà họ gọi là “khắc nghiệt” của Mỹ có thể mang lại những chướng ngại mới cho mối quan hệ thương mại khá tốt đẹp giữa hai nước.

Ông Mamun Rashid, một nhà kinh tế học ở Dhaka, nói rằng hành động của Mỹ sẽ gây sức ép để chính phủ hành động nhanh chóng hơn để giải quyết những mối quan tâm của nhiều nước trên thế giới đối với các vấn đề này.

Ông nói rằng uy tín của Bangladesh trong lãnh vực thương mại sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng nếu giới hữu trách không hành động một cách nhanh chóng. Ông nói:

"Chính phủ phải chấp nhận thực tế. Chính phủ có lẽ cần phải thực hiện một cuộc duyệt xét về các luật lệ lao động hiện có để giải quyết những vấn đề liên quan tới việc bảo vệ quyền lợi của người lao động. Việc này đã bắt đầu nhưng chưa có được đà tiến. Chúng ta không có chọn lựa nào khác hơn là nhanh chóng xúc tiến việc này."

Nhiều người đang thúc giục Bangladesh phải bảo đảm là công nghiệp dệt may của họ không hoạt động trong những tòa nhà không được xây cất kỹ lưỡng và có nhiều rủi ro về hỏa hoạn.

Trong vài tháng qua, chính phủ đã bắt đầu tăng cường hoạt động kiểm tra các tòa nhà và di dời những công xưởng không an toàn.

Những người tranh đấu cho quyền lợi của người lao động cũng hy vọng là hành động của chính phủ Mỹ sẽ khơi mào cho việc giải quyết những vấn đề khác, như nạn sách nhiễu những nhà hoạt động tích cực.

Các nhà quan sát nói rằng sự sách nhiễu đó có mục đích ngăn chận những kế hoạch thành lập công đoàn.

Bà Kalpona Akter, một viên chức của Trung tâm Đoàn kết Công nhân Bangladesh, cho biết quyền thành lập công đoàn không có tác dụng trên thực tế. Bà nói:

"Chính phủ đã bắt đầu cảm thấy sức nóng. Bây giờ là một cơ hội tốt để họ cải thiện tình hình. Một trong những việc này là làm cho các công xưởng được an toàn và hai là để cho công nhân được tự do thành lập công đoàn. Quyền tổ chức công đoàn vẫn có đó, nhưng chỉ có trên giấy tờ mà thôi, chứ công nhân không được tự do hành sử quyền này."

Biện pháp chế tài thương mại của Washington sẽ không có nhiều tác động kinh tế trực tiếp vì công nghiệp dệt may Bangladesh không có qui chế miễn thuế nhập khẩu ở Mỹ.

Nhưng mối quan tâm ở đây là hành động của Mỹ có ảnh hưởng tới các nước khác, như Liên hiệp Âu châu, để họ cũng có những hành động tương tự hay không. Liên hiệp Âu châu dành qui chế miễn thuế nhập khẩu cho hàng dệt may của Bangladesh và mỗi năm mua từ nước này khoảng 15 tỉ đô la quần áo.

Bộ Ngoại giao Bangladesh bày tỏ hy vọng là Hoa Kỳ sẽ nhanh chóng phục hồi các biện pháp ưu đãi thương mại và hối thúc các công ty Tây phương tiếp tục làm ăn với những công ty Bangladesh mà họ gọi là “những đối tác đáng tin cậy từ bấy lâu nay.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG