Đường dẫn truy cập

Các nhà lãnh đạo thế giới tề tựu dự hội nghị thượng đỉnh về Ukraine


Nguyên thủ các nước chụp ảnh chung khi Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Viola Amherd nghiêng người về phía trước tại Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình ở Ukraine, ở Stansstad gần Lucerne, Thụy Sĩ, ngày 15 tháng 6 năm 2024.
Nguyên thủ các nước chụp ảnh chung khi Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Viola Amherd nghiêng người về phía trước tại Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình ở Ukraine, ở Stansstad gần Lucerne, Thụy Sĩ, ngày 15 tháng 6 năm 2024.

Các nhà lãnh đạo thế giới đã tề tựu về một thành phố du lịch trên núi ở Thụy Sĩ vào ngày thứ Bảy để cố gắng gầy dựng sự ủng hộ cho các đề xuất hòa bình của Ukraine tại một hội nghị thượng đỉnh.

Hơn 90 quốc gia sẽ tham dự, nhưng sự vắng mặt của Trung Quốc đã làm lu mờ hi vọng rằng hội nghị sẽ cho thấy Nga bị cô lập trên toàn cầu, trong khi những bước tiến về quân sự gần đây của Moscow đã đẩy Kyiv vào thế khó.

Cuộc chiến ở Gaza giữa Israel và Hamas cũng đã chuyển hướng sự chú ý của thế giới khỏi Ukraine.

Các cuộc hội đàm sẽ tập trung vào những lo ngại rộng lớn hơn do chiến tranh gây ra, chẳng hạn như an ninh lương thực và hạt nhân.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy ca ngợi sự tham dự đông đảo của hội nghị là một thành công và dự đoán "lịch sử đang được kiến tạo," đồng thời nói thêm rằng các thỏa thuận bắt nguồn từ hội nghị sẽ là một phần của tiến trình hòa bình.

"Ukraine không bao giờ muốn cuộc chiến tranh này. Đó là hành vi xâm lược phạm tội ác và hoàn toàn vô cớ của Nga," ông phát biểu bên cạnh Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd, người nói rằng cuộc xung đột đã mang tới "sự đau thương không thể tưởng tượng được" và vi phạm luật pháp quốc tế.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz gọi hội nghị này là một bước quan trọng để thảo luận về các vấn đề hòa bình và an ninh.

“Đây là một cái cây nhỏ cần được tưới nước, nhưng tất nhiên cũng với quan điểm rằng nó sẽ đơm hoa kết trái,” ông nói với Welt TV.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cử Phó Tổng thống Kamala Harris đại diện cho ông trong khi Thái tử Ả-rập Saudi Mohammed bin Salman sẽ do bộ trưởng ngoại giao của ông đại diện và Ấn Độ cử một phái đoàn cấp thấp hơn. Bắc Kinh không cử phái đoàn đến dự sau khi Nga không được mời dự hội nghị

Bà Harris đã công bố hơn 1,5 tỉ đôla viện trợ năng lượng và nhân đạo cho Ukraine, nơi mà cơ sở hạ tầng đã bị tàn phá bởi các cuộc không kích của Nga kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào năm 2022.

“Cuộc chiến này vẫn là một thất bại hoàn toàn đối với (Tổng thống Nga) Putin,” bà Harris nói trong cuộc hội kiến ông Zelenskyy.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, ông Putin nói Nga sẽ chỉ chấm dứt chiến tranh nếu Kyiv đồng ý từ bỏ tham vọng gia nhập khối NATO và bàn giao bốn tỉnh mà Moscow tuyên bố chủ quyền - những đòi hỏi mà Kyiv nhanh chóng bác bỏ là một sự đầu hàng.

Điều kiện của ông Putin dường như phản ánh niềm tin ngày càng lớn của Moscow rằng lực lượng của họ chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến. Ông Scholz mô tả những điều kiện này một nỗ lực làm tình hình phức tạp hơn.

“Mọi người đều biết rằng đây không phải là một đề xuất nghiêm túc, nhưng có liên quan gì đó đến hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn khác trên truyền hình.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói đề xuất của ông Putin đã "cho thấy con đường thực sự dẫn đến hòa bình."

"Nếu muốn cứu thế giới, hãy thảo luận về đề xuất của Vladimir Putin... Chỉ những người không muốn hòa bình mới không thể nhìn thấy, không thể hiểu được," thông tấn xã TASS dẫn lời bà nói.

Ông Zelenskyy đã cáo buộc Bắc Kinh giúp Moscow phá hoại hội nghị, một cáo buộc mà bộ ngoại giao Trung Quốc phủ nhận.

Các nhà lãnh đạo của Pháp, Đức, Ý, Anh, Canada và Nhật Bản là một số trong số những người dự kiến tham dự. Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary, những nước duy trì mối quan hệ thân thiện hơn với Nga, cũng dự kiến sẽ tham dự.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG