Đường dẫn truy cập

Chính sách đối ngoại của ông Trump không mang tính can thiệp? Không hẳn


Tổng thống tân cử Donald Trump giới thiệu Tướng Thuỷ quân lục chiến James Mattis làm Bộ trưởng Quốc phòng, ngày 06 tháng 12 năm 2016.
Tổng thống tân cử Donald Trump giới thiệu Tướng Thuỷ quân lục chiến James Mattis làm Bộ trưởng Quốc phòng, ngày 06 tháng 12 năm 2016.

Tại một buổi tập họp để "cảm ơn" những người ủng hộ ở gần Fort Bragg - căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ hồi tháng 12, Tổng thống đắc cử Trump giới thiệu người được ông đề cử cho chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng và kêu gọi chấm dứt "chu kỳ can thiệp và hỗn loạn mang tính hủy hoại." Phát biểu này được một số nhà bình luận xem là lời kêu gọi cho một phương sách "không can thiệp" đối với những vấn đề thế giới. Nhưng chính sách đối ngoại của ông Trump vẫn chưa định hình rõ ràng, nếu không phải là một tập hợp những phát biểu mâu thuẫn.

Khi ông thực hiện chuyến đi khắp nước Mỹ để “cảm ơn” ủng hộ viên sau khi đắc cử, Tổng thống tân cử Donald Trump thường nói tới hai chủ đề thường được ông lặp đi lặp lại khi còn vận động tranh cử:

"Chúng ta sẽ chấm dứt việc hấp tấp lật đổ những chế độ nước ngoài mà chúng ta chẳng biết gì hết, mà chúng ta không nên dính dáng tới. Thay vào đó, chúng ta phải tập trung đánh bại chủ nghĩa khủng bố và tiêu diệt ISIS, và chúng ta sẽ làm được."

Trước tiếng hò reo náo động của những người ủng hộ, ông Trump giới thiệu người được ông lựa chọn làm Bộ trưởng Quốc phòng, Tướng hồi hưu James Mattis, và tái khẳng định cam kết lúc tranh cử : gầy dựng lại quân đội Mỹ "kiệt quệ," theo lời ông.

Nhưng Tổng thống đắc cử dường như lại dành một tín hiệu hòa dịu hơn với các thành viên trong khối NATO vốn đang thấp thỏm về những lời lẽ của ông Trump lúc tranh cử chỉ trích những đồng minh ăn bám Mỹ.

"Chúng ta không quên. Chúng ta muốn củng cố những tình bạn cũ và tìm kiếm những tình bạn mới."

Cam kết của Trump chấm dứt điều ông gọi là chu kỳ "can thiệp và hỗn loạn mang tính hủy hoại" được một số nhà quan sát nhìn nhận là lời kêu gọi một chính sách đối ngoại không can thiệp. Nhưng đó là một sự đơn giản hóa quá mức, theo chuyên gia chính sách đối ngoại Michael O'Hanlon.

"Tôi nghĩ tùy theo từng khu vực. Ví dụ ông Trump nói rằng ông ấy muốn tiêu diệt ISIS. Tôi thấy việc này chẳng khác gì can thiệp..."

Khi đi vận động tranh cử, ông Trump liên tục công kích đối thủ Đảng Dân chủ Hillary Clinton vì bà ủng hộ can thiệp quân sự ở Iraq và Libya, những chính sách mà ông nói gây nên bất ổn và tạo ra chủ nghĩa khủng bố trong khu vực.

Thay vì can thiệp quân sự quy mô lớn, ông Trump ủng hộ những cuộc không kích hạn chế nhắm vào Nhà nước Hồi giáo.

"Nói cách khác, điều này có thể dựa nhiều hơn vào những cuộc không kích cụ thể, phá hủy những mục tiêu nhất định, hạn chế sự hiện diện của Mỹ trên thực địa."

Tướng Mattis, một nhà lãnh đạo quân sự dày dạn với nhiều kinh nghiệm làm việc với NATO, là một tín hiệu làm yên lòng những nhà lãnh đạo chính sách đối ngoại và các đồng minh. Chuyên gia O’Hanlon nhận định:

"Trong một tháng kể từ khi đắc cử, ông ấy đã bớt thái độ khinh thị trước đó đối với nhiều liên minh và ông ấy thực sự đã cẩn trọng hơn trong hầu hết những thông điệp mà ông ấy gửi đi, đặc biệt là với việc lựa chọn Tướng Mattis làm người đứng đầu Ngũ Giác Đài."

Nhưng ông Trump đã bổ nhiệm những người có quan điểm diều hâu vào những vị trí cao cấp và với lễ nhậm chức đang đến gần, các chuyên gia cho rằng chính sách đối ngoại của ông vẫn còn dang dở.

VOA Express

XS
SM
MD
LG