Đường dẫn truy cập

Bí thư Bình Định: Dự án thép Long Sơn ‘không xả thải ra môi trường’. Bất khả thi?


Bí thư tỉnh Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng, trao đổi với người dân Lộ Diệu về dự án thép Long Sơn, 30/5/2023.
Bí thư tỉnh Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng, trao đổi với người dân Lộ Diệu về dự án thép Long Sơn, 30/5/2023.

Bí thư tỉnh Bình Định hôm 30/5 trấn an hàng trăm hộ dân ven biển rằng một dự án nhà máy thép sẽ “không xả thải ra môi trường”. Một chuyên gia môi trường với hàng chục năm kinh nghiệm nói với VOA rằng vị lãnh đạo tỉnh đã “nói quá” vì đến nay chưa có nhà máy thép nào, ít nhất là ở Việt Nam, hoàn toàn không xả thải ra môi trường.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định lần đầu họp với 500 hộ dân thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, vào ngày 30/5 để trao đổi thông tin về dự án khu liên hợp gang thép Long Sơn, nhiều báo Việt Nam đưa tin.

VNExpress, Thanh Niên và các báo cho hay Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cam kết dự án thép - công suất 5,4 triệu tấn một năm - sẽ không tác động xấu môi trường địa phương.

Các bản tin của VNExpress và một số tờ báo trích lời ông Hồ Quốc Dũng nói rằng công nghệ luyện thép của Long Sơn “hoàn toàn khép kín, không xả thải ra môi trường”. Ông Dũng nói thêm: "Nếu sau này nhà máy thép có m3 nước thải nào đổ ra biển, tôi sẽ chịu trách nhiệm. Dự án sẽ bị dừng khi ảnh hưởng môi trường".

Vẫn người nắm thực quyền lãnh đạo cao nhất ở tỉnh Bình Định phát biểu trước dân rằng khói bụi của nhà máy “cũng được thu gom để phục vụ cho lĩnh vực khác”.

Kỹ sư Đào Nhật Đình, một chuyên gia độc lập với 30 năm kinh nghiệm về môi trường công nghiệp, nhận xét với VOA rằng vị bí thư tỉnh Bình Định đã “nói quá”, “nói liều” khi dùng cụm từ “không xả thải ra môi trường” để nói về dự án nhà máy thép trong tương lai.

Với hiểu biết của mình về ngành thép ở Việt Nam và trên thế giới, ông Đình nhấn mạnh “chắc chắn là không” khi trả lời câu hỏi của VOA liệu có nhà máy thép nào không hề xả thải ra môi trường.

“Trên thế giới có nhà máy thép nào tuyệt đối không xả thải ra môi trường thì tôi không biết, còn ở Việt Nam chưa có nhà máy thép nào hoàn toàn không xả thải ra môi trường”, ông đưa ra quan sát.

Ông Đình nói khái quát rằng một nhà máy thép hay bất cứ nhà máy công nghiệp nào đều có hai phần nước thải, gồm nước thải sinh hoạt của tất cả những người trong nhà máy và nước thải từ các công đoạn sản xuất, từ đó, ông chỉ ra vì sao khó có chuyện tuyệt đối không xả thải ra môi trường:

“Ví dụ như công đoạn dập than cốc, nếu dập khô, người ta hầu như không dùng đến nước. Nhưng vẫn phải dùng đến nước để thau rửa các thiết bị. Thế thì nó vẫn thải ra một lượng nhất định. Và thường nước sử dụng cho sinh hoạt không bao giờ người ta lấy nước cũ mà bao giờ người ta cũng lấy nước từ nguồn mới, nên chuyện tuần hoàn 100% chắc là không có đâu”.

Các nhà máy thép đều có nước thải, khí thải và chất thải rắn khi chúng vận hành, chỉ khác nhau ở mức độ xử lý các chất thải đó đến đâu trước khi xả ra môi trường, kỹ sư Đình nói. Nếu các chất thải, bao gồm cả nước thải, được xử lý càng nhiều, độ ô nhiễm càng thấp, điều đó đòi hỏi chi phí càng cao, ảnh hưởng đến khả năng lỗ, lãi của nhà máy.

Các nhà máy lớn thường đặt ven biển để tăng khả năng có lãi và cũng cần có công suất từ 10 triệu tấn/năm trở lên, theo kỹ sư Đình, và ông đánh giá công suất của dự án Long Sơn ở Lộ Diêu là “hơi ít”. Ông phân tích thêm rằng đặt nhà máy ven biển sẽ có thuận lợi về vận chuyển quặng, than cho đầu vào và xuất sản phẩm thép đi ở đầu ra.

Thông tin trên báo chí Việt Nam cho thấy Công ty Cổ phần Gang thép Long Sơn muốn đầu tư 53.500 tỉ đồng để thực hiện dự án khu liên hợp gang thép ở thôn Lộ Diêu, thuộc thị xã Hoài Nhơn, và vào cuối năm 2022, họ đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định chấp thuận về chủ trương.

Tuy nhiên, dự án vấp phải sự phản đối từ phía người dân trong nhiều tháng từ đó đến nay, theo quan sát của VOA.

Tường thuật về buổi họp giữa lãnh đạo tỉnh với người dân thôn Lộ Diêu hôm 30/5, báo Thanh Niên và các cơ quan báo chí khác cho biết nhiều người dân “bày tỏ quan điểm không đồng tình với dự án”.

Một trong những người dân Lộ Diêu nêu lên sự trớ trêu rằng thời Chiến tranh Việt Nam, thường được gọi là “chiến tranh chống Mỹ” ở Việt Nam, người dân địa phương còn trụ lại được vậy mà nay họ lại đối mặt với nguy cơ bị di dời.

Tờ Thanh Niên trích lời ông Trần Văn Nghĩa, 68 tuổi, cư dân thôn Lộ Diêu, nói: "Từ thời chống Mỹ, bao nhiêu người có công cách mạng đã ngã xuống tại đây, giặc Mỹ đã dồn ép cho nhân dân Lộ Diêu dời đi. Nhưng người dân Lộ Diêu vẫn kiên quyết bám đất giữ làng… Cho nên tôi xin nêu ý kiến sẽ không đi bất kỳ đâu hết".

Một người dân khác, không thấy nêu danh tính trong bản tin của Thanh Niên, phát biểu rằng từ năm 1975, khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc sau chiến thắng của những người cộng sản, thôn Lộ Diêu đến nay đã phát triển, các gia đình đều giàu có.

“Về dân sinh, chúng tôi có môi trường ổn định, làm ra tiền thì người già cũng làm được, người trẻ cũng làm được… Từ những lý do đó, chúng tôi không thể đi khỏi đây. Nên mong muốn lãnh đạo tỉnh xem xét dời dự án này đi nơi khác", người dân này nói.

Theo các báo trong nước, trước những ý kiến của người dân, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng trấn an rằng “Bà con cần bình tĩnh, tin tưởng vào đảng và nhà nước, không có một lãnh đạo nào đẩy dân đến khó khăn, bế tắc”.

Ông Dũng điểm lại việc tỉnh Bình Định đã di dời người dân ở rất nhiều vùng để thực hiện các dự án, và ông lưu ý rằng “nhờ đó mà cuộc sống người dân tốt hơn khi đến nơi ở mới”, thậm chí là “điểm sáng để cả nước học tập Bình Định”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG