Đường dẫn truy cập

Kiểm soát biên giới không ngăn được làn sóng di dân đổ vào Đức


Di dân tại nhà ga xe lửa của thị trấn biên giới phía nam Passau của Đức, ngày 15/9/2015. Chính phủ Đức quyết định áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới để ngăn chặn làn sóng di dân.
Di dân tại nhà ga xe lửa của thị trấn biên giới phía nam Passau của Đức, ngày 15/9/2015. Chính phủ Đức quyết định áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới để ngăn chặn làn sóng di dân.

Việc chính phủ Đức quyết định áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới đã ngăn được làn sóng người di dân tràn vào nước này. Thông tín viên Luis Ramirez của đài VOA tường thuật từ cửa khẩu Freilassing giáp với Áo.

Các giới chức Đức cho biết họ đã câu lưu hơn 1.000 người di cư ở cửa khẩu Freilassing, nằm trên tuyến xe lửa và xa lộ chính giữa Vienna với Munich.

Trong một hành động trước đây chưa từng có, cảnh sát Đức đã lên xe lửa để kiểm tra giấy tờ của những hành khách nhập cảnh từ Áo và Hungary. Hàng trăm người di cư và người tị nạn, hầu hết là người Syria, đã bị đưa ra khỏi xe lửa tại ga Freilassing rồi đưa tới một địa điểm tập trung. Sau đó, họ được lấy dấu tay, ghi danh và lên xe buýt để chuyển tới những nơi khác ở nước Đức.

Cảnh sát Đức cũng chặn và khám xét xe cộ, làm cho giao thông bị ùn tắc nhiều cây số. Một số người cho biết họ phải chờ 3 tiếng đồng hồ để qua được biên giới hồi tối thứ hai.

Những biện pháp kiểm soát biên giới này trên thực tế làm cho Đức tạm ngưng tham gia hiệp định Schengen năm 1985, là hiệp định cho phép tự do đi lại bên trong các nước thành viên.

Đối với những người tị nạn thực hiện chuyến đi trong ngày thứ hai và thứ ba, việc này làm cho họ cảm thấy lo lắng nhiều hơn trong lúc sắp kết thúc cuộc hành trình đầy gian nan kéo dài cả tháng.

Một người Syria tị nạn, không muốn nêu tên, nói với các nhà báo trong lúc đứng xếp hàng ở ga xe lửa “Tôi không biết tại sao chúng tôi phải rời khỏi xe lửa. Họ bảo chúng tôi tới kiểm tra sức khoẻ và đừng đi chỗ khác. Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai. Tôi không biết chúng tôi sẽ đi đâu.”

Một số người tị nạn nói họ lo ngại sau khi được lấy dấu tay vì họ e rằng điều này có thể dẫn tới chỗ họ bị trục xuất hoặc bị cấm không cho tới các nước trong Liên hiệp Âu Châu.

Tin tức nói rằng Đức đã đóng cửa biên giới với Áo - tuy không chính xác, đã làm nhiều người di cư lo lắng, nhưng điều đó không làm thay đổi quyết tâm của họ.

Một người Syria tị nạn cho biết khi còn ở Áo ông đã nghe nói về những sự hạn chế ở biên giới nhưng ông vẫn quyết định tới đây. “Có người nói với tôi Đức đã đóng cửa biên giới. Chúng tôi nghĩ rằng đi xe lửa có ít cơ hội hơn, nên chúng tôi đi bộ. Khi chúng tôi gặp một con sông, chúng tôi đã cởi áo bơi qua sông,” ông nói.

Các giới chức Đức dự kiến một triệu người di cư sẽ kéo tới nước họ trong năm nay. Họ cho rằng áp dụng các biện pháp hạn chế ở biên giới có mục đích thiết lập sự kiểm soát đối với một làn sóng người nhập cư chưa có dấu hiệu giảm bớt.

Ông Rianer Scharf, một phát ngôn viên của cảnh sát liên bang Đức, nói “Thách thức lớn nhất là vấn đề hậu cần. Làm cho mọi người lê xe buýt trong trật tự là một việc khó. Phân phát thực phẩm cũng vậy. Chúng tôi phải chăm sóc cho họ trong tiến trình ghi danh và đưa họ tới những trung tị nạn khác trên khắp nước.”

Những người bị bắt ở biên giới đang bị câu lưu vì tìm cách di dân bất hợp pháp, không có sổ thông hành hay visa. Giới hữu trách Đức sau đó đưa những người này tới các trung tâm ghi danh, và trong hầu hết các trường hợp, để cho họ được tạm cư và sau đó cho phép họ nộp đơn xin tị nạn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG