Đường dẫn truy cập

Báo cáo LHQ: VN trong số quốc gia ‘lờ’ quyền bảo mật thông tin riêng tư


Luật An ninh mạng mới thông qua của Việt Nam bị nhiều tổ chức quốc tế chỉ trích - Photo Cyber.co
Luật An ninh mạng mới thông qua của Việt Nam bị nhiều tổ chức quốc tế chỉ trích - Photo Cyber.co

Chuyên gia về quyền riêng tư kỹ thuật số của Liên Hiệp Quốc hôm 10/9 nói rằng nhiều chính phủ hiện đang bỏ bê hoặc phớt lờ nhiệm vụ bảo vệ các thông tin mã hóa trực tuyến, vốn giúp đảm bảo quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư, theo tin Reuters.

Các quốc gia này bao gồm Nga, Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan và Anh. Theo một báo cáo do báo cáo viên Liên Hiệp Quốc Joseph Cannataci chuẩn bị cho Hội đồng Nhân quyền của LHQ, người dân không thể tin tưởng vào việc các hội thoại trực tuyến của họ sẽ được giữ kín.

Theo báo cáo mà chuyên gia Cannataci viết để trình lên phiên họp kéo dài ba tuần của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bắt đầu vào thứ Hai, thì đã có sự gia tăng mạnh trong hạn chế của các nước đối với việc mã hóa trong 3 năm qua.

“Từ năm 2015, các nước đã tăng cường nỗ lực làm suy yếu các mã hóa được sử dụng trong sản phẩm và dịch vụ truyền thông sẵn có”, báo cáo nói.

Theo báo cáo, các công ty đang chịu áp lực ngày càng tăng buộc phải cài đặt “cửa hậu” trong phần mềm để các quan chức thực thi pháp luật truy cập vào những tin nhắn đã được mã hóa hoặc các thiết bị được bảo mật, dẫn đến tạo điều kiện cho hacker khai thác, mặc dù các chính phủ đã có nhiều công cụ khác mà họ có thể sử dụng để điều tra.

“Nghĩa vụ của nhà nước là tôn trọng và đảm bảo quyền tự do ý kiến và biểu đạt, quyền riêng tư, trong đó có trách nhiệm bảo vệ mã hóa”, Reuters dẫn báo cáo nói.

Báo cáo nói thêm rằng các biện pháp khác làm suy yếu hệ thống mã hóa và bảo mật kỹ thuật số, chẳng hạn như yêu cầu khóa bảo mật cho bên thứ ba và đòi hỏi nội địa hóa dữ liệu, cũng ảnh hưởng đến quyền của người sử dụng.

Báo cáo cho rằng những giới hạn đối với mã hóa là điều cần thiết, hợp pháp và hợp lý, nhưng việc cấm hoàn toàn rõ ràng không đáp ứng những tiêu chuẩn này.

Vẫn theo báo cáo, nhiều quốc gia đã tội phạm hóa việc sử dụng mã hóa, và đưa ra các dẫn chứng như lệnh cấm của Iran năm 2010, “những cấm đoán hình sự mơ hồ” của Pakistan, vốn được xem như để trấn áp các công cụ mã hóa, và việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ hàng ngàn công dân vì sử dụng một ứng dụng nhắn tin được mã hóa.

Báo cáo nói các quốc gia khác, bao gồm Nga, Việt Nam và Malawi, thì đòi hỏi phải có sự phê duyệt của chính phủ cho các công cụ mã hóa. Cả Nga lẫn Iran đều đã cấm ứng dụng nhắn tin Telegram, sau khi công ty này từ chối bỏ các khóa mã hóa.

Luật an ninh mạng năm 2016 của Trung Quốc yêu cầu các nhà khai thác mạng phải “cung cấp hỗ trợ kỹ thuật” cho nhà nước và lực lượng công an phụ trách về an ninh quốc gia và thực thi pháp luật, trong khi Uganda và Mexico sử dụng mã độc để theo dõi những người chỉ trích chính phủ.

Luật Quyền lực điều tra năm 2016 của Anh, vốn bị các nhà phê bình gọi là “Luật rình mò”, cũng trao cho chính phủ các quyền mơ hồ có thể ép các nhà khai thác mạng tạo “cửa hậu”, gỡ bỏ mã hóa và hợp tác trên diện rộng trong các biện pháp thâm nhập của chính phủ, vẫn theo báo cáo.

Báo cáo khuyến cáo các quốc gia nên thông qua luật hạn chế cho phép tiếp cận đối với vấn đề mã hóa và ẩn danh.

VOA Express

XS
SM
MD
LG