Đường dẫn truy cập

Các nhà điều tra LHQ: 'Không có nền pháp trị’ ở Eritrea


Bà Tsega từ Eritrea và đứa con trai Naher ở trong nơi tạm ngụ của di dân ở Calais, miền bắc nước Pháp 28/10/15. Bà trốn ra khỏi nước 6 năm trước đây và hy vọng được đoàn tụ với người thân sống ở Anh
Bà Tsega từ Eritrea và đứa con trai Naher ở trong nơi tạm ngụ của di dân ở Calais, miền bắc nước Pháp 28/10/15. Bà trốn ra khỏi nước 6 năm trước đây và hy vọng được đoàn tụ với người thân sống ở Anh

Một ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc điều tra Eritrea cho biết họ đã tìm thấy "những hình thức rất rõ ràng" của những vi phạm nhân quyền và hoàn toàn không có nền pháp trị trong nước.

Chủ tịch của Ủy ban điều tra Liên Hiệp Quốc phát biểu như vậy trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Genève hôm thứ Hai. Ông Mike Smith cho biết dưới nền cai trị của chính phủ Eritrea, chế độ quân dịch toàn quốc mang tính phổ quát và không có thời hạn xác định, và rằng "hầu hết người dân Eritrea không có hy vọng gì cho tương lai của họ."

Ông nói điều duy nhất mà người dân Eritrea có thể có được là cuộc sống trong quân đội hay làm nhiệm vụ dân sự với tiền lương thấp hơn 2 đôla mỗi ngày.

Hãng tin Reuters cho biết Đại sứ Eritrea Tesfamicael Gerahtu bác bỏ báo cáo này, nói với Hội đồng Nhân quyền rằng bản báo cáo dựa trên "thông tin không đáng tin cậy, chưa được chứng minh và giật gân."

Các nhóm nhân quyền từ lâu đã cáo buộc chính phủ của Tổng thống Isaias Afewerki áp bức người dân. Ông Afwerki đã cai trị đất nước kể từ khi Eritrea giành được độc lập từ Ethiopia vào năm 1993.

‘Không chiến tranh, không hòa bình’

Chủ tịch Smith cho biết những quan chức Eritrea đang sử dụng tình trạng pháp lý mơ hồ được gọi là "không chiến tranh, không hòa bình" để phớt lờ luật nhân quyền quốc tế và hạn chế những quyền tự do cơ bản, bao gồm quyền tự do phát biểu, di chuyển, lập hội và thờ phượng.

Ông cho biết để thi hành hệ thống cai trị và làm im tiếng những người chỉ trích, chính quyền thực hiện những vụ hành quyết ngoài vòng pháp luật và giam giữ người dân trong những điều kiện khắc nghiệt như trong thùng chứa bằng kim loại ở nhiệt độ cực cao và những sân tù ngoài trời trong cái lạnh khắc nghiệt

Hàng chục ngàn người Eritrea cố gắng bỏ trốn khỏi đất nước mỗi năm. Người Eritrea hiện là nhóm dân đông thứ hai sau người Syria tìm đường vượt qua Địa Trung Hải để đến châu Âu.

Ủy ban điều tra Liên Hiệp Quốc đã không được phép vào Eritrea. Ông Smith cho biết các thành viên của ủy ban đã dựa trên những phát hiện của họ từ những cuộc phỏng vấn với khoảng 400 người thuộc cộng đồng người Eritrea và 140 văn bản đệ trình.

Phát biểu của Chủ tịch Ủy ban điều tra hôm thứ Hai là một báo cáo tạm thời, trước bản báo cáo cuối cùng mà ủy ban sẽ trình lên Hội đồng Nhân quyền vào tháng 6.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG