Đường dẫn truy cập

Các biện pháp chống dịch hà khắc đang gây bất bình cho người dân Trung Quốc


Công nhân nhà máy sản xuất Iphone ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, phản đối các biện pháp chống dịch hà khắc
Công nhân nhà máy sản xuất Iphone ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, phản đối các biện pháp chống dịch hà khắc

Nỗi bất mãn đang âm ỉ trong người dân và các doanh nghiệp ở Trung Quốc vốn đang đối phó với các biện pháp kiểm soát COVID-19 ngặt nghèo hơn khi nước này ghi nhận thêm một kỷ lục nữa về số ca nhiễm hàng ngày chỉ vài tuần sau khi có hy vọng về việc nới lỏng kiểm soát.

Sự gia tăng trở lại các ca mắc COVID ở Trung Quốc, với 32.695 ca mới được ghi nhận ở các địa phương hôm 24/11 khi nhiều thành phố báo cáo các ổ dịch đã khơi mào các lệnh phong tỏa trên diện rộng và các biện pháp hạn chế đi lại và kinh doanh khác, cũng như phản ứng của người dân.

Phòng Thương mại Pháp ở Trung Quốc đã kêu gọi giới chức nước này thực hiện sao cho đúng đắn các biện pháp chống dịch ‘tối ưu hóa’ được công bố hai tuần trước. Lời kêu gọi này chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội sau khi Đại sứ quán Pháp đăng nó trên tài khoản Weibo của họ hôm 24/11.

Số lượng 20 biện pháp này, bao gồm rút ngắn thời gian cách ly và các bước có mục tiêu khác, đã ‘mang lại hy vọng’ cho các công ty Pháp về trao đổi kinh tế và thương mại song phương nhiều hơn, nhưng ‘các chính sách tốt cũng cần được thực hiện một cách nhất quán mà không có thêm các chính sách mâu thuẫn khác’, tuyên bố của Phòng thương mại Pháp cho biết.

Việc công bố 20 biện pháp này, vào lúc số ca nhiễm gia tăng đã khiến chính quyền phản ứng mạnh tay theo phương châm chống dịch zero COVID nghiêm ngặt của Trung Quốc, đã gây ra sự bối rối và bất trắc ở các thành phố lớn, bao gồm cả Bắc Kinh, nơi nhiều cư dân bị nhốt ở nhà.

Trung Quốc biện hộ cho chính sách zero COVID mang dấu ấn của Chủ tịch Tập Cận Bình là giúp cứu mạng người và cần thiết để giữ cho hệ thống y tế không bị quá tải.

Nhiều nhà phân tích cho rằng các biện pháp chống dịch chỉ được nới lỏng đáng kể sớm nhất là từ tháng 3 hay tháng 4 năm sau, với một số chuyên gia cảnh báo Trung Quốc phải tăng cường chích ngừa nhiều hơn và thay đổi thông điệp ở một đất nước mà nỗi sợ về COVID dâng cao.

Động thái hướng tới sống chung với COVID trong trung hạn sẽ rất khó khăn, nhà kinh tế Rob Carnell của ING ở Singapore, nói. “Một khi bạn bắt đầu từ bỏ cách chống dịch hà khắc, tình hình sẽ nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát”, ông nói.

“Tôi vẫn không chắc liệu họ có sẵn sàng chịu hậu quả đó hay không”, ông nói, ý nói đến nhiều người sẽ mắc bệnh hay tử vong. Và cho đến khi họ chịu, họ sẽ phải vật lộn với các hạn chế này.

Tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới ở thành phố Trịnh Châu, miền trung Trung Quốc, hơn 20.000 nhân viên mới được tuyển đã ra đi sau xảy ra bạo loạn của công nhân để phản đối chính sách COVID trong tuần này, đe dọa sản lượng của Foxconn, hãng cung cấp cho Apple ở đây.

Khi các biện pháp phong tỏa gây hậu quả cho nhiều người dân hơn, một số người đang đề xuất các cách làm khác. Tại Bắc Kinh, cư dân một số khu chung cư chia sẻ trên WeChat đề xuất những người hàng xóm bị nhiễm có thể tự cách ly tại nhà nếu họ không thể hiện triệu chứng nặng.

Các thông báo liệt kê các trường hợp mà nhân viên y tế có thể đưa một người bệnh ra khỏi nhà, nhằm giúp mọi người hiểu về quyền của họ nếu được yêu cầu phải đến nơi cách ly tập trung, cũng đang lan truyền trên mạng.

Thành phố Quảng Châu ở miền nam và Trùng Khánh ở tây nam đã ghi nhận phần lớn các ca nhiễm mới, trong khi các thành phố Thành Đô, Tế Nam, Lan Châu, Tây An và Vũ Hán ghi nhận hàng trăm ca nhiễm mới mỗi ngày. Bắc Kinh báo cáo 1.860 ca trong ngày 24/11.

Ở miền đông, thành phố Nam Kinh ở tỉnh Giang Tô cho biết họ sẽ tiến hành xét nghiệm đại trà trong năm ngày liên tiếp kể từ ngày 26/11, thành phố mới nhất công bố kế hoạch như vậy.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG