Đường dẫn truy cập

‘Cần lên án hành động xấu chứ không kỳ thị Hoa kiều’


Khu phố Tàu ở New York trong thời gian dịch Cọvid-19 hoành hành
Khu phố Tàu ở New York trong thời gian dịch Cọvid-19 hoành hành

Người Mỹ gốc Việt ‘có lý do để lên án những hành động xấu của một số Hoa kiều ở Mỹ cũng như thái độ bành trướng của chính quyền Trung Quốc’ nhưng ‘không nên vơ đũa cả nắm’ mà kỳ thị toàn bộ Hoa kiều, một nhà hoạt động xã hội dân sự của người Việt ở Mỹ nói với VOA.

Kể từ đại dịch virus corona bùng phát trên toàn cầu, nước Mỹ đã chứng kiến sự gia tăng của thái độ kỳ thị và các cuộc tấn công nhắm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á. Theo một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Pew, có khoảng 3 trong số 10 người gốc Á trưởng thành ở Mỹ đã hứng chịu những lời cay độc hay cười nhạo về sắc tộc của họ.

Hạ viện Mỹ do Đảng Dân chủ kiểm soát loan báo trong tháng này sẽ bỏ phiếu về một nghị quyết lên án mọi hình thức thành kiến đối với người gốc Á liên quan đến dịch bệnh virus corona, ông Steny H. Hoyer, lãnh đạo phe đa số ở Hạ viện, cho biết trong một lá thư gửi đến Hạ viện hôm 1/9, tờ Washington Post đưa tin.

‘Có kỳ thị’

Sự kỳ thị đối với người châu Á, trong đó có người gốc Việt, ở Mỹ ‘là có xảy ra’, ngay cả trước khi có đại dịch Covid-19, bà Genie Nguyễn Thị Ngọc Giao, nhà hoạt động xã hội dân sự trong cộng đồng người Việt ở Fairfax, bang Virginia, nhận xét.

“Một số người Việt ra đường bị người da trắng tưởng là người Tàu nên bị tỏ thái độ khó chịu,” bà nói. “Ngay cả khi tôi đi vào tiệm tạp hóa thì những người khác họ đi cách xa mình vì họ sợ bị lây bệnh.”

“Sự gìn giữ khỏi bệnh tật không hẳn là một sự kỳ thị chủng tộc vì cái đó người ta chỉ quan tâm đến sự sống của họ mà thôi,” nhà hoạt động này lưu ý.

‘Có những người gốc Hoa tuân theo chính quyền Bắc Kinh có những hành động xấu ở Mỹ thì cần phải bị lên án’ nhưng ‘không bao giờ có thể có định kiến đối với bất cứ một sắc dân nào mà nói toàn bộ sắc dân đó là xấu,” bà Giao nói.

Bản thân bà Giao trong công việc đã làm việc chung với rất nhiều người gốc Hoa, bà cho biết.

“Rất đông người trẻ Mỹ gốc Việt rất chan hòa với người Mỹ thuộc mọi nguồn gốc khác, kể cả Hoa kiều,” bà nói thêm.

‘Gọi tên để nhắc nguồn gốc’

Về cách gọi ‘virus Vũ Hán’ hay ‘cúm Tàu’ thay vì bệnh Covid-19 hay virus corona chủng mới, bà Giao lập luận rằng ‘nếu gọi để nhắc đến nguồn gốc virus thì là điều có thể chấp nhận được’ nhưng bà ‘phản đối lợi dụng cách gọi tên dịch bệnh theo nguồn gốc để có các hành động kỳ thị nhắm vào người Hoa.’

“Ở Eden Center (khu thương xá lớn nhất của người Việt ở Bờ Đông Hoa Kỳ) có rất nhiều người Việt gốc Hoa, chúng tôi vẫn mua đồ ăn của người Hoa ăn bình thường chứ không có sự kỳ thị gì hết,” bà nói và cho biết nhiều người Việt ở đây vẫn quen cách gọi ‘virus Vũ Hán’.

Trên tờ Washington Post, dân biểu Grace Meng, người bảo trợ cho nghị quyết cấm mọi hình thức kỳ thị người gốc Á mà Đảng Dân chủ định thông qua ở Hạ viện, được dẫn lời nói: “Việc sử dụng ngày càng nhiều luận điệu bài châu Á, nhất là từ các lãnh đạo đất nước, và việc sử dụng những từ ngữ như là ‘virus Trung Quốc’, ‘virus Vũ Hán’ và ‘Kung flu’ (cúm Kung – nhại theo ‘Kung fu’, tức ‘công phu’ trong tiếng Hoa) không những là vô trách nhiệm, liều lĩnh và hết sức ghê tởm mà nó còn đe dọa sự an toàn của cộng đồng người Mỹ gốc Á.”

“Ngôn ngữ như vậy làm hạ thấp, bêu xấu người Mỹ gốc Á và khiến họ thành đối tượng bị trút giận,” bà Meng nói thêm.

Giáo sư bị đình chỉ

Kể từ tháng Ba, Stop AAPI Hate, một diễn đàn trên mạng chuyên nhận báo cáo về các hành vi kỳ thị cho biết có hàng trăm trình báo về sự kỳ thị và quấy rối nhắm vào người Mỹ gốc Á trên khắp nước Mỹ, NBC đưa tin.

Trong số đó, có những hành động như là ‘bị ho vào mặt’, ‘không cho vào các cửa hàng’, ‘quấy rối trên mạng’ và ‘tấn công thể chất’.

Mới đây nhất, cũng theo NBC, một vị giáo sư ngành hóa thuộc Đại học Syracuse, bang New York, đã bị nhà trường tạm đình chỉ công tác sau khi sinh viên báo cáo rằng ông dùng các cụm từ như ‘cúm Vũ Hán’ và ‘cúm Đảng Cộng sản Trung Quốc’ trong ghi chú về chương trình học.

Đại học Syracuse cho biết Giáo sư Jon Zubieta không được phép đứng lớp nữa trong khi đang bị điều tra về điều mà nhà trường gọi là ‘ngôn ngữ mang tính xúc phạm’.

“Ngôn ngữ xúc phạm mà một giáo sư sử dụng trong đề cương môn học làm tổn hại môi trường học tập của các sinh viên và mang tính xúc phạm đến Hoa kiều và người Mỹ gốc Á ở khắp nơi vốn đã chứng kiến những giọng điệu, lời nói và hành động mang tính thù hằn kể từ khi đại dịch xảy ra,” thông cáo chung của Karin Ruhlandt, hiệu trưởng Trường Nghệ thuật và Khoa học, và John Liu, hiệu trưởng Đại học, viết.

Tuy nhiên, nhiều sinh viên Đại học Syracuse nói động thái đình chỉ này là chưa đủ và họ muốn vị giáo sư này phải bị sa thải.

VOA Express

XS
SM
MD
LG