Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Thái đối mặt với thách thức pháp lý


Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đang đối mặt với việc có thể bị cách chức .
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đang đối mặt với việc có thể bị cách chức .
Tòa án hiến pháp Thái Lan đã dành cho Thủ tướng Yingluck Shinawatra đến ngày 2 tháng 5 để chuẩn bị bào chữa trước các cáo trạng lạm dụng quyền lực. Quyết định của tòa được loan báo trong lúc mọi người vẫn chưa rõ khi nào một cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức để chấm dứt cuộc tranh giành quyền hành kéo dài đã lâu ở vương quốc này. Từ Bangkok, thông tín viên đài VOA Ron Corben gởi về bài tường thuật sau đây.

Thủ tướng Yingluck đang đối mặt với việc có thể bị cách chức trong hai bản án dự kiến sẽ được loan báo trong vài tuần nữa bởi tòa án hiến pháp và Ủy ban quốc gia chống tham nhũng (NACC).

Ngày hôm nay, tòa hiến pháp quyết định cho bà Yingluck tới ngày 2 tháng 5 để cung cấp thêm bằng chứng trong lúc bà đối mặt với các cáo trạng về lạm dụng quyền lực.

Các công tố viên nói rằng bà đã thuyên chuyển trái phép cựu Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Thawil Pliensri trong khuôn khổ của một cuộc cải tổ các giới chức cấp cao trong ngành an ninh. Một tòa án hành chánh đã đưa ra phán quyết chống lại chính phủ và ra lệnh bổ nhiệm ông Thawil vào chức vụ cũ.

Một phán quyết có tội của tòa hiến pháp đối với bà Yingluck sẽ buộc bà rời khỏi chức vụ. Tòa này có thể cũng ra lệnh giải tán nội các của đảng Pheu Thai đương quyền.

Bên cạnh đó, bà Yingluck cũng đối mặt với các cáo trạng của Uûy ban quốc gia chống tham nhũng là bà đã sao nhãng nhiệm vụ trong cương vị là người đứng đầu một ủy ban lúa gạo.

Ông Panitan Wattanayagorn, giáo sư chính trị học của Đại học Chulalongkorn, là cựu phát ngôn viên của chính phủ của Đảng Dân chủ. Ông nói rằng vị thế chính trị của Thủ tướng Yingluck bị lung lay rất nhiều.

"Điểm bước ngoặt của tình hình đương nhiên là phán quyết của tòa án trong tháng này hoặc tháng sau về bà Yingluck. Nhưng còn có những vụ án khác chống lại bà, cho nên vị thế lãnh đạo của bà về mặt chính trị đã không còn nữa. Đây chỉ là vấn đề thời gian mà thôi."

Nhưng vấn đề khó khăn là đảng Pheu Thai có tìm ra một đội ngũ lãnh đạo mới để tiếp tục nắm quyền hay không nếu không có tổ chức bầu cử. Nếu họ không làm được như vậy thì họ sẽ bị sụp đổ hoàn toàn.

Những người biểu tình chống chính phủ đã cản trở cuộc bầu cử quốc hội ngày 2 tháng hai bằng cách ngăn chận hoạt động đăng ký của một số ứng cử viên và hoạt động đầu phiếu tại một số địa điểm bỏ phiếu. Sau đó tòa án hiến pháp đã ra phán quyết vô hiệu hóa kết quả bầu cử.

Bà Yingluck tiếp tục lãnh đạo một chính phủ tạm quyền, nhưng không có quyền hạn để thông qua ngân sách nhà nước và một số quyền hạn khác cũng bị hạn chế theo qui định của hiến pháp.

Hồi đầu tuần này, ủy ban bầu cử đã thảo luận với khoảng 60 đảng phái để tìm cách tái lập nền dân chủ đại nghị.

Vụ khủng hoảng chính trị hiện nay đã gây tử vong cho 20 người và gây thương tích cho hàng trăm người khác.

Ông Gothjam Areeya, giáo sư Đại học Mahidol, cho biết nhiều người Thái Lan e rằng bạo động có thể lại xảy ra nếu không có các cuộc bầu cử mới.

"Hiện nay chúng tôi không còn nhiều thời giờ nữa. Tôi chú tâm nhiều hơn tới sự kiện là ngày hôm qua ủy ban bầu cử dường như có thể quyết định tổ chức tổng tuyển cử trong vòng 60 hoặc 90 ngày nữa. Trong trường hợp đó đồng hồ đếm giờ sẽ bắt đầu chuyển động và thời giờ để điều đình sẽ bị rút ngắn nếu chúng tôi không làm gì cả. Vì thế chúng tôi có thể hướng tới một vụ đối đầu."

Các nhà phân tích nói rằng đôi bên phải thương lượng để lập lại quốc hội và chính phủ giữa lúc có những mối lo ngại là sự bất trắc chính trị hiện nay sẽ mang lại những tác động tiêu cực dài hạn cho nền kinh tế đất nước.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG