Đường dẫn truy cập

Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng sau khi Việt Nam khởi tố nhà báo Huy Đức


Nhà báo Trương Huy San, trong bức ảnh chụp ngày 10/4/2021 tại Hà Nội, vừa bị nhà chức trách Việt Nam bắt giữ và khởi tố về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.
Nhà báo Trương Huy San, trong bức ảnh chụp ngày 10/4/2021 tại Hà Nội, vừa bị nhà chức trách Việt Nam bắt giữ và khởi tố về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.

Mỹ kêu gọi Việt Nam tôn trọng tự do ngôn luận của mọi người dân và tái khẳng định nhân quyền là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ sau khi Bộ Công an Việt Nam tuyên bố đã bắt giam nhà báo Trương Huy San vì những đăng tải trên mạng xã hội của ông.

Cơ quan điều tra an ninh của Bộ Công an hôm 7/6 ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối với nhà báo lấy bút danh là Huy Đức, khẳng định những thông tin trước đó được nhà văn Trần Thanh Cảnh nói với VOA và từ mạng xã hội về sự “mất tích” của nhà báo này từ ngày 1/6.

Theo truyền thông trong nước, cơ quan an ninh điều tra khởi tố ông Huy Đức tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự Việt Nam, một cáo buộc thường bị các tổ chức nhân quyền chỉ trích vì cho là vi phạm các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế.

“Chúng tôi thường xuyên kêu gọi Việt Nam tôn trọng và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người ở Việt Nam, phù hợp với các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của mình, đồng thời trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ oan uổng,” một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong email trả lời yêu cầu bình luận của VOA về việc Việt Nam bắt giữ nhà báo Huy Đức, người từng được Bộ Ngoại giao Mỹ trao học bổng Humphrey Fellowship để tu nghiệp tại Đại học Maryland từ 2005-2006.

Nhà báo Huy Đức, tác giả cuốn sách “Bên Thắng Cuộc” không được lưu hành chính thức ở Việt Nam, cũng là người nhận học bổng của Nieman Foundation tại Đại học Harvard ở Mỹ vào năm 2012-2013 và từng xuất hiện trong bộ phim tài liệu “Cuộc chiến tranh Việt Nam” của Đạo diễn Ken Burns ra mắt năm 2017 với tư cách một người được phỏng vấn.

Vụ bắt giữ nhà báo Huy Đức “thể hiện một cuộc tấn công đáng báo động vào quyền tự do báo chí và là vụ mới nhất trong một cuộc đàn áp đang diễn ra nhắm vào các nhà cải cách,” Dự án 88, nhóm giám sát đa quốc gia về nhân quyền ở Việt Nam, nói trong một tuyên bố được AP trích dẫn.

Tổ chức phi lợi nhuận đăng ký hoạt động tại Mỹ này đã kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ trừng phạt Hà Nội vì đàn áp những người bất đồng chính kiến.

Trả lời yêu cầu phản hồi của VOA trước lời kêu gọi của Dự án 88, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói hôm 10/6 rằng “nhân quyền là trụ cột trung tâm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và chúng tôi thường xuyên tham gia với các đối tác chính phủ Việt Nam trong các cuộc trò chuyện thẳng thắn về các mối quan ngại về nhân quyền ở mọi cấp độ, tìm kiếm tiến bộ trong các vấn đề như tự do ngôn luận, tự do hiệp hội và tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng.”

Trước khi bị bắt, ông Huy Đức đã đăng tải những bài viết trên trang Facebook cá nhân, hiện đã bị đóng kể từ khi có tin ông bị cơ quan chức năng đến khám nhà và đưa đi hôm 1/6, trong đó ông chỉ trích về sự tập trung quyền lực quá mức của Bộ Công an trước khi Bộ trưởng Tô Lâm lên làm chủ tịch nước và kết quả không như mong muốn của chiến dịch chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo.

Cơ quan điều tra nói rằng ông Huy Đức “có hành vi vi phạm pháp luật” và cho “đăng tải các bài viết trên mạng xã hội Facebook xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân."

Các tổ chức quốc tế, gồm Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW), Bảo vệ Ký giả (CPJ), Phóng viên Không Biên giới (RSF) và Văn bút Mỹ (PEN America) đã lên tiếng kêu gọi các nhà chức trách Việt Nam thả tự do cho nhà báo Huy Đức một cách vô điều kiện và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông. Giám đốc Văn phòng châu Á của RSF nói trong thông cáo đưa ra hôm 7/6 rằng “các bài viết của nhà báo độc lập Huy Đức là nguồn thông tin vô giá giúp công chúng Việt Nam tiếp cận những thông tin bị chế độ Hà Nội kiểm duyệt.”

VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới Bộ Ngoại giao Việt Nam trước những lời kêu gọi của Bộ Ngoại giao Mỹ và các tổ chức quốc tế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội thường bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền của các tổ chức quốc tế và khẳng định rằng chỉ có những người vi phạm pháp luật mới bị bắt giữ ở Việt Nam.

Vụ bắt giam nhà báo Huy Đức và Luật sư Trần Đình Triển, người cũng bị Công an khởi tố cùng tội danh theo điều 331, diễn ra không lâu sau khi Liên minh châu Âu công bố phúc trình nói rằng không gian dân sự ở Việt Nam ngày càng bị thu hẹp trong khi Ân xá Quốc tế nhận định rằng “giới bất đồng chính kiến tiếp tục bị đàn áp” và “quyền tự do biểu đạt của họ bị xâm phạm.”

Hoa Kỳ “kêu gọi Việt Nam tôn trọng quyền của những người bị giam giữ cũng như tôn trọng và bảo vệ quyền tự do ngôn luận và lập hội của mọi người dân Việt Nam,” người phát ngôn BNG Mỹ nói.

CPJ xếp Việt Nam trong số những quốc gia bỏ tù nhà báo nhiều nhất trên thế giới và RSF đưa quốc gia Đông Nam Á vào nhóm những nước có ít tự do báo chí nhất trên toàn cầu.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG