Đường dẫn truy cập

Chương trình ứng phó COVID-19 của Mỹ hỗ trợ Việt Nam


Xét nghiệm COVID-19 ở Việt Nam.
Xét nghiệm COVID-19 ở Việt Nam.

Một chương trình đào tạo của Mỹ về ứng phó COVID-19 cho sinh viên y khoa được đánh giá là đang đóng vai trò hỗ trợ trong đợt bùng phát dịch mới đây ở Việt Nam.

Tin cho hay, do đợt bùng phát COVID-19 tại tỉnh Hải Dương và 9 tỉnh, thành khác, các cơ quan chính phủ Việt Nam đã cử các sinh viên y khoa tham gia vào lực lượng chống dịch tuyến đầu.

600 sinh viên Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương được cho là đang tích cực tham gia vào công tác truy vết và xét nghiệm tại cộng đồng nhằm kiểm soát đợt bùng phát dịch này.

Theo Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), đây là những sinh viên đã hoàn thành chương trình đào tạo đặc biệt về phòng chống và ứng phó COVID-19 do cơ quan này tài trợ.

Hồi cuối năm ngoái, một dự án của USAID đã cung cấp đào tạo về COVID-19 cho hơn 5 nghìn sinh viên y khoa của Việt Nam.

Tin cho hay, Liên minh IMPACT-MED do USAID tài trợ đã hợp tác với công ty chăm sóc sức khỏe toàn cầu Novartis cung cấp đào tạo cho hơn 5.880 sinh viên y khoa năm cuối của 10 trường y tại Việt Nam về chăm sóc và điều trị COVID-19.

Theo Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, Liên minh IMPACT-MED “cũng cung cấp hỗ trợ cho Tổ chức Hợp tác phát triển y tế Việt Nam (HAIVN), một tổ chức hiện đang hợp tác với Đại học Harvard nhằm cải thiện và đổi mới chương trình giáo dục y khoa bậc đại học thông qua cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các bác sĩ”.

USAID cho biết, Liên minh IMPACT MED bao gồm một nhóm các trường đại học và các đối tác lĩnh vực công và tư nhân với mục tiêu của dự án là “hỗ trợ xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có chất lượng và hiệu quả tại Việt Nam có khả năng đáp ứng với các ưu tiên của thế kỷ 21 và đóng góp vào sự bền vững và an ninh y tế của đất nước”.

Ngoài ra, Liên minh này cũng hợp tác với 5 trường đại học y khoa và các nhà hoạch định chính sách để cải thiện và đổi mới đào tạo y khoa bậc đại học thông qua hỗ trợ kỹ thuật nhằm đổi mới toàn diện chương trình đào tạo bác sỹ đa khoa 6 năm.

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ cho biết rằng việc hỗ trợ không ngừng của cơ qua này trong việc giúp Việt Nam phát triển đội ngũ chăm sóc y tế hiệu quả và mạnh mẽ “đã góp phần nâng cao năng lực kiểm soát COVID-19 và các mối đe dọa y tế toàn cầu ưu tiên khác, qua đó tăng cường khả năng chống chịu và an ninh y tế của Việt Nam”.

Theo cơ quan này, chỉ riêng năm 2020, hơn 8.000 sinh viên, giảng viên y khoa và cán bộ y tế được đào tạo về phòng chống và kiểm soát COVID-19, và đến năm 2025, sẽ có khoảng hơn 5.000 bác sỹ tốt nghiệp từ chương trình đào tạo mới.

Tỉnh Hải Dương thời gian qua đã trở thành “điểm nóng” về COVID-19 ở Việt Nam. Theo chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tỉnh có khoảng 1,7 triệu dân này tiến hành cách ly xã hội trên toàn tỉnh từ 0h ngày 16/2 trong 15 ngày.

Cổng thông tin chính phủ Việt Nam (VGP News) dẫn lời Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói “phải chấp nhận phong tỏa, giãn cách trong 2 tuần để chặn lại tốc độ lây nhiễm của dịch”.

Chỉ thị mới của ông Phúc nói rằng “việc thực hiện cách ly toàn tỉnh phải bảo đảm phòng chống dịch, đồng thời hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân”.

Theo biện pháp cách ly xã hội trên, chính quyền sẽ hạn chế giao thông đi qua tỉnh Hải Dương và chỉ các phương tiện phục vụ cho mục đích thiết yếu mới được vào.

VOA Express

XS
SM
MD
LG