Đường dẫn truy cập

Các dân biểu lưỡng đảng Mỹ giục giới chức Đài Loan giúp vụ kiện Formosa


Một cuộc biểu tình ở Đài Bắc, Đài Loan về thảm họa Formosa Việt Nam, ngày 17/06/2016.
Một cuộc biểu tình ở Đài Bắc, Đài Loan về thảm họa Formosa Việt Nam, ngày 17/06/2016.

Bảy dân biểu Hoa Kỳ vừa gửi một bức thư chung đề nghị các quan chức cao cấp của Đài Loan tạo điều kiện thuận lợi cho hồ sơ khiếu kiện của gần 8.000 nạn nhân trong thảm họa môi trường do hãng thép Formosa Hà Tĩnh gây ra hồi năm 2016, giúp các nạn nhân tìm công lý và cải thiện môi trường biển Việt Nam.

Ký vào bức thư đề nghị này là các dân biểu liên bang Hoa Kỳ thuộc lưỡng đảng, bao gồm Alan Lowenthal, Zoe Lofgren, Christopher Smith, Luis Correa, Katie Porter, Gerald Connolly, Ro Khanna. Thư vừa được gửi đến chính phủ Đài Loan vào ngày 27/10, theo Hội Công lý cho Nạn nhân Formosa (JFFV), có trụ sở ở thành phố Austin, bang Texas, Mỹ.

Từ khi hội JFFV thay mặt cho 7.875 nạn nhân tại Việt Nam nộp đơn kiện Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh lên Tòa án Đài Bắc, Đài Loan, vào tháng 6/2019 đến nay, vụ kiện đã trải qua 5 phiên xử ở các cấp sơ thẩm, thượng thẩm và gần nhất là lên đến Tòa án Tối cao Đài Loan.

Tất cả các phiên xử này đều xoay quanh quyền tài phán của tòa án Đài Loan đối với vụ việc xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam và xem xét xem liệu các đơn kiện ủy quyền cho luật sư có đủ điều kiện để được thụ lý ở tòa Đài Loan hay không.

Một vấn đề nan giải ở phiên xử thứ năm là Tòa án Tối cao Đài Loan ra phán quyết yêu cầu các nạn nhân trong vụ kiện - vốn không thể đến Đài Loan theo đuổi vụ kiện nên phải ủy quyền cho các luật sư nước ngoài - phải có hồ sơ ủy quyền được chính quyền ở Việt Nam công chứng.

Bức thư chung của các dân biểu Mỹ gửi đi ngày 27/10/2022. Photo: Justice For Formosa’s Victims Association.
Bức thư chung của các dân biểu Mỹ gửi đi ngày 27/10/2022. Photo: Justice For Formosa’s Victims Association.

Các dân biểu Mỹ trình bày trong thư chung rằng quy trình công chứng này yêu cầu công dân Việt Nam phải có xác nhận của các cơ quan chức năng từ địa phương đến trung ương tại Việt Nam, bao gồm cả cán bộ cấp phường/xã, Cơ quan An ninh Bộ Công an và Bộ Ngoại giao, trước khi đơn ủy quyền của họ nộp cho Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh, trong khi nhà chức trách Việt Nam “không hợp tác”.

Nhóm các nhà lập pháp Mỹ cho rằng chính quyền Việt Nam “không giải quyết vấn đề thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử của đất nước, do đó họ không thể được tin cậy để bảo vệ các quyền của công dân Việt Nam khi đòi công lý”.

“Chúng tôi muốn nêu rõ thực tế là phán quyết này tạo ra những trở ngại không thể vượt qua cho các nguyên đơn tìm kiếm công lý thông qua hệ thống pháp luật Đài Loan”, bức thư của các dân biểu Hoa Kỳ viết.

“Việt Nam là một chế độ độc tài đảng trị, không dung thứ cho các hoạt động chỉ trích và bất đồng chính kiến. Chính phủ Việt Nam đã gán những lời khiếu nại chính đáng của các nạn nhân vụ xả thải chất độc Formosa là hoạt động chống phá xã hội, bắt giữ những người đi tìm công lý và quy cho họ là những người chống chính quyền”, bức thư viết thêm.

Các dân biểu Mỹ nêu ý kiến: “Chúng tôi đề nghị Bộ Ngoại giao Đài Loan và chính phủ Đài Loan làm tất cả những gì có thể trong khuôn khổ pháp luật Đài Loan để miễn trừ quy trình công chứng hoặc chấp nhận một quy trình công chứng thay thế do các luật sư Đài Loan đã tận tâm làm việc để giúp cho nạn nhân có thể tiếp cận với các tòa án Đài Loan trong việc tìm công lý”.

Trao đổi với VOA từ bang Texas, bà Nancy Bùi, Phó Chủ tịch Hội Công lý cho Nạn nhân Formosa (JFFV), bày tỏ sự kỳ vọng vào thư chung của các dân biểu Mỹ:

“Chúng tôi hy vọng rằng với những lời lên tiếng mạng mẽ, thẳng thắn, có tình có lý của 7 dân biểu và cùng với thỉnh nguyện của người Việt hải ngoại, cũng như của các tổ chức tranh đấu cho môi trường gửi cho chính phủ Đài Loan, phía Đài Loan sẽ có những biện pháp tốt để giúp cho người dân”.

“Vấn đề không phải là đòi họ để cho mình thắng, mà vấn đề thủ tục ở tòa rườm rà quá mà hoàn cảnh người dân ở trong nước không thể thực hiện được”.

“Nếu thư ủy quyền luật sư của họ được sự đồng ý và đóng dấu của chính quyền Việt Nam thì họ đã kiện Formosa trong nước rồi! Bây giờ mà đến xin chính phủ [Việt Nam] để kiện Formosa ở ngoại quốc thì là chuyện không tưởng. Thứ hai là vấn đề an ninh cho bản thân gia đình của họ nữa, sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề”.

Bức thư của các dân biểu Mỹ cho biết thêm rằng chính quyền Việt Nam hiện giam cầm 20 nạn nhân Formosa, mỗi người với án tù từ 5 đến 20 năm, chỉ vì họ đi tìm công lý sau thảm họa môi trường biển năm 2016.

VOA cố gắng liên lạc Bộ Ngoại giao Đài Loan và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị phản hồi về bức thư của các dân biểu Hoa Kỳ, nhưng chưa được trả lời.

Các dân biểu Mỹ kêu gọi sự can thiệp của chính quyền Đài Loan để bảo vệ quyền con người của công dân Việt Nam là nạn nhân của vụ xả thải Formosa, giúp họ tìm công lý tại các tòa án Đài Loan, và buộc Formosa Plastics Group phải chịu trách nhiệm trong vụ kiện vì tập đoàn đã làm ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng.

Vào tháng 7/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đánh giá rằng sau 5 năm triển khai “nhiều giải pháp khắc phục hậu quả, đến nay Công ty Formosa đã khắc phục được sự cố ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế”.

Truyền thông Việt Nam cho rằng trong khi các cơ quan chức năng “nỗ lực khắc phục hậu quả sự cố ô nhiễm môi trường biển miền trung, đẩy nhanh tiến trình chi trả đền bù, hỗ trợ nhân dân định hướng việc làm, phát triển kinh tế” thì các phần tử phản động, cơ hội chính trị ra sức “bới lông, tìm vết”, kích động một bộ phận quần chúng kém hiểu biết “đấu tranh vì môi trường”, tổ chức các hoạt động vi phạm pháp luật.

“Mục tiêu cuối cùng của chúng là lợi dụng sự cố môi trường để khoét sâu mâu thuẫn giữa nhân dân với chính quyền địa phương nhằm gây rối hoạt động xã hội”, báo Biên Phòng viết.

Truyền thông Việt Nam cho rằng với thông điệp “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế” cho thấy “ý chí quyết tâm” của “toàn đảng, toàn dân ta chung sức, nỗ lực khắc phục hậu quả sự cố ô nhiễm môi trường biển miền trung”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG