Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ, TQ đồng ý là có bất đồng về nhiều vấn đề toàn cầu


Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào

Vào lúc Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào chuẩn bị đến thăm Hoa Kỳ, trọng tâm chú ý sẽ dồn vào các nỗ lực bảo đảm rằng những bất đồng giữa hai nước không gây trở ngại cho mối bang giao toàn diện. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Stephanie Ho từ Bắc Kinh, tin hàng đầu trên báo chí trong năm vừa qua tràn ngập các đề tài mà hai bên có các chủ trương bất đồng, và đối khi đối chọi nhau.

Năm 2010 vừa qua là một năm khó khăn cho bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, với nhiều mối bất đồng hơn là những đồng thuận.

Bất kể xung đột đó, hai nước cam kết mang lại hiệu quả cho mối bang giao. Triển vọng này, như đã được đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc mô tả cách đây 1 năm, vẫn là nguyên tắc chỉ đạo cho các quan hệ Trung-Mỹ.

Ông Huntsman nói: “Vậy là, trong khi bầu không khí chung có thể đôi khi trở nên khó khăn, chúng ta sẽ nghe thấy những lời bình của cả hai bên nói về những lãnh vực mà chúng ta không đồng ý, và quả là chúng ta có sự bất đồng. Tôi không nghĩ rằng bất cứ ai sẽ nói khác đi. Mức đo lường về mối quan hệ sẽ là liệu chúng ta có khả năng gạt các bất đồng này qua một bên hay không.”

Một nguyên do gây bất đồng là vấn đề nhân quyền. Các cơ quan truyền thông Trung Quốc cáo buộc rằng giải Nobel Hòa bình được trao cho nhân vật bất đồng chính kiến đang bị ở tù Lưu Hiểu Ba là một sự cố ý sỉ nhục Trung Quốc do các nước Tây phương như Hoa Kỳ dàn dựng.

Chính phủ Hoa Kỳ cũng đang theo dõi trường hợp ông Tiết Phong, một người Mỹ gốc Hoa bị kết án 8 năm tù về tội làm gián điệp. Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh Robert Goldberg đã có mặt bên ngoài tòa án lúc xử phúc thẩm ông Tiết Phong hồi cuối tháng 11.

Ông Goldberg nói: “Chúng tôi đã chính thức yêu cầu xin dự phiên xử phúc thẩm Tiến sĩ Tiết Phong và cung cấp cho ông sự hỗ trợ về lãnh sự theo đúng Công ước về Lãnh sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tòa Thượng thẩm Nhân dân Bắc Kinh đã từ chối yêu cầu này, và không đưa ra lời giải thích.”

Washington và Bắc Kinh cũng có những ý kiến không giống nhau về vấn đề Bắc Triều Tiên, nước đã pháo kích vào một hòn đảo của Nam Triều Tiên hồi tháng 11, làm 4 người thiệt mạng.

Hoa Kỳ đã kêu gọi Trung Quốc phải có nhiều biện pháp hơn để kiềm chế Bắc Triều Tiên, nước đồng minh lâu đời của họ. Nhưng Bắc Kinh đã tự chế không quy lỗi cho Bình Nhưỡng. Trung Quốc còn chỉ trích các cuộc thao diễn quân sự của Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên trong khu vực là làm gia tăng căng thẳng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã trình bầy lập trường của Trung Quốc ngay sau khi xảy ra vụ tấn công bằng trọng pháo hồi tháng 11.

Ông Hồng Lỗi nói rằng Trung Quốc tin rằng cần phải đưa vấn đề trở lại trong cuộc đối thoại và thương nghị càng sớm càng hay.

Bắc Kinh đã kêu gọi 6 nước tham gia vào các cuộc thảo luận về việc giải giới hạt nhân Bắc Triều Tiên hãy ngồi lại để giải quyết vụ khủng hoảng mới nhất trên bán đảo Triều Tiên.

Tỷ giá hối đoái và mức thặng dư mậu dịch của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ là những yếu tố thường xuyên gây khó chịu. Nhiều nhà phê bình của Hoa Kỳ lên án Trung Quốc là duy trì lợi thế thương mại bất công bằng cách giữ chỉ tệ của họ ở mức thấp một cách giả tạo.

Các chuyên gia nói rằng có nhiều lý do khiến hai nước dường như có nhiều bất đồng hơn hồi gần đây. Ông Vương Đồng là một phó giáo sư về bang giao quốc tế tại trường Đại học Bắc Kinh.

Ông Vương nói: “Rõ ràng, ta thấy một sự chuyễn tiếp quyền lực trên toàn cầu. Trung Quốc đang lên và Hoa Kỳ, có thể nói một cách tương đối là đang ở một thời kỳ đi xuống. Vì thế, đây là lý do cơ hữu cho nhiều diễn biến đang xảy ra. Và thứ nhì, là sự cách biệt về nhận thức, cũng gây ra bởi những khác biệt về văn hóa giữa hai nước, và rồi ta lại có tình trạng hiểu lầm và chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc, ngoài ra còn có những vấn đề chính trị nội bộ ở cả hai nước nữa. Tôi nghĩ chúng ta cần phải xét tới một loạt nhiều yếu tố khác nhau.”

Ông Vương nằm trong số những người cảm thấy rằng với các thách thức toàn cầu mới, Trung Quốc và Hoa Kỳ có cùng những mục tiêu và lợi ích, và vì thế bất kể những bất đồng thường xuyên, hai bên nên tìm ra một đường lối để hợp tác với nhau.

Các chuyên gia về mối quan hệ này cho rằng chuyến thăm Washington của ông Hồ Cẩm Đào trong tháng này nằm trong khuôn khổ các nỗ lực tìm ra một quan điểm chung về một số vấn đề, và xây dựng sự thông cảm về các chủ trương của nhau trong những bất đồng còn lại.

Cũng nằm trong các nỗ lực cải thiện bang giao, bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates đã đi thăm Trung Quốc.

Ông David Lampton là Giám đốc về Nghiên cứu Trung Quốc tại trường Nghiên cứu Quốc tế Cấp cao thuộc Đại học Johns Hopkins. Ông nói rằng Trung Quốc thường hạn chế các quan hệ quân sự để bầy tỏ sự tức giận trước các vụ tranh chấp với Hoa Kỳ, và điều đó đã làm Hoa Kỳ lo ngại thêm về các kế hoạch phòng thủ của Trung Quốc.

Ông Lampton giải thích: “Theo quan điểm của tôi, Trung Quốc lo ngại về mức độ thiếu tin cậy đối với các ý đồ sách lược của họ, và tôi cho rằng đang có một sự suy xét nghiêm túc rằng chúng ta không thể tiếp tục chơi trò ăn miếng trả miếng này nữa, đình chỉ các quan hệ, các cuộc trao đổi quân sự, giữ làm con tin, mỗi lần Hoa Kỳ làm một điều gì. Tôi cho rằng sự kiện ông Gates đến Trung Quốc có thể là khởi đầu cho một tiến trình trong đó ta có một mối quan hệ bền vững hơn về một phương diện nào đó giữa quân đội của hai bên, và theo tôi, đó là một điều tốt.”

Tuy nhiên, vào ngày đầu tiên trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Gates, các giới chức quốc phòng Trung Quốc đã gạt qua một bên đề nghị của ông về một cuộc đối thoại sách lược trong đó hai nước có thể tìm cách cải thiện sự hiểu biết về các chính sách quốc phòng của nhau.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG