Đường dẫn truy cập

Bộ Tư lệnh Liên Hiệp Quốc thảo luận với Triều Tiên về binh sĩ Mỹ Travis King


Du khách đến gần đồn biên giới ở Panmunjom, thuộc Khu Phi Quân sự, Hàn Quốc, hôm 18/7/2023.
Du khách đến gần đồn biên giới ở Panmunjom, thuộc Khu Phi Quân sự, Hàn Quốc, hôm 18/7/2023.
Bộ Tư lệnh Liên Hiệp Quốc và Triều Tiên đã bắt đầu thảo luận về trường hợp Travis King, quân nhân Mỹ đã vượt biên sang Triều Tiên hồi tuần trước, vị phó tư lệnh của bộ tư lệnh này cho biết hôm thứ Hai 24/7. Đây là bộ tư lệnh do Mỹ đứng đầu và giám sát thỏa thuận đình chiến sau Chiến tranh Triều Tiên.

Binh nhì King, thuộc Lục quân Hoa Kỳ và đang tại ngũ ở Hàn Quốc, đã bỏ chạy sang Triều Tiên hôm 18/7 khi đang đi tour tham quan ở Khu phi quân sự nằm trên biên giới liên Triều. Vụ này đẩy Washington vào một tình thế khó khăn mới về mặt ngoại giao với Triều Tiên, một nước có vũ khí hạt nhân.

Theo Trung tướng Andrew Harrison, sĩ quan Quân đội Anh, hiện là phó tư lệnh của lực lượng đa quốc gia, các cuộc đối thoại giữa Bộ tư lệnh LHQ (UNC) và quân đội Triều Tiên đã bắt đầu và diễn ra thông qua một cơ chế được thiết lập theo hiệp định đình chiến về Chiến tranh Triều Tiên.

"Mối quan tâm hàng đầu đối với chúng tôi là binh nhì King có an toàn, khỏe mạnh không", ông Harrison nói trong một cuộc họp báo, song ông từ chối đi vào chi tiết về cuộc tiếp xúc với Triều Tiên.

"Cuộc đàm thoại với KPA (Quân đội Nhân dân Triều Tiên) đã bắt đầu, thông qua các cơ chế của thỏa thuận đình chiến", ông Harrison nói.
"Tôi không thể nói bất cứ điều gì có thể ảnh hưởng đến quá trình này".

Các phương tiện truyền thông nhà nước của Triều Tiên trước đây thường bình luận mỗi khi có công dân Hoa Kỳ bị Triều Tiên bắt giam, nhưng đến nay họ vẫn chưa lên tiếng về vụ Binh nhì King.

Vụ việc xảy ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên. Tuần trước, Triều Tiên tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo vài giờ sau khi một tàu ngầm của Mỹ mang tên lửa đạn đạo lắp đầu đạn hạt nhân cập cảng Hàn Quốc.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một tàu như vậy kể từ những năm 1980, và là lời nhắc nhở thẳng thừng với Triều Tiên rằng Washington luôn triển khai tên lửa mang đầu đạn hạt nhân trong khoảng cách tấn công gần.

Ông Harrison cho biết hiện đang có cuộc điều tra về việc làm sao King vẫn được cho đi tour tham quan ở vùng phi quân sự cho dù hồ sơ của anh này có vấn đề.

King từng đã bị giam giữ ở Hàn Quốc về tội tấn công người khác và phá phách tài sản công cộng. Anh này lẽ ra phải bay về căn cứ chính của đơn vị ở Fort Bliss, bang Texas, vào tuần trước để đối mặt với hình thức kỷ luật.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG