Đường dẫn truy cập

Châu Á: Số cầu về tài nguyên thiên nhiên dẫn đến nhiều xung đột


Ông Boonrian Chinnarat cầm chiếc lưới ông từng dùng để đánh cá trên sông Mekong. Ông nói giờ thì cá không còn, nhiều ngư dân ở Thái Lan như ông phải đổi nghề, và họ đỗ lỗi phần nào cho các đập Trung Quốc xây ở thượng nguồn
Ông Boonrian Chinnarat cầm chiếc lưới ông từng dùng để đánh cá trên sông Mekong. Ông nói giờ thì cá không còn, nhiều ngư dân ở Thái Lan như ông phải đổi nghề, và họ đỗ lỗi phần nào cho các đập Trung Quốc xây ở thượng nguồn
Tổ chức quốc tế bênh vực quyền của người thiểu số Minority Rights Group International, MRGI, nói rằng nhu cầu rất lớn về tài nguyên thiên nhiên trên khắp Châu Á đang dẫn tới những vụ xung đột sắc tộc và dời cư người dân địa phương.

Trong phúc trình thường niên của họ công bố hôm thứ Năm, MRGI nói rằng ngày càng có thêm đòi hỏi tài nguyên thiên nhiên trên thế giới, đặc biệt là quyết tâm tăng trưởng kinh tế của các nước Châu Á sẽ dẫn đến nhiều xung đột và và buộc phải tái định cư các cộng đồng dân địa phương.

Phúc trình vừa kể nói rằng số cầu về tài nguyên bao gồm các lãnh vực như đốn gỗ, xây đập, khai thác dầu hỏa, khí đốt, khoáng sản, đánh cá thương mại, các công viên bảo tồn sinh thái, và canh tác nông nghiệp trên quy mô lớn.

Ông Carl Soderbergh, phát ngôn nhân của MRGI nói rằng cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, các áp lực phải tăng nguồn thu nhập, các thị trường nhiên liệu sinh học trỗi dậy, và việc khai thác tài nguyên đã tạo ra một “trận bão thật sự” khiến cho các sắc tộc thiểu số và dân địa phương phải lãnh phần lớn hậu quả của các nhu cầu này. Ông nói:

“Trên phương diện xu hướng toàn cầu, có tình trạng tăng cường khai thác tài nguyên thiên nhiên tại những khu vực có người sắc tộc thiểu số và thổ dân, như chúng ta thấy tình trạng này tại Châu Mỹ La Tinh. Tại Bắc Mỹ, chúng ta có dự án khai thác dầu trong cát ở Alberta. Tại Châu Âu, chúng ta thấy các cơ sở như trại gió và khai thác mỏ sắt ở Bắc Cực chẳng hạn.”

Tại Châu Phi, người ta chú ý vào việc cho các công ty và chính phủ nước ngoài thuê hằng trăm ngàn hectare đất để trồng cây thâu lợi.

Ông Soderbergh nói rằng những xu hướng này khiến người ta lo ngại:

“Đây là đợt sóng đã diễn ra và gia tăng trong khoảng 16 năm qua. Mọi người đang theo đuổi, mọi chính phủ đang theo đuổi một mô hình phát triển mà các sắc tộc thiểu số và người địa phương thật sự không còn đất sống, và đó là vấn đề.”

Tại Châu Á và Đông Nam Á, khai thác hầm mỏ, xây đập, và các dự án phát triển đã ảnh hưởng rộng lớn tới hằng trăm cộng đồng người địa phương.

Tại Trung Quốc, đầu tư trong lãnh vực khai thác hầm mỏ đã đẩy những dân du mục ra khỏi các đồng cỏ và làng mạc do tổ tiên truyền lại trong các nơi như Vùng Tự Trị Uighur Tân Cương, và tại Tây Tạng.

Tại Việt Nam, trên 90.000 người, hầu hết là sắc tộc Thái, đã bị dời cư để lấy chỗ xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La, nhiều người bị di dời đi mà không có đất để canh tác.

Tại vùng rừng Prey Lang của Kampuchea, quê hương của sắc dân Kuy, việc chính thức cho sử dụng hàng chục ngàn hectare đất rừng để khai mỏ, đốn gỗ, và trồng cây cao su đã khiến nhiều người phải từ bỏ cách sinh nhai cổ truyền.

Xung đột cũng rõ ràng tại Indonesia, nơi việc phát triển các trại trồng dầu cọ đã được ưu đãi, giống như ngành khai thác hầm mỏ tại Papua.

Nicole Girard, giám đốc Châu Á của MRGI nói rằng mức độ xung đột liên quan tới đất đai đang gia tăng tại Đông Nam Á, thúc đẩy bởi các cuộc đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc. Bà nói:

“Tình trạng này chắc chắn gia tăng, giống như việc khai thác tài nguyên tại các vùng đất của của dân bản địa. Nhưng một trong những lý do dể có xung đột tại Đông Nam Á là bởi vì các nền kinh tế của Lào và Việt Nam đã mở cửa cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều đầu tư của Trung Quốc. Trung Quốc cũng có nhiều đầu tư tại Miến Điện.”

Bà Girrard nói rằng giao tranh gia tăng ở Miến Điện trong năm ngoái tại bang Kachin do người sắc tộc kiểm soát có liên hệ trực tiếp với những xung đột về nguồn đầu tư, phần lớn là từ Trung Quốc.

Trong một phúc trình khác, tổ chức phi chính phủ bênh vực dân bản địa Châu Á, có tên gọi tắt là IPP, đã yêu cầu các chính phủ Châu Á tôn trọng Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Về Quyền Của Người Bản Địa để bảo đảm cho các cộng đồng này được tham khảo ý kiến đầy đủ trước khi tiến hành các dự án phát triển.

Một phát ngôn nhân của IPP nói rằng các chính phủ tại Châu Á có trách nhiệm tinh thần phải tôn trọng những hiệp định của Liên Hiệp Quốc.

Cả hai tổ chức vừa kể nói rằng các cộng đồng người bản địa ủng hộ việc phát triển tài nguyên thiên nhiên nhưng cần bảo vệ và tôn trọng nhân quyền.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG