Đường dẫn truy cập

Bắt tay xây dựng trong kỷ nguyên mới


Ngày Cựu Chiến Binh tại Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại Philadelphia. Hình minh họa.
Ngày Cựu Chiến Binh tại Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại Philadelphia. Hình minh họa.

Trần Đông


Đối với tôi ý nghĩa của ngày 30/4 là vô cùng quan trọng. Nó gợi cho tôi nhiều suy nghĩ. Trước hết là bản chất cũng như nguyên nhân của cuộc chiến là gì và từ đó tìm ra một góc nhìn hướng về tương lai.

Cuộc chiến của ngoại bang

Chiến tranh Việt Nam 1954-1975 thường được một số học giả gọi là “cuộc chiến tranh tương viện”, ai nhận được nhiều viện trợ hơn sẽ thắng. Vì hai bên trực tiếp tham chiến đều dựa vào viện trợ nước ngoài. Bắc Việt dựa vào khối Xã hội Chủ nghĩa, nòng cốt là Xô-Trung. Nam Việt dựa vào khối Tư bản, do Mỹ lãnh đạo.

Vậy tại sao chiến trường Việt Nam lại được cả hai phía chi viện hết sức dồi dào như vậy?

Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, trật tự Thế giới chia thành hai cực: khối Tư bản và khối Xã hội/Cộng sản Chủ nghĩa. Khối Tư bản do Mỹ và Tây Âu lãnh đạo. Khối XHCN thì do Liên Xô và Đông Âu dẫn đầu. Mỹ ra sức viện trợ cho Tây Âu theo kế hoạch Marshall để củng cố mặt trận ở phía Tây đối đầu trực tiếp với Liên Xô ở Châu Âu. Liên Xô cũng ra sức ủng hộ củng cố quyền lực của các chính quyền cộng sản ở Đông Đức và Đông Âu. Bên cạnh đó hai bên đều chi viện cho chiến tranh ủy nhiệm, hay còn được gọi “xuất khẩu cách mạng”, sang các nước thuộc địa đang trên đường giành độc lập.

Tuy nhiên, ở Châu Á vào tháng 10/1949, Mao Trạch Đông dẫn đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc chiến tranh trong cuộc nội chiến Quốc-Cộng. Từ lúc này diện tích và sức mạnh của khối XHCN được kéo dài từ Âu sang Á. Mặt trận Châu Á bắt đầu thành hình.

Lo sợ làn sóng đỏ sẽ lan dần từ Trung Quốc xuống Đông Dương và sang vùng Đông Nam Á, rồi đe dọa Úc Châu, Mỹ đề ra học thuyết Đomino. Theo đó Mỹ lựa chọn Việt Nam, cụ thể là Nam Việt sẽ là tiền đồn ngăn chặn làn sóng đỏ. Từ đây Mỹ bắt đầu can thiệp sâu vào nội bộ Việt Nam Cộng Hoà và máu của hàng triệu người Việt hai miền đã đổ xuống cho đến 1975.

Như vậy có thể nói rằng: tuy cuộc chiến xảy ra trên đất Việt và lực lượng tham chiến chủ yếu là người Việt, nhưng bản chất cuộc chiến là cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc.

Đông minh tháo chạy

Như đã nói ở trên, vì ai nhận được nhiều viện trợ hơn sẽ thắng cho nên khi Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ và rút quân khỏi miền Nam kể từ năm 1972 thì đó cũng là lúc báo hiệu sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hoà. Tuy nhiên một cường quốc đầy tham vọng như Mỹ sẽ không dễ dàng đầu hàng như nhiều người vẫn tưởng.

Như Napoleon từng nói: “Tôi có thể thất bại trong một trận chiến nhưng tôi sẽ thắng cả cuộc chiến tranh”. Mỹ cũng vậy, bề ngoài có vẻ đang thua nhưng thực chất là một kế hoạch hoàn hảo để chiến trắng trong thế trận toàn cầu.

Lợi dụng mâu thuẫn Xô-Trung trong vấn đề biên giới và lãnh đạo phe Cộng sản, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger đã nhiều lần gặp gỡ đàn phán bí mật với Bắc Kinh trước khi Richard Nixon thăm chính thức Trung Quốc và ra Thông cáo Thượng Hải 1972. Theo kế hoạch này, Mỹ sẽ hậu thuẫn để Trung Quốc chiếm lấy vị trí thành viên Hội Đồng Bảo An LHQ của Đài Loan. Mỹ sẽ từ từ rút quân và Trung Quốc sẽ cố gắng thuyết phục Bắc Việt giữ nguyên hiện trạng đất nước chia đôi. [Tuy nhiên Bắc Kinh không thể thực hiện lời hứa vì thực tế Bắc Việt kết thân hơn với Liên Xô và đã không còn mấy tin tưởng vào Trung Quốc]

Tóm lại dù không bảo vệ được Việt Nam Cộng Hoà nhưng Mỹ đã thành công trong việc cô lập, khoét sâu mâu thuẫn Xô-Trung và rút quân khỏi Việt Nam trong danh dự.

Như vậy mặc dù Mỹ là một đồng minh tốt nhưng hơn hết, lợi ích của nước Mỹ luôn được đặt lên hàng đầu và mục tiêu sẽ sẵn sàng bỏ rơi đồng minh để ưu tiên quyền lợi của mình.

Bài học lịch sử

Những điều kể trên giúp tôi đưa ra một nhận định: cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn kéo dài trên 20 năm khiến hàng triệu thanh niên và bao người khác bỏ mạng là cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng của các thế lực ngoại bang.

Đối với Bắc Việt thì đó là sự tin tưởng tuyệt đối vào một học thuyết ngoại lai. Bất chấp mọi hậu quả để áp đặt vào đất nước Việt Nam.

Đối với Nam Việt thì bị Đồng minh chi phối quá nặng nề, dẫn đến không thể tự quyết việc nội trị.

Ở một góc độ nào đó thì cả hai miền đều là nạn nhân. Trung Quốc sẵn sàng bắt tay với Mỹ để ép Bắc Việt giữ nguyên hai miền chia đôi. Mỹ chỉ cho phép Quân lực miền Nam phòng thủ chứ không tấn công qua vĩ tuyến 17. Trong trường hợp này sự việc chỉ khác ở chỗ, các lãnh đạo miền Bắc có thể đi gần hơn với Liên Xô khi bị Trung Quốc bỏ rơi, còn Việt Nam Cộng Hoà chỉ có thể đầu hàng khi đồng minh Mỹ tháo chạy.

Như vậy, 30/4 là ngày chúng ta nên tưởng niệm về thời kỳ đất nước chúng ta rơi vào những âm mưu chính trị và là nạn nhân của các thế lực ngoại bang. Theo đó chúng ta cần xoá bỏ quá khứ đau thương này và bắt tay với nhau xây dựng Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

(Việt Nam 06/03/2020)

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG