Đường dẫn truy cập

Ðại diện Tây phương, Châu Á-Thái Bình Dương họp Diễn đàn Khu vực


Ðại diện Tây phương, Châu Á-Thái Bình Dương họp Diễn đàn Khu vực
Ðại diện Tây phương, Châu Á-Thái Bình Dương họp Diễn đàn Khu vực

Bắc Triều Tiên và Miến Điện chiếm vị trí cao trong nghị trình thảo luận vào lúc các quốc gia tây phương và châu Á Thái bình dương họp tại Việt Nam để bàn về vấn đề hợp tác và an ninh khu vực. Từ Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Hà Nội, thông tín viên VOA Daniel Schearf gửi về bài tường thuật sau đây.

Diễn đàn Khu vực của Hiệp hội các Quốc gia Đông nam Á, tức ASEAN, họp trong ngày thứ Sáu để mở các cuộc bàn luận thường niên giữa các đại diện của 26 quốc gia và Liên hiệp châu Âu.

Theo dự kiến, các vấn đề an ninh, các vụ vi phạm nhân quyền của Miến Điện và thái độ hiếu chiến mà Bắc Triều Tiên bị cáo giác sẽ là những đề tài chính được đưa ra thảo luận.

Miến Điện, một thành viên của ASEAN, bị chỉ trích vì những vụ vi phạm nhân quyền tràn lan và về các kế hoạch tổ chức bầu cử trong năm nay, lần đầu tiên sau hai thập niên.

Lãnh tụ dân chủ bị cầm giữ của Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi bị cấm không được tham dự các cuộc bầu cử mà giới chỉ trích cho là nhắm mục đích để cho quân đội tiếp tục nắm quyền.

Bắc Triều Tiên thì mưu tìm hậu thuẫn ngoại giao tại diễn đàn về vụ đánh đắm một chiếc tầu hải quân Nam Triều Tiên khiến 46 thủy thủ thiệt mạng.

Washington và Seoul nói rằng Bắc Triều Tiên đã phóng ngư lôi vào chiếc tầu và đang hoạch định các cuộc thao diễn quân sự hỗn hợp vào cuối tuần này để biểu dương lực lượng.

Bình Nhưỡng không chịu nhận trách nhiệm và một người phát ngôn của Bắc Triều Tiên đã cảnh báo Washington nên bãi bỏ các cuộc thao diễn nếu muốn có một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đang tham dự diễn đàn. Hôm thứ Năm, bà nói với các bộ trưởng ASEAN rằng tương lai của nước Mỹ gắn chặt với vùng châu Á Thái bình dương.

Bà Clinton nói: “Hoa Kỳ là một Quốc gia ở ven Thái bình dương và chúng tôi cam kết là một đối tác với ASEAN và với tất cả quý vị. Quan hệ đối tác của chúng tôi bắt nguồn từ các lợi ích chung. Chúng tôi cam kết trợ giúp các quốc gia ở Đông nam châu Á duy trì sự vững mạnh và độc lập và mỗi quốc gia an hưởng hòa bình, ổn định, thịnh vượng, và tiếp cận với các quyền phổ cập của con người.”

Bà Clinton nêu ra rằng khu vực này là thị trường lớn hàng thứ sáu cho các mặt hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ và có các đầu tư kinh doanh Mỹ nhiều hơn so với Trung Quốc.

Hoa Kỳ, dưới thời Tổng thống Obama, đã trở nên tích cực hơn ở Đông nam châu Á và đã bắt đầu một chính sách giao tiếp với Miến Điện trong khi vẫn duy trì các biện pháp chế tài kinh tế.

Hôm thứ Tư, bà Clinton loan báo các biện pháp chế tài mới đối với Bình Nhưỡng và hôm thứ năm các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã biểu quyết gia hạn các biện pháp chế tài đối với Miến Điện vì những vụ vi phạm nhân quyền.

Nhưng ASEAN, vốn bao gồm nhiều chính phủ độc tài, chống lại các biện pháp chế tài, và tỏ ra miễn cưỡng hơn trong việc chỉ trích các thành viên Miến Điện và Bắc Triều Tiên.

Các vị bộ trưởng ASEAN đã công bố một thông cáo trong tuần này kêu gọi các cuộc bầu cử công bằng và có sự tham gia của mọi thành phần ở Miến Điện.

Các vị bộ trưởng cũng lên án vụ đánh đắm chiếc tầu Nam Triều Tiên, mà họ gọi là một “sự cố”, cùng tình trạng căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên.

Nhưng thông cáo này không đi đến chỗ chỉ trích Miến Điện, và thậm chí không đề cập đến Bắc Triều Tiên, mà chỉ nói lên sự ủng hộ các nỗ lực hướng tới một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân.

Các thành viên của ASEAN gồm Brunei, Miến Điện, Kampuchea, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippin, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG