Đường dẫn truy cập

Báo chí Mỹ đối diện nhiều đe dọa, thóa mạ


Lời thóa mạ "fake news" của Tổng thống Donald Trump nhắm vào giới truyền thông được cho là góp phần làm suy yếu tự do báo chí ở Mỹ.
Lời thóa mạ "fake news" của Tổng thống Donald Trump nhắm vào giới truyền thông được cho là góp phần làm suy yếu tự do báo chí ở Mỹ.

Nhân Ngày Tự do báo chí thế giới, một số tổ chức đang kêu gọi sự chú ý đến những thách thức mà các nhà báo ở Mỹ đang đối mặt.

Các tổ chức này nêu ra một số mối đe dọa đối với công việc của các nhà báo, bao gồm sự gia tăng những vụ truy tố người tố cáo tiêu cực, giới hạn của chính phủ đối với thông tin công khai, những lời thóa mạ của các chính trị gia, những vụ hành hung và các vụ bắt giữ tùy tiện.

"Sự gia tăng đáng báo động của những đe dọa đối với tự do báo chí ở Mỹ trong những năm gần đây phải bị thách thức," Thomas Hughes, giám đốc điều hành tổ chức Article 19, nói. "Những đe dọa này không chỉ ảnh hưởng đến quyền tự do biểu đạt ở Mỹ mà còn có những hệ lụy khắp thế giới."

Article 19 đã cùng Ủy ban để Bảo vệ Ký giả, tổ chức Trao đổi Tự do Biểu đạt Quốc tế, Viện Báo chí Quốc tế, Chỉ số về Kiểm duyệt và Phóng viên Không biên giới thực hiện các cuộc phỏng vấn với các nhà báo Mỹ.

Báo cáo của họ cho biết dù có những mối đe dọa hiện thời, những quy định bảo vệ trong Hiến pháp Hoa Kỳ giúp cho giới truyền thông ở Mỹ vẫn thuộc hàng tự do nhất trên thế giới. Nhưng báo cáo ghi nhận các trường hợp mà trong đó những phát ngôn của Tổng thống Donald Trump, đáng chú ý nhất là điều mà ông đả kích là "fake news" (tin vịt), đã được các nhà lãnh đạo ở các quốc gia khác bắt chước, bao gồm Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, Tổng thống Syria Bashar al-Assad và nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanmar, Aung San Suu Kyi.

Báo cáo ghi nhận sự gia tăng những vụ truy tố bắt đầu dưới thời Tổng thống Barack Obama, và bày tỏ lo ngại về quan điểm của chính quyền Trump về khả năng của các phóng viên bảo vệ các nguồn tin của họ. Báo cáo cũng quy trách ông Trump về những lời lẽ thóa mạ giới truyền thông, nói rằng những lời lẽ đó đã giúp khuyến khích các chính trị gia khác bắt chước.

"Bằng cách công khai và quyết liệt nhắm mục tiêu vào các nhà báo và giới truyền thông, chính quyền Mỹ hiện tại đề ra nguy cơ làm suy yếu tự do truyền thông và tạo nên một văn hóa mà trong đó các nhà báo cảm thấy không được bảo vệ," bản báo cáo cho biết.

Phóng viên Không Biên giới nêu ra những lo ngại đó trong bảng xếp hạng tự do báo chí hàng năm của mình tuần trước khi họ đánh tụt hạng của Mỹ xuống hai bậc.

Tòa Bạch Ốc bác bỏ những lời chỉ trích này. Phát ngôn viên Sarah Huckabee Sanders nói với các phóng viên rằng bà nghĩ chính quyền Trump là "một trong những chính quyền dễ tiếp cận nhất" trong nhiều thập niên.

"Chúng tôi ủng hộ báo chí tự do, nhưng chúng tôi cũng ủng hộ báo chí công bằng," bà Sanders nói. "Và tôi nghĩ rằng hai điều đó nên đi đôi với nhau và báo chí có một trách nhiệm nhất định là tường trình thông tin chính xác."

Trong một thông cáo kỉ niệm Ngày Tự do Báo chí Thế giới, tân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói Mỹ "trân trọng quyền tự do báo chí như một thành phần trọng yếu của nền quản trị dân chủ. Bằng việc tạo điều kiện cho báo chí tự do, người dân biết được nhiều thông tin hơn, tích cực tham gia vào tiến trình ra quyết định chính trị, và có thể buộc chính phủ của họ chịu trách nhiệm tốt hơn."

Ông nói rằng Mỹ tôn vinh "nhiều nhà báo và những người hoạt động trong giới truyền thông đã dành cuộc đời của họ, thường chịu nhiều nguy cơ, để thúc đẩy sự minh bạch và sự giải trình trách nhiệm trên toàn thế giới."

Phóng viên Không Biên giới cho biết trong năm 2018 có 23 nhà báo bị sát hại và 176 ký giả đang bị cầm tù trên khắp thế giới.

VOA Express

XS
SM
MD
LG