Đường dẫn truy cập

Cảnh sát Myanmar nổ súng vào người biểu tình, giết chết 1 người


Đông đảo người đến dự lễ tang của Angel, một người biểu tình 19 tuổi, bị bắn vào đầu khi các lực lượng Myanmar nổ súng để giải tán đám đông biểu tình ở Mandalay, Myanmar, ngày4/3/2021. REUTERS/Stringer
Đông đảo người đến dự lễ tang của Angel, một người biểu tình 19 tuổi, bị bắn vào đầu khi các lực lượng Myanmar nổ súng để giải tán đám đông biểu tình ở Mandalay, Myanmar, ngày4/3/2021. REUTERS/Stringer

Cảnh sát Myanmar hôm thứ Sáu 5/3 nổ súng vào đám đông biểu tình chống cuộc đảo chính hồi tháng trước, giết chết một người đàn ông, giữa lúc cộng đồng quốc tế mạnh mẽ lên án tập đoàn quân phiệt Myanmar, và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chuẩn bị thảo luận về cuộc khủng hoảng.

Bạo lực diễn ra giữa lúc tập đoàn quân sự Myanmar mất quyền lãnh đạo phái bộ Liên Hiệp Quốc tại New York và Hoa Kỳ áp đặt thêm nhiều biện pháp chế tài mới nhắm vào các tập đoàn của quân đội sau cái chết của hàng chục người dân biểu tình.

Các nhà hoạt động đòi khôi phục chính quyền dân cử của bà Aung San Suu Kyi đã tổ chức thêm nhiều cuộc biểu tình ở các thị trấn và thành phố, với các đám đông hàng nghìn người tuần hành ôn hòa trên khắp Mandalay, thành phố lớn thứ nhì Myanmar.

“Thời kỳ đồ đá đã qua, chúng tôi không sợ hãi vì các ông đe dọa chúng tôi,” đám đông hô vang.

Cảnh sát nổ súng, giết chết một người đàn ông, các nhân chứng và một bác sĩ nói với Reuters qua điện thoại.

Tại Yangon, thành phố chính của Myanmar, cảnh sát bắn đạn cao su và xịt hơi cay để giải tán đám đông biểu tình có sự tham gia của khoảng 100 bác sĩ mặc áo khoác trắng, các nhân chứng cho biết.

Nhiều đám đông cũng tụ tập ở thị trấn Pathein, phía tây Yangon và ở trung tâm Myingyan, nơi hàng chục phụ nữ đội mũ rơm giơ 3 ngón tay, biển tượng của phong trào thân dân chủ, kêu gọi trả tự do cho Suu Kyi, theo lời các nhân chứng.

Hôm thứ Năm, cảnh sát cũng đã dùng hơi cay và nổ súng để trấn dẹp các cuộc biểu tình ở một số thành phố, nhưng cuộc đàn áp có vẻ được kiềm chế hơn so với hôm thứ Tư, ngày mà Liên Hiệp Quốc mô tả là “ngày biểu tình đẫm máu nhất”, khi 38 người thiệt mạng.

Tổng cộng, ít nhất 55 người đã thiệt mạng kể từ cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2.

Kiều bào Myanmar nationals sống ở Thái Lan dự Đêm Tháp Nến, chống đối cuộc đảo chính quân sự trước trụ sở LHQ ở Bangkok, Thailand, ngày 4/3/ 2021. (AP Photo/Sakchai Lalit)
Kiều bào Myanmar nationals sống ở Thái Lan dự Đêm Tháp Nến, chống đối cuộc đảo chính quân sự trước trụ sở LHQ ở Bangkok, Thailand, ngày 4/3/ 2021. (AP Photo/Sakchai Lalit)


Trưởng Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet yêu cầu các lực lượng an ninh Myanmar hãy ngưng ngay "cuộc đàn áp tàn bạo đối với những người biểu tình ôn hòa". Bà cho biết đã có hơn 1.700 người bị bắt, trong đó có 29 nhà báo.

Một phát ngôn viên của hội đồng quân nhân cầm quyền không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Singapore là nước láng giềng của Myanmar lên tiếng mạnh mẽ nhất. Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, bà Vivian Balakrishnan, nói việc các lực lượng vũ trang sử dụng vũ khí chống lại người dân của họ là một “sự hổ thẹn quốc gia”.

Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế cho biết một số tình nguyện viên của Chữ thập đỏ bị thương và bị bắt bớ bừa bãi và xe cứu thương của Chữ thập đỏ đã bị hư hại. Liên đoàn này kêu gọi hãy chấm dứt bạo lực.

Những lời lên án cuộc đảo chính và bạo lực sau đó chủ yếu đến từ phương Tây, trong khi phần lớn các nước láng giềng của Myanmar ở Châu Á, gồm cả Ấn Độ, hầu hết đều tỏ ra kiềm chế hơn.

Chính quyền quân sự Myanmar có thể trông cậy vào sự hỗ trợ của Nga và Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc.

Từng trực tiếp cai trị đất nước trong gần 50 năm cho đến khi bắt đầu chuyển tiếp sang dân chủ cách đây một thập kỷ, quân đội Myanmar đã chật vật trong cố gắng áp đặt quyền lực lên một quốc gia trong đó nhiều người dân cảm thấy ghê sợ với ý tưởng quân đội có thể lên nắm quyền trở lại.

Một chiến dịch bất tuân dân sự với các cuộc đình công diễn ra song song với các cuộc biểu tình có sự tham gia của nhiều công chức, và cả một số nhân viên cảnh sát. Ít nhất 19 cảnh sát đã chạy sang Ấn Độ trong tuần này vì lo sợ bị trừng phạt bất tuân lệnh trên, cảnh sát Ấn Độ nói với Reuters.

Hơn 10 nhà ngoại giao Myanmar tại các cơ quan đại diện nước ngoài cũng tuyên bố ủng hộ phong trào dân chủ, hãng tin Irrawaddy đưa tin. Tại Washington, hiện không rõ liệu đại sứ quán của Myanmar có còn đại diện cho tập đoàn quân phiệt nắm quyền hay không.

Tại New York, một vụ chạm trán về ai là người đại diện cho Myanmar tại Liên Hiệp Quốc đã tránh được sau khi người được tập đoàn quân sự cầm quyền chọn lên thay thế bỏ việc và phái bộ Myanmar tại Liên Hiệp Quốc xác nhận rằng Đại sứ Kyaw Moe Tun vẫn giữ nhiệm vụ này. Tập đoàn quân nhân đã bãi nhiệm ông hôm thứ Bảy vừa rồi, sau khi ông hối thúc các nước tại Đại hội đồng LHQ hãy sử dụng “mọi phương tiện cần thiết” để lật ngược cuộc đảo chính.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG