Đường dẫn truy cập

Campuchia tố Việt Nam khai thác gỗ lậu có hệ thống


Có ít nhất 75 triệu đôla gỗ được vận chuyển từ Campuchia sang Việt Nam chỉ trong mùa khai thác gỗ 2017-2018.
Có ít nhất 75 triệu đôla gỗ được vận chuyển từ Campuchia sang Việt Nam chỉ trong mùa khai thác gỗ 2017-2018.

Campuchia vừa yêu cầu INTERPOL điều tra các cáo buộc của nước này cho rằng Việt Nam nhiều lần và cố ý chấp nhận các giấy phép giả cho phép khai thác gỗ quý đang bị đốn bất hợp pháp dọc theo khu vực biên giới.

Nguồn gỗ trắc (cẩm lai) đỏ, một loại gỗ quý có giá lên tới hàng chục ngàn đôla một mét khối, đã bị phá hoại ở Campuchia do nạn khai thác gỗ tràn lan dọc theo biên giới Campuchia với Việt Nam.

Những văn bản mà Campuchia đệ trình lên Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) năm 2017 cho thấy các quan chức chính phủ cấp cao nước này liên tục yêu cầu Việt Nam phải hành động.

Vào năm 2013, Campuchia cấm khai thác gỗ trắc đỏ và sau đó thông báo với Việt Nam rằng bất kỳ giấy phép nào của CITES đối với loại gỗ này đều là gian lận, theo văn bản Campuchia đệ trình.

Trong thư viết cho tổ chức về Môi trường Quốc tế của LHQ vào tháng 10/2017, ông Ty Sokhun, người đứng đầu Cơ quan quản lý CITES ở Campuchia viết:

“Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn tiếp tục cho phép nhập gỗ trắc đỏ, liên tục viện dẫn giấy phép của CITES, dù đã được thông báo nhiều lần rằng những giấy phép đó là giả, bất hợp pháp.”

Tại một hội nghị của LHQ năm 2016, “phái đoàn CITES của Campuchia đã yêu cầu mở một cuộc điều tra độc lập của INTERPOL về các trường hợp liên quan”, ông Ty Sokhun viết trong thư phản đối việc đưa Campuchia đưa vào quy trình đánh giá của CITES về khối lượng giao dịch quan trọng.

Một nhà vận động bảo vệ rừng của Cơ quan điều tra môi trường của Liên Hiệp Quốc (EIA), Jago Wadley, nói rằng mặc dù hai bên nhiều lần đổ lỗi cho nhau về bên nào phải chịu trách nhiệm về nạn buôn bán trái phép, nhưng những bằng chứng chống lại Việt Nam trong trường hợp này “rất rõ ràng”.

Ông Wadley nói với Đài VOA:

“Cuối cùng, một nước tham gia công ước LHQ đã chứng thực rằng Việt Nam biết rõ giấy phép giả được sử dụng nhưng vẫn gạt thông tin đó qua một bên và tiếp tục nhận giấy phép giả”.

Ông nói thêm: “Nếu cơ quan thẩm quyền của Việt Nam chấp nhận giấy phép giả thay vì thông tin nói đây là giấy phép giả mạo, thì Việt Nam đã làm điều sai trái theo như công ước, và do đó phải chịu trách nhiệm về hành động của mình”.

Tất cả yêu cầu xin phỏng vấn của VOA gửi đến bà Hà Thị Tuyết Nga, Giám đốc Cơ quan quản lý CITES tại Việt Nam, và Bộ Ngoại giao Việt Nam đều không được trả lời.

Ông Wadley cho biết bà Tuyết Nga đã gửi thư trả lời cho EIA. Thư này không phản bác cáo buộc cho rằng Việt Nam cố ý chấp nhận giấy phép giả cho khai thác gỗ trắc đỏ.

Ông nói: “Họ đã đưa ra một lập luận mà chúng tôi cho là không thích đáng, đó là bởi vì Campuchia không yêu cầu ban thư ký CITES đưa ra thông báo về giấy phép giả, nên các bên nhập khẩu không có trách nhiệm phải bác các giấy phép đó”.

Ông Wadley nói:

“Trong công ước CITES không thấy có bất cứ điều khoản nào xóa bỏ trách nhiệm của một nước nhập khẩu nhận giấy phép giả một cách có chủ ý, chỉ vì nước xuất khẩu không ra thông báo thông qua CITES”.

Các hoạt động buôn gỗ quý diễn ra tấp nập dọc theo biên giới, nơi toàn bộ rừng trong khu vực được bảo vệ, đó là khu bảo tồn động vật hoang dã Snuol. Nơi này đã bị xóa sổ khỏi bản đồ và chính thức giải thể vào tháng Hai.

Trong một văn bản công bố vào tuần trước, EIA lôi ra hồ sơ do Campuchia đệ trình trong một nỗ lực nhằm đảm bảo các biện pháp can thiệp hiệu quả để ngăn chặn các hoạt động tàn phá môi trường.

Các cáo buộc được tung ra vào thời điểm nhạy cảm đối với Việt Nam, khi nước này đang gần đạt mục tiêu tiếp cận thị trường gỗ của EU thông qua hệ thống Hiệp định Đối tác Tự nguyện (VPA), trong đó phần lớn Việt Nam có thể tự điều chỉnh các hoạt động xuất khẩu gỗ.

Tại Campuchia, các cáo buộc khai thác gỗ bất hợp pháp cũng đang được nêu lên. Phó Thủ tướng Sar Kheng đưa ra một loạt nhận xét gây sốc về các hoạt động này trong một bài phát biểu hồi tuần trước.

Ông Sar, từng là Bộ trưởng Nội vụ Campuchia, mô tả cố gắng thực thi công lực ở nước này là một “thảm họa”, theo tường thuật của truyền thông địa phương.

“Chúng tôi có những cảnh quay từ vệ tinh, việc này không thể giấu được. Chúng tôi thấy gỗ được kéo từ nơi này đến nơi khác. Theo tôi biết là ở tỉnh Mondulkiri”, ông Sar được dẫn lời nói.

Mục tiêu cụ thể mà ông Sar nhắm vào là cáo buộc cho rằng việc giải phóng đất vùng lòng hồ chứa đập thủy điện Sesan II đã được sử dụng làm địa điểm khai thác bất hợp pháp bên ngoài khu vực cho phép.

“Họ khai thác gỗ từ nơi khác và tuyên bố số gỗ đó là do khai hoang nơi này. Điều đó có nghĩa là việc khai hoang lòng hồ chứa chưa bao giờ dừng lại ngay cả khi đập thủy điện đã được xây dựng”, ông Sar nói.

Kith Meng, một ông trùm đầy quyền lực ở Campuchia, người sở hữu công ty được cấp phép khai hoang lòng hồ chứa, từng bị cảnh sát Campuchia và các quan chức chính phủ nước này triệu tập vì đã dùng khu vực này làm địa điểm khai thác gỗ bất hợp pháp. Ông này không trả lời yêu cầu xin bình luận của VOA.

Hồi tháng 5, EIA nêu chi tiết ba địa điểm khai thác gỗ bất hợp pháp tràn lan, trong đó có khoảng 60 xưởng cưa đang hoạt động ở khu vực đập Sesan II.

Dữ liệu cho thấy có ít nhất 75 triệu đôla gỗ được vận chuyển từ Campuchia sang Việt Nam chỉ trong mùa khai thác gỗ 2017-2018.

Theo lời ông Wadley, gỗ trắc đỏ gần như đã bị xóa sổ khỏi những khu vực này sau khi có thêm nhiều giao dịch theo giấy phép giả của CITES diễn ra trong một năm so với toàn bộ trữ lượng trên toàn cầu của loại gỗ này.

“Không ai thực sự chịu trách nhiệm trong vụ bê bối này và cũng không có ai chính thức thừa nhận Việt Nam đã cố tình vi phạm công ước”, ông nói.

“Vấn đề ở đây là nỗ lực nhằm ngăn chặn vấn nạn xảy ra trong tương lai đối với hết loài này tới loài khác, từ năm nọ sang năm kia”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG