Đường dẫn truy cập

Bộ Y tế Việt Nam khẩn cấp huy động cơ sở y tế tư nhân điều trị COVID-19


Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Thủ Đức, nơi sẽ tạm thời chuyển công năng thành Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 với sự chấp thuận của chính quyền thành phố hôm 26/7/2021. Photo Thanh Nien.
Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Thủ Đức, nơi sẽ tạm thời chuyển công năng thành Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 với sự chấp thuận của chính quyền thành phố hôm 26/7/2021. Photo Thanh Nien.

Hôm 30/7, Bộ Y tế Việt Nam đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp yêu cầu các bệnh viện tư nhân điều trị bệnh nhân COVID-19 khi quốc gia này phải đối mặt với tình trạng gia tăng các ca nhiễm do biến thể Delta.

Trong công văn hỏa tốc ngày 30/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành chỉ đạo huy động các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân tham gia phòng, chống dịch, tiếp nhận, cấp cứu và điều trị người bệnh COVID-19.

“Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố, để tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh, thành phố căn cứ diễn biến dịch tại địa phương... để huy động nguồn lực từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn phục vụ hoạt động phòng, chống dịch COVID-19”, công văn có đoạn.

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân “có trách nhiệm tham gia công tác phòng chống dịch, hỗ trợ giường bệnh, nhân lực, trang thiết bị triển khai tiếp nhận điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 khi được phân công”, theo Thông tấn xã Việt Nam.

Cũng hôm 30/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương phải nâng cảnh báo phòng chống dịch COVID-19 lên mức rất cao, và “phải chuẩn bị kịch bản cho tình huống xấu có thể xảy ra”.

Theo số liệu của Bộ Y tế, hệ thống cơ sở y tế tư nhân hiện có 20.000 giường bệnh từ 228 bệnh viện tư nhân trong cả nước.

Xe quân sự phun tẩy độc ở Hà Nội.
Xe quân sự phun tẩy độc ở Hà Nội.

Từ trước đến nay, Việt Nam đã duy trì chính sách yêu cầu bất kỳ ai có kết quả xét nghiệm dương tính COVID-19 đều phải nhập viện tại cơ sở nhà nước. Tuy nhiên, với số ca mắc bệnh tăng nhanh, công suất của các bệnh viện nhà nước dường như bị quá tải. Chính vì vậy, các ca bệnh không có triệu chứng ở tâm chấn dịch là thành phố Hồ Chí Minh đã được phép cách ly tự túc trong giai đoạn thử nghiệm.

Bác sĩ Đinh Hiếu ở tâm dịch Tp. Hồ Chí Minh nêu nhận định với VOA rằng bước đi của Bộ Y tế như vậy là tích cực và đúng hướng.

“Tôi thấy thế là phù hợp. Y tế tư nhân là một mảng không thiếu được, bây giờ nó cũng lớn, lan tỏa khắp cùng với ngành y tế công. Đó là một hình thức tương trợ lẫn nhau. Câu chuyện đó ắt cũng phải đến”.

“Bây giờ số lượng người mắc phải dịch bệnh quá lớn, có lẽ bây giờ gây nên quá tải”, Bác sĩ Đinh Hiếu nhận định.

Sài Gòn có lệnh không ra đường sau 18 giờ
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:54 0:00

Vào tuần trước, Bộ trưởng Long cũng bàn đến giải pháp để tránh việc ngành y tế công bị quá tải: “Việc hình thành các tầng điều trị sẽ giúp cho các cơ sở y tế tuyến trên không bị quá tải để điều trị bệnh nhân nặng tốt hơn”.

Tính đến ngày 30/7, Việt Nam ghi nhận hơn 137.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.161 ca tử vong. Tuy nhiên, con số tử vong thực tế có thể cao hơn.

Chỉ riêng tại Tp. Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có 1.057 bệnh nhân tử vong sau khi mắc COVID-19, trang Tiền Phong hôm 30/7 dẫn số liệu của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM cho biết.

VOA Express

XS
SM
MD
LG