Đường dẫn truy cập

Cựu TT Carter đến Bắc Triều Tiên mưu tìm tự do cho công dân Mỹ


Có tin cho hay cựu Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter sẽ đến Bình Nhưỡng trong tuần này để vận động Bắc Triều Tiên trả tự do cho một người Mỹ bị cầm tù về tội nhập cảnh bất hợp pháp. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không phủ nhận tin này nhưng nhấn mạnh rằng ông Carter sẽ thực hiện chuyến công tác nhân đạo trong tư cách cá nhân và không có giới chức chính phủ Mỹ nào đi cùng. Từ Seoul, thông tín viên Steve Herman gởi về bài tường thuật sau đây.

Theo dự báo của giới truyền thông, vị cựu tổng thống năm nay 85 tuổi này sẽ từ Bắc Triều Tiên về nước với ông Aijalon Mahli Gomes. Tờ Chính sách Ngoại giao (Foreign Policy) là tờ báo loan tải tin này trước tiên.

Ông Gomes, người từng dạy tiếng Anh ở Nam Triều Tiên, đã bị bắt hồi tháng giêng sau khi từ Trung Quốc vào Bắc Triều Tiên. Những người quen biết ông nói rằng việc một nhà truyền giáo người Mỹ đã thực hiện một chuyến đi tương tự tới Bắc Triều Tiên để tranh đấu cho nhân quyền có thể đã tạo hứng khởi cho ông.

Ông Gomes bị tuyên án 8 năm tù và phạt một khoản tiền tương đương với 700 ngàn đô la. Tháng trước, truyền thông Bắc Triều Tiên cho biết ông Gomes đã tìm cách tự tử. Hồi đầu tháng này một phái đoàn 4 người của chính phủ Mỹ đã tới Bắc Triều Tiên để xin cho ông được thả nhưng không thành công.

Ông Timothy Savage là Phó Giám đốc Viện Nautilus, một tổ chức nghiên cứu chính sách công cộng ở Seoul. Ông cho biết rằng chuyến đi của ông Carter có lẽ không chỉ giới hạn trong việc mưu tìm tự do cho một người Mỹ.

Ông Savage nói thêm như sau: "Tôi nghĩ rằng điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào việc Tòa Bạch Ốc dành cho ông Carter quyền thương lượng tới mức độ nào. Khi ông Clinton đến Bắc Triều Tiên, ông ấy đã chuyển cho chính phủ ở Bình Nhưỡng một thông điệp, nhưng rõ ràng là Washington đã không có hành động nối tiếp nào."

Cựu Tổng thống Bill Clinton đã tới Bình Nhưỡng hồi năm ngoái để đưa về nước hai nhà báo người Mỹ bị cầm tù về tội nhập cảnh bất hợp pháp.

Năm 1994 Tổng thống Carter đã thực hiện một chuyến đi lịch sử tới Bình Nhưỡng. Chuyến đi đó đã đưa tới một hiệp định để Bắc Triều Tiên từ bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân và giảm thiểu những mối căng thẳng mà nhiều người lúc đó lo ngại là có thể làm phát sinh một vụ xung đột quân sự.

Tuy nhiên, hiệp định đó đã bị đổ vỡ, một phần là vì vào năm 2002 Hoa Kỳ tố cáo là Bắc Triều Tiên vẫn theo đuổi vũ khí hạt nhân và Bình Nhưỡng than phiền rằng Hoa Kỳ, Nhật bản và Nam Triều Tiên không chiụ thực hiện cam kết xây các nhà máy điện hạt nhân cho Bắc Triều Tiên.

Căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên lại gia tăng trở lại sau vụ chiến hạm Cheon-an bị đánh chìm hồi tháng 3, gây tử vong cho 46 binh sĩ hải quân Nam Triều Tiên. Một cuộc điều tra quốc tế cho rằng chiến hạm đó bị ngư lôi Bắc Triều Tiên bắn trúng, nhưng Bình Nhưỡng phủ nhận tố cáo vừa kể.

Tin về chuyến đi Bắc Triều Tiên của cựu Tổng thống Carter được loan báo trong lúc Trung Quốc thực hiện những nỗ lực mới để mở lại cuộc đàm phán 6 bên về chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên cho hay ông Võ Đại Vĩ, đặc sứ của Trung Quốc về vấn đề Bắc Triều Tiên, sẽ đến Seoul vào thứ năm tới đây sau khi đã đi thăm Bình Nhưỡng hồi tuần trước.

Ông Savage của Viện Nautilus cho rằng việc ông Carter quyết định đi Bắc Triều Tiên vào lúc này không phải là một sự ngẫu nhiên.

Ông Savage nói: "Sự kiện là chuyến đi này được thực hiện cùng lúc với những hoạt động ngoại giao khác cho chúng ta thấy rằng có những sự việc nào đó đang diễn ra ở hậu trường."

Cuộc đàm phán 6 bên đã bị đổ vỡ từ khi phái đoàn Bắc Triều Tiên rút khỏi cuộc thương lượng cách nay 16 tháng. Ngoài Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, còn có Nam Triều Tiên, Nhật bản, Nga và Hoa Kỳ tham gia cuộc đàm phán này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG