Đường dẫn truy cập

Brisbane siết chặt an ninh trước Hội nghị Thượng đỉnh G20


Các đại biểu tham dự một cuộc họp thượng đỉnh G-20 hồi tháng 9/2014.
Các đại biểu tham dự một cuộc họp thượng đỉnh G-20 hồi tháng 9/2014.

Một trong các hoạt động an ninh lớn nhất của Australia đang được xúc tiến vào lúc các đại biểu đến dự cuộc họp thượng đỉnh G-20 tại Brisbane. Tăng trưởng kinh tế sẽ bao trùm cuộc họp của các nhà lãnh đạo quốc tế ở thủ phủ của bang Queensland. Từ Sydney, thông tín viên VOA Phil Mercer gửi về bài tường thuật sau đây.

Tăng trưởng toàn cầu đứng đầu nghị trình cuộc họp G-20 vào cuối tuần này ở Brisbane. Các đại biểu sẽ cứu xét các phương sách nâng sản lượng tập thể lên ít nhất 2% so với mức dự kiến hiện thời trong 5 năm sắp tới.

Các giới chức cho rằng sự kiện này sẽ làm tăng thu nhập toàn cầu, tức GDP lên hơn 2.000 tỷ đôla và tạo ra thêm hàng triệu công ăn việc làm.

Cuộc họp thượng đỉnh ở thủ phủ bang Queensland của Australia nhắm đạt được các mục tiêu kinh tế một cách “đầy tham vọng và có ý nghĩa”.

Giáo sư Richard Holden của trường Kinh doanh thuộc Đại học New South Wales tin rằng chìa khoá của tăng trưởng kinh tế là mậu dịch tự do hơn.

“Rõ ràng trong khoảng nửa thế kỷ vừa qua đã có một sự sụt giảm đáng kể về các rào cản thuế khoá và phi thuế khoá trên khắp thế giới, dẫn tới một sự gia tăng to lớn về mậu dịch quốc tế đã đem lại lợi ích khổng lồ cho tăng trưởng ở các nước giàu cũng như các nước nghèo. Nhưng vẫn còn khá nhiều các rào cản mậu dịch còn ở đó và một trong những điều chủ chốt trong nghị trình là bàn về cách thức tiếp tục đạt được tiến bộ trong việc hạ thấp các rào cản mậu dịch đó.”

Hội nghị G20 quy tụ các nhà lãnh đạo và các thống đốc ngân hàng trung ương của 20 nền kinh tế lớn, gồm cả Brazil, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Hoa Kỳ cũng như Liên hiệp Châu Âu. Khối này chiếm 85% nền kinh tế thế giới và hơn 75% mậu dịch thế giới.

Cuộc họp tại Queensland là cuộc họp lớn nhất của các nhà lãnh đạo quốc tế từng thấy ở Australia.

Nhiều nơi ở Brisbane được đặt trong tình trạng cô lập về an ninh và đã trở thành những pháo đài được bảo vệ chặt chẽ. Giới hoạt động đang dự định bày tỏ các mối lo ngại về nhiều vấn đề: từ toàn cầu hoá cho đến tình trạng nghèo khó, từ biến đổi khí hậu cho đến quyền của giới đồng tính.

Các tổ chức dân bản thổ đã đi tuần hành qua thành phố, nêu bật điều họ mô tả là sự đối xử bất công đối với thổ dân Úc.

Một số tổ chức không chính thức đang phổ biến trên mạng một kế hoạch gieo rắc “các đợt sóng phá hoại” trong thời gian cuộc họp thượng đỉnh G-20 kéo dài trong 2 ngày 15 và 16 tháng này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG