Đường dẫn truy cập

Căng thẳng gia tăng thách thức nỗ lực duy trì sự bình yên ở Biển Đông


Tàu cảnh sát biển Philippines BRP Cape Engano bị thủng một lỗ lớn, sau khi va chạm với một tàu cảnh sát biển Trung Quốc ngày 19/8/2024, gần bãi cạn Sa Bin, một khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Tàu cảnh sát biển Philippines BRP Cape Engano bị thủng một lỗ lớn, sau khi va chạm với một tàu cảnh sát biển Trung Quốc ngày 19/8/2024, gần bãi cạn Sa Bin, một khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Các nhà phân tích cho rằng vụ va chạm mới nhất giữa tàu cảnh sát biển Trung Quốc với Philippines gần một rạn san hô đang tranh chấp ở Biển Đông là một phần trong chiến dịch của Bắc Kinh nhằm buộc Manila phải mềm mỏng hơn. Họ nói vụ việc cũng đặt ra câu hỏi về việc liệu hai bên có thể duy trì được sự bình tĩnh hay không, mặc dù đã đạt được thỏa thuận tạm thời để tránh xung đột vào tháng 7 năm nay.

Vụ việc hôm 19/8, khiến một tàu cảnh sát biển Philippines bị thủng một lỗ lớn, xảy ra gần bãi cạn Sa Bin, một khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines hay còn gọi là EEZ. Trung Quốc nói rạn san hô này là một phần lãnh thổ của họ.

Ông Collin Koh, một chuyên gia an ninh hàng hải tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, nói: “Trung Quốc đang cố gắng đe dọa Philippines và buộc họ phải rút lại sự hiện diện của lực lượng cảnh sát biển xung quanh [các rạn san hô đang tranh chấp ở Biển Đông].”

Ông Koh cho biết vụ việc xảy ra hôm 19/8 quanh bãi cạn Sa Bin là vụ đụng độ đầu tiên được báo cáo gần rạn san hô này và cho thấy cảnh sát biển Trung Quốc đang sử dụng cách tiếp cận có hệ thống để áp đặt các yêu sách lãnh thổ của mình gần ba điểm nóng chính ở Biển Đông, bao gồm bãi Cỏ Mây, bãi cạn Scarborough và bãi cạn Sa Bin.

Ông Koh nói với VOA qua điện thoại rằng: “Những vụ đụng độ này không còn là những vụ việc đơn lẻ nữa vì Trung Quốc đang sử dụng cách tiếp cận có hệ thống xung quanh ba điểm nóng với Philippines”.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, một tuyến đường thương mại quốc tế chính, bao gồm các khu vực xung quanh bãi cạn Sa Bin. Điều này bất chấp phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực tại The Hague rằng các yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.

Bằng chứng video

Giống như các sự cố trước đây xung quanh bãi Cỏ Mây (bãi cạn Second Thomas), sự cố hôm 19/8 xảy ra khi hai tàu cảnh sát biển Philippines, Cape Engano và Bagacay, đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho nhân sự đồn trú trên Đảo Bình Nguyên, mà Manila gọi là Patag, và Đảo Vĩnh Viễn, mà Bắc Kinh gọi là Nam Sơn.

Tàu Cape Engano lần đầu tiên va chạm với một tàu cảnh sát biển Trung Quốc vào lúc 3:24 sáng ngày 19/8 và một tàu cảnh sát biển Trung Quốc khác đã đâm vào tàu Bagacay của Philippines 16 phút sau đó.

Manila cáo buộc các tàu cảnh sát biển Trung Quốc thực hiện “các động tác nguy hiểm” gây ra thiệt hại nghiêm trọng về cấu trúc cho các tàu của họ, trong khi Bắc Kinh cho biết các tàu của Philippines “cố tình va chạm” với các tàu của Bắc Kinh mặc dù đã được cảnh báo nhiều lần.

Cả hai bên đều công bố video để chứng minh cho cáo buộc của mình, và một số chuyên gia cho rằng việc Bắc Kinh nhanh chóng công bố các tài liệu hình ảnh, ba giờ sau khi vụ việc xảy ra, phản ánh nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm phản bác lại lời kể của Manila về vụ va chạm.

“Chúng tôi đã thấy một chút điều chỉnh ở cả hai bên khi công bố thông tin về những vụ việc này, nhưng Trung Quốc đã đưa ra lý lẽ của họ nhanh hơn nhiều, khiến [phản ứng của Manila] có vẻ chậm chạp”, ông Ray Powell, giám đốc Trung tâm Đổi mới An ninh Quốc gia Gordian Knot thuộc Đại học Stanford, nói với VOA qua điện thoại.

Mặc dù phản ứng tương đối chậm đối với vụ việc ngày 15/8, theo ông Koh ở Singapore, những nỗ lực chia sẻ thông tin về các vụ va chạm của Manila vẫn hiệu quả hơn.

“Người Trung Quốc đang cố gắng sao chép những gì Philippines đã làm [về việc công bố video và hình ảnh về các vụ việc], nhưng họ không làm hiệu quả vì họ không cho phép bất kỳ cơ quan truyền thông nào, bao gồm cả truyền thông nhà nước Trung Quốc, dự khán các hoạt động bảo vệ bờ biển của họ”, ông nói với VOA.

Ngược lại, ông Koh cho biết Philippines đã để các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước tham gia vào các cuộc tuần tra của họ, điều này giúp tăng tính minh bạch của thông tin mà họ chia sẻ và khiến câu chuyện về các vụ va chạm của họ có vẻ như là “một câu chuyện thuyết phục hơn”.

Sự ủng hộ của quốc tế dành cho Manila

Mặc dù Bắc Kinh đã cố gắng đóng khung hành vi của cảnh sát bờ biển Trung Quốc là “biện pháp hợp pháp và hạn chế”, một số quốc gia đã nhanh chóng lên án hành động của Trung Quốc và bày tỏ sự ủng hộ đối với nỗ lực bảo vệ lợi ích lãnh thổ của Manila.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đề cập đến “những hành động nguy hiểm của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chống lại các hoạt động hàng hải hợp pháp của Philippines ở Biển Đông”. Bộ này nói thêm rằng hành động của các tàu Trung Quốc là ví dụ về việc Bắc Kinh “sử dụng các biện pháp nguy hiểm và leo thang” để thực thi “các yêu sách hàng hải phi pháp của mình ở Biển Đông”.

Các nhà ngoại giao hàng đầu của Philippines từ Nhật Bản, Đức, New Zealand, Vương quốc Anh và Úc đều đưa ra tuyên bố lên án hành vi của Trung Quốc.

Từ cuối năm ngoái, Philippines đã nỗ lực tăng cường hợp tác với các quốc gia dân chủ khác để bảo vệ các yêu sách lãnh thổ của mình ở Biển Đông.

Đáp lại, Bắc Kinh đã tăng tần suất các cuộc tuần tra tác chiến của họ gần các rạn san hô đang tranh chấp, tiến hành một cuộc tập trận hải quân chung với Nga ở Biển Đông vào tháng 7.

Một số nhà phân tích cho rằng tần suất tuần tra tăng lên của Manila và Bắc Kinh có thể làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm ở Biển Đông.

Chiến lược của Trung Quốc là cố gắng đẩy đối thủ vào vị trí mà họ có thể mắc sai lầm và điều đó có thể tạo cho Bắc Kinh cái cớ để sử dụng nhiều sức mạnh hơn”, ông Stephen Nagy, một chuyên gia an ninh khu vực tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế ở Nhật Bản, nói với VOA qua điện thoại.

Tuy nhiên, ông Koh cho biết Bắc Kinh khó có thể nâng cao căng thẳng với Philippines thành một cuộc xung đột quân sự nghiêm trọng.

“Vì một cuộc xung đột tiềm tàng ở Biển Đông có thể có tác động lan tỏa đến [nỗ lực tái thống nhất với] Đài Loan, vốn là giải lớn của Bắc Kinh, tôi không nghĩ rằng Trung Quốc sẽ muốn gây chiến ở vùng biển tranh chấp này”, ông nói với VOA.

Căng thẳng leo thang nhanh chóng giữa Trung Quốc và Philippines diễn ra sau khi cả hai tuyên bố đã đạt được thỏa thuận ngừng các cuộc đụng độ dữ dội gần bãi Cỏ Mây vào tháng 7.

Ông Koh nói điều này cho thấy khả năng Bắc Kinh và Manila đạt được một cơ chế giảm leo thang bền vững ở Biển Đông là rất thấp.

“Cả hai bên đều có cách giải thích khác nhau về các yêu sách tương ứng của họ ở Biển Đông, vì vậy họ không sẵn sàng đảo ngược lập trường của mình”, ông nói, lưu ý rằng các điều kiện cho các cuộc đụng độ tái diễn có thể sẽ tiếp diễn trong tương lai gần.

Diễn đàn

XS
SM
MD
LG