Đường dẫn truy cập

Các biên tập viên Hong Kong bị cáo buộc ‘xúi giục’, Mỹ chỉ trích cuộc đột kích


Quyền biên tập viên trưởng của Stand News, Patrick Lam, là 1 trong 6 người bị bắt ở Hong Kong hôm 29/12.
Quyền biên tập viên trưởng của Stand News, Patrick Lam, là 1 trong 6 người bị bắt ở Hong Kong hôm 29/12.

Hai cựu biên tập viên của một trang tin tức trên mạng ủng hộ dân chủ ở Hong Kong bị cáo buộc phạm tội xúi giục và không được phép bảo lãnh tại ngoại hôm thứ Năm 30/12, một ngày sau khi một trong những tiếng nói chỉ trích công khai cuối cùng ở Hong Kong nói rằng họ sẽ ngừng hoạt động sau một cuộc đột kích của cảnh sát vào văn phòng và có bảy người bị bắt giữ.

Lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam biện hộ cho cuộc đột kích vào Stand News trong bối cảnh đang diễn ra cuộc trấn áp trên diện rộng hơn nhằm vào những người bất đồng chính kiến ở thành phố bán tự trị. Bà Lam nói với các phóng viên rằng “việc xúi giục người khác không thể được dung túng dưới chiêu bài đưa tin”.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken kêu gọi chính quyền Hong Kong trả tự do cho những người bị bắt. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Canada Melanie Joly cho biết nước bà rất quan ngại về các vụ bắt giữ, trong đó có ca sĩ Denise Ho, một công dân Canada và là một nhà hoạt động.

Theo văn bản truy tố, cảnh sát an ninh quốc gia đề nghị rằng Chung Pui-kuen và Patrick Lam, cựu biên tập viên của Stand News, mỗi người phải chịu một tội danh về âm mưu xuất bản một ấn phẩm có nội dung xúi giục. Cảnh sát cũng cho biết họ sẽ truy tố hãng tin về tội xúi giục.

Cảnh sát cho hay các vụ này đã được trình lên tòa West Kowloon hôm 30/12.

Chan Pui-man, một cựu biên tập viên của tờ báo ủng hộ dân chủ Apple Daily và là vợ của Chung, cũng bị bắt. Apple Daily đã bị buộc phải ngừng hoạt động vào đầu năm nay sau khi nhà quản lý về xuất bản của báo, Jimmy Lai, và các biên tập viên hàng đầu bị bắt và tài sản của báo bị phong tỏa.

Bảy người đã bị bắt hôm 29/12 theo một sắc lệnh về tội phạm có từ những ngày Hong Kong còn là thuộc địa của Anh trước năm 1997, khi lãnh thổ được trao trả cho Trung Quốc. Nếu bị kết tội, họ có thể phải đối mặt với mức án hai năm tù giam và khoản tiền phạt 640 đô la Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken chỉ trích vụ bắt giữ, nói rằng với việc bịt miệng các phương tiện truyền thông độc lập, chính quyền địa phương và Trung Quốc làm suy yếu "uy tín và sự sống động của Hong Kong”. Vẫn ông Blinken nói rằng “Một chính phủ tự tin không sợ sự thật sẽ đón nhận một nền báo chí tự do".

Ông nói tiếp: "Quyền tự do ngôn luận, bao gồm tự do truyền thông và quyền tiếp cận thông tin do một phương tiện truyền thông độc lập cung cấp là điều rất quan trọng đối với các xã hội thịnh vượng và an toàn. Những quyền tự do này đã giúp Hong Kong phát triển với tư cách là một trung tâm toàn cầu về tài chính, thương mại, giáo dục và văn hóa".

Ngoại trưởng Canada Joly viết trên Twitter rằng "tự do truyền thông và biểu đạt vẫn là nền tảng của nền dân chủ và cần thiết cho việc bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản". Bà nói rằng Canada sẽ tiếp tục lên tiếng và lên án các hành vi vi phạm các quyền tự do này, trong quan hệ đối tác với các đồng minh quốc tế của Canada.

(AP)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG