Đường dẫn truy cập

Campuchia bầu cử vào Chủ nhật, Hun Sen trông đợi kéo dài nhiệm quyền


Thủ tướng Hun Sen (giữa) nhảy với những người ủng hộ trong chiến dịch vận động tranh cử cuối cùng của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) trước ngày tổng tuyển cử 29 tháng 7, ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 27 tháng 7, 2018.
Thủ tướng Hun Sen (giữa) nhảy với những người ủng hộ trong chiến dịch vận động tranh cử cuối cùng của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) trước ngày tổng tuyển cử 29 tháng 7, ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 27 tháng 7, 2018.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen có nhiều phần chắc sẽ kéo dài ba thập niên cầm quyền của ông khi người dân Campuchia đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vào Chủ nhật, trong khi những người chỉ trích ông kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử vì phe đối lập thực sự đã bị triệt tiêu.

19 đảng chính trị đang tranh cử chống lại đảng cầm quyền của ông Hun Sen là Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) nhưng không có đảng nào chỉ trích mạnh mẽ thủ tướng hay chính phủ của ông.

Thách thức chính của ông là Đảng Cứu Quốc Campuchia (CNRP) đối lập. Đảng này đã thua với cách biệt hạn hẹp trong cuộc tuyển cử gần đây nhất vào năm 2013, và đã bị Tòa án Tối cao giải thể vào năm ngoái trong khi nhiều nhà lập pháp của họ bị cấm tham gia chính trường trong năm năm.

Ông Hun Sen, một cựu chỉ huy Khmer Đỏ nhưng cuối cùng đào tị khỏi chế độ sát nhân của Pol Pot, đã nắm quyền suốt 33 năm qua và là thủ tướng tại nhiệm lâu năm nhất thế giới.

Nhiều lãnh đạo CNRP đã đào thoát ra nước ngoài và đang sống lưu vong. Lãnh đạo đảng này, Kem Sokha, bị bắt giam vào tháng 9 về cáo buộc phản quốc, một diễn biến giúp loại bỏ một đối thủ đáng kể của ông Hun Sen.

“Đi bỏ phiếu vào ngày 29 tháng 7 năm 2018 có nghĩa là bạn chơi trò chơi bẩn thỉu của một nhóm những kẻ phản bội do Hun Sen dẫn đầu đang giết chết nền dân chủ và bán hết đất nước của chúng ta,” Sam Rainsy, cựu lãnh đạo nổi tiếng của CNRP, viết trên trang Facebook của ông hồi đầu tháng này. “Tẩy chay cuộc bầu cử giả hiệu và nguy hiểm đó có nghĩa là chúng ta duy trì lí tưởng của chúng ta bằng cách trung thành với người dân của chúng ta và quyết tâm giải cứu quê hương của chúng ta.”

Nhà chức trách, tuyên bố việc vận động tẩy chay bầu cử là một hành động phi pháp, đã bắt giữ một vài người, nhưng phe đối lập trên thực tế đã sử dụng mạng xã hội để quảng bá lời kêu gọi của mình.

Một số nước phương Tây và Liên Hiệp Quốc đã nêu nghi vấn về độ khả tín của cuộc bầu cử này vì thiếu phe đối lập đáng kể. Các tổ chức nhân quyền đã chỉ trích các hạn chế áp đặt trên các cơ quan truyền thông độc lập và xã hội dân sự.

Gần 70 phần trăm cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử năm 2013.

Nhưng với việc phe đối lập bị triệt tiêu, một số người Campuchia không thấy việc đi bỏ phiếu có ích gì và số lượng cử tri đi bỏ phiếu thấp có thể làm suy yếu tuyên bố về tính chính danh của CPP.

Những người chỉ trích, bao gồm các thành viên của đảng đối lập lưu vong, đã kêu gọi áp đặt các chế tài nhắm mục tiêu lên chính quyền Hun Sen và các đồng minh của chính quyền theo sau vụ trấn áp của ông trước bầu cử.

Hôm thứ Tư, Hạ viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Dân chủ Campuchia được chờ đợi từ lâu, mở đường cho các biện pháp trừng phạt được áp đặt lên những người thân cận của ông Hun Sen.

Tuần này Nhật Bản cho biết sẽ không gửi các quan sát viên đến cuộc bầu cử dù đã làm như vậy trong nhiều cuộc bầu cử trước đây.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG