Đường dẫn truy cập

Campuchia dọa trục xuất trưởng phái bộ LHQ Douglas Broderick


Ngoại trưởng Campuchia đã đe dọa trục xuất viên chức hàng đầu của Liên hiệp quốc ở nước ông. Từ Phnom Penh, thông tín viên đài VOA Robert Carmichael của đài VOA tường thuật rằng lời đe dọa được đưa ra sau khi văn phòng Liên hiệp quốc yêu cầu chính phủ cho phép công chúng tham gia góp ý nhiều hơn trong việc soạn thảo đạo luật chống tham nhũng.

Ngoại trưởng Hor Nam Hong đã dùng những lời lẽ thẳng thắn và mạnh mẽ trong lá thư gởi cho ông Douglas Broderick, trưởng phái bộ Liên hiệp quốc ở Campuchia. Ông nói rằng yêu cầu của ông Broderick đòi chính phủ dành nhiều thời giờ hơn để công chúng xem xét đạo luật chống tham nhũng là “một sự can thiệp trắng trợn và không thể chấp nhận vào công việc nội bộ của Campuchia.”

Văn thư này kết thúc với tuyên bố là nếu văn phòng Liên hiệp quốc có hành động như vậy một lần nữa thì ông Broderick sẽ bị trục xuất.

Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Campuchia nói rằng việc văn phòng Liên hiệp quốc bình luận về tiến trình làm luật ở Campuchia là một việc không thể chấp nhận.

Ngoài ra, các giới chức cũng bày tỏ sự bực giọc của chính phủ về việc Liên hiệp quốc hưởng ứng sự kêu gọi của phe đối lập đòi có thêm thời giờ để nghiên cứu và sửa đổi luật chống tham nhũng.

Liên hiệp quốc chưa bình luận gì về lá thư của ngoại trưởng Hor Nam Hong.

Tuy nhiên một số các nhân vật hoạt động tích cực đang lo ngại là những lời lẽ cứng rắn của chính phủ đối với Liên hiệp quốc là một lời cảnh cáo đối với các tổ chức từ thiện và nhân quyền.

Ông Hang Chhaya là Viện trưởng Viện Dân chủ Khmer, một tổ chức tư nhân chuyên cổ súy cho những giá trị dân chủ. Ông cho đài VOA biết như sau.

Ông Chayala nói: "Quả là một việc lạ lùng vì dường như không ai muốn bình luận về lá thư này. Và điều này cũng là một điều đáng lo ngại cho các tổ chức phi chính phủ."

Cũng giống như nhiều người khác ở Campuchia, ông Chhyala cảm thấy ngạc nhiên trước thái độ cứng rắn của chính phủ. Ông nói rằng Liên hiệp quốc đã hoạt động ở Campuchia trong hai thập niên qua để giúp chính phủ xây dựng lại đất nước.

Ông Chhaya nói tiếp: "Họ đã thực hiện điều đó. Và thế thì tại sao bây giờ chúng ta lại không cho phép họ bình luận về một điều quan trọng như vậy ở Campuchia."

Bản thân chính phủ Campuchia cũng đưa ra những thông điệp không giống nhau.

Phát ngôn viên Hội đồng Bộ trưởng, ông Phay Siphan, nói rằng chính phủ tiếp tục hoan nghênh sự đóng góp ý kiến của các đối tác phát triển.

Ông cho biết một lá thư của ông Broderick, được gởi trước lá thư của ngoại trưởng Hor Nam Hong, đã giải tỏa những mối quan tâm của Hội đồng này.

Ông Siphan cho biết: "Chúng tôi đã nhận được từ họ một phúc đáp tốt đẹp. Họ đang trông đợi để thực thi và hợp tác với chính phủ để làm cho đạo luật này được thành công."

Nhiều người lo ngại là thông điệp cứng rắn của chính phủ đối với Liên hiệp quốc sẽ làm cho những người chỉ trích đạo luật chống tham nhũng phải im tiếng. Nhiều tổ chức nhân quyền nói rằng đạo luật này không đủ mạnh và dễ bị tổn thương bởi sự can dự chính trị.

Các nhân vật tranh đấu cho rằng lá thư của ông Hor Nam Hong làm tăng mối lo ngại là chính phủ sẽ tiếp tục thông qua các vụ kiện tụng và những biện pháp khác để tìm cách bóp nghẹt tiếng nói của những người chỉ trích.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG