Đường dẫn truy cập

Các đại diện Israel, Palestine đàm phán ngừng bắn ở Cairo


Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shukri, phải, gặp Đặc sứ Quốc tế về Trung Đông và đồng thời là cựu thủ tướng Anh Tony Blair tại Bộ Ngoại giao Ai Cập ở Cairo, 6/8/2014.
Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shukri, phải, gặp Đặc sứ Quốc tế về Trung Đông và đồng thời là cựu thủ tướng Anh Tony Blair tại Bộ Ngoại giao Ai Cập ở Cairo, 6/8/2014.

Các đại diện Israel và Palestine đang ở Cairo hôm thứ Tư để tham gia vào các cuộc đàm phán có vẻ như là căng thẳng nhằm bảo đảm một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn ở Gaza sau khi lệnh ngừng bắn tạm thời trong 72 giờ kết thúc.

Thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 72 giờ giữa Israel và nhóm Hamas của Palestine ở Gaza đã đi được một nửa, các cuộc đàm phán ở Cairo vẫn nằm trong vòng bí mật. Các giới chức tình báo Ai Cập tiếp tục dẫn dắt các cuộc đàm phán “gián tiếp” giữa các đại biểu Israel và Palestine, công khai tránh né truyền thông.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Ai Cập có thể làm trung gian cho bất cứ thoả thuận nào về một lệnh ngừng bắn lâu dài hay không, với bản chất đòi hỏi từ cả hai phía dường như không thể hòa giải. Israel yêu cầu phi quân sự hóa hoàn toàn ở Gaza, trong khi Hamas kêu gọi việc dỡ bỏ hoàn toàn việc phong tỏa vùng lãnh thổ ven biển, cả đường bộ, đường biển và hàng không.

Giới chức hàng đầu của Hamas Ezzet Rashq đã từ chối yêu cầu “phi quân sự hóa” của Israel và có phần chắc Israel cũng sẽ không đồng ý với những yêu cầu của Hamas về việc dỡ bỏ phong tỏa. Hamas nhất quyết đòi Israel cho phép mở một phi trường và cho phép nhóm này đi vào khu vực 12 dặm vùng nước của lãnh thổ Israel theo một quy định quốc tế.

Tham gia các cuộc đàm phán ở Cairo, đại diện đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tiến trình hoà bình Trung Đông, ông Robert Serry, và đặc sứ cho “bộ tứ” quốc tế, ông Tony Blair, dự kiến gặp các bên riêng rẽ. Chưa rõ liệu đại diện Hoa Kỳ có đến hay không và khi nào đến.

Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập Nabil al-Arabi hôm thứ Tư nói rằng các ngoại trưởng Ả Rập sẽ đến Gaza “sớm, trong tình đoàn kết” với những người dân ở đây.

Những người Ai Cập có lịch sử gắn liền với Gaza, vốn là một phần của Ai Cập từ năm 1948 đến 1967 trong cuộc chiến Ả Rập – Israel. Một số người Ai Cập vẫn có người thân ở Gaza và nhiều sinh viên Gaza đang học tại các trường đại học Ai Cập. Tuy vậy, bất chấp mối liên hệ, chính quyền Ai Cập không có sự thông cảm mạnh mẽ đối với nhóm Hồi giáo Hamas, nhà phân tích quân sự và là tướng về hưu Sameh Seif al Yazal nói:

Một người phụ nữ Palestine chờ nhận thực phẩm cứu trợ tại một trung tâm phân phối của Liên Hiệp Quốc ở trại tỵ nạn Shati, thành phố Gaza, 6/8/2014.
Một người phụ nữ Palestine chờ nhận thực phẩm cứu trợ tại một trung tâm phân phối của Liên Hiệp Quốc ở trại tỵ nạn Shati, thành phố Gaza, 6/8/2014.

“Làm trung gian giữa người Palestine và người Israel không có nghĩa là Ai Cập ủng hộ chính sách của Hamas hay ủng hộ các lãnh đạo Hamas. Vấn đề chính là ngăn chặn đổ máu và nỗ lực đạt được thoả thuận hòa bình giữa hai bên như hồi tháng 11 năm 2012.”

Ai Cập đã đàm pháp một thoả thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas sau một cuộc xung đột ngắn ở Gaza vào năm đó.

Đài On TV của Ai Cập tường thuật rằng biên giới Rafah với Gaza đã “mở cửa” và 3.900 người đã vượt biên giới vào Ai Cập trong nhiều giờ đồng hồ gần đây. Tường thuật không chỉ rõ việc thông hành sẽ mở cửa trong bao lâu, cũng không cho biết là liệu có phải bất cứ ai muốn vượt biên vào Ai Cập đều có thể làm được hay không.

Trong khi đó, truyền thông Ả Rập tường thuật rằng đại sứ Palestine ở Liên Hiệp Quốc Riyadh Mansour đang nỗ lực để cơ quan này tuyên bố Gaza là một “khu vực thảm họa” trong khi chuẩn bị để tái thiết vùng lãnh thổ. Na Uy cũng dự kiến tổ chức một cuộc họp các nhà tài trợ để gây quỹ cho quá trình này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG