Đường dẫn truy cập

Chính sách Trung Quốc mới của Mỹ


Thượng đỉnh Bộ Tứ với lãnh đạo các quốc gia Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, 12 tháng Ba, 2021.
Thượng đỉnh Bộ Tứ với lãnh đạo các quốc gia Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, 12 tháng Ba, 2021.

Như đã trình bày trong bài trước, việc Tổng thống Joe Biden bổ nhiệm tiến sĩ Kurt Campbell vào vai trò điều hợp viên Ấn Độ - Thái Bình Dương, và kế đến là số nhân viên lãnh đạo cao cấp đặc trách về châu Á trong Hội đồng An ninh Quốc gia/NSC ngày nay gấp ba lần nhân sự đặc trách châu Âu so với thời Tổng thống George Bush, cho thấy ý định chiến lược và mức độ ưu tiên và quyết tâm chuyển trục của chính quyền Biden trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Nhóm Ấn Độ - Thái Bình Dương làm việc cho Kurt Campbell sẽ là ban giám đốc khu vực lớn nhất thuộc NSC. Dấu hiệu này cho thấy NSC đang ưu tiên những vấn đề Trung Quốc và các chính sách rộng hơn của Ấn Độ - Thái Bình Dương, theo người phát ngôn NSC Emily Horne nói với nhật báo Nikkei Asia.

Horne cho biết thêm rằng, công việc liên quan đến Trung Quốc mở rộng đến hầu hết mọi ban giám đốc của NSC. Điều này nghĩa là, các nhóm phụ trách “công nghệ và an ninh quốc gia”, “an ninh y tế toàn cầu và an ninh sinh học”, “quốc phòng”, “dân chủ và nhân quyền” và “kinh tế quốc tế”, đều sẽ tham gia vào việc định hình chính sách đối với Trung Quốc.

Hai ngày trước cuộc họp giữa hai phái đoàn cao cấp Mỹ - Trung vào ngày 18 và 19 tháng Ba tại Alaska, Campbell tuyên bố chính thức trên nhật báo Sydney Morning Herald rằng nếu Trung Quốc còn tiếp tục thái độ cưỡng bức kinh tế đối với Úc, hay các đồng minh thân cận của Mỹ, thì Bắc Kinh đừng mong đợi sẽ cải thiện mối quan hệ với Mỹ. Campbell khẳng định Mỹ sẽ không để Úc một mình trên sân chơi. Ngoại trưởng Úc Marise Payne, trước là Bộ trưởng Quốc phòng, hoan nghênh sự tái cam kết của Mỹ đối với đồng minh.

Đây là một trong những tuyên bố mạnh mẽ và thẳng thừng nhất của Mỹ đối với Trung Quốc liên quan đến đồng minh của Mỹ. Điều đáng nói rằng, đây là một tuyên bố xác định lập trường của Mỹ, trước khi bước vào bàn hội nghị với Trung Quốc. Nó có điều kiện và điều kiện này dựa trên nguyên tắc và giá trị không thể lay chuyển. Campbell công khai và khẳng định, nếu Trung Quốc đụng đến các đồng minh Mỹ như Nhật Bản, Nam Hàn, Ấn Độ, Úc v.v… thì Mỹ sẽ đáp trả.

Điều này cho thấy, chính quyền Biden không chỉ phát ngôn mạnh mẽ mà còn đang nỗ lực thực hiện các ý tưởng tái xây dựng và củng cố đồng minh và liên minh của Mỹ trong vùng. Nhất là các nền dân chủ như Nhật, Ấn và Úc liên kết với Mỹ, còn gọi là Bộ Tứ (Quad).

Trong cuộc họp thượng đỉnh giữa các lãnh đạo Bộ Tứ vào thứ Bảy 13 tháng Ba, Thủ tướng Úc Scott Morrison hoan nghênh những gì ông nghĩ sẽ là một bình minh mới ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Còn Tổng thống Biden cho biết, bốn nhà lãnh đạo đã tái cam kết đảm bảo rằng khu vực này được vận hành bởi luật pháp quốc tế, cam kết duy trì các giá trị phổ quát và không bị cưỡng bức.

Nếu sự cam kết của Mỹ bảo vệ quyền lợi của ba quốc gia Nhật - Ấn - Úc như thế, và bất cứ sự cưỡng bách nào đối với các nước này sẽ gặp phản ứng từ Mỹ, thì đây là một nguyên tắc vận hành liên minh mới trong vùng. Vì thế không lạ gì khi có người xem đây như một NATO tại châu Á – Thái Bình Dương. Chính quyền Mỹ có dùng đến mọi biện pháp, kể cả quân sự, để trừng phạt sự vi phạm của Trung Quốc trong thời gian tới hay không, thì chưa rõ. Nhưng điều chắc chắn là các nhà lãnh đạo Mỹ đã suy nghĩ đến mọi tình huống có thể xảy đến dựa trên hành xử của Trung Quốc lâu nay. Nếu Trung Quốc vi phạm mà Mỹ không làm gì cả thì uy tín của Mỹ tan thành mây khói. Ngược lại, họ có nghĩ đến và vẫn tiếp tục công khai tuyên bố như thế, có nghĩa rằng, Trung Quốc đừng nên giỡn mặt.

Trung Quốc xem Quad như là một NATO (hình thành để kiềm chế Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh) để nhằm kiềm chế mình. Quả thật, nếu không có Trung Quốc như là một hiểm họa đe dọa Mỹ và các nước khác, nếu không có những hành xử hống hách và thái độ hung hăng như trong nhiều năm qua, thì Quad có lẽ chỉ tiếp tục liên minh ở tầm Bộ trưởng, thay vì tầm lãnh đạo quốc gia như Hội nghị Thượng đỉnh tuần trước. Nói cách khác, phạm vi và mục tiêu hoạt động của Quad không chỉ là liên minh để kiềm chế Trung Quốc thôi, nhưng Trung Quốc là trung tâm điểm của Quad. Trung Quốc phẫn nộ vì liên minh này, nhưng bất kỳ sự phản ứng nào mang tính trả đũa của họ hiện nay sẽ mang lại rủi ro ở mức độ cao.

Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết Tổng thống Biden đã cố tình chọn Bộ Tứ là cuộc họp đa phương đầu tiên của ông kể từ khi trở thành tổng thống. Lý do là vì “Nó phản ánh quan điểm của ông ấy rằng chúng tôi phải tập hợp các đồng minh và đối tác dân chủ vì mục tiêu chung và niềm tin của ông ấy vào vị trí trung tâm của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ”.

Một ngày trước buổi họp cấp Bộ trưởng, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 24 quan chức Trung Quốc vào thứ Tư 17 tháng Ba, vì cho rằng những người này phá hoại các quyền tự do dân chủ của Hồng Kông. Đây là một hành động có thời điểm và chủ ý rõ ràng. Blinken cho biết tại Tokyo trong tuần trước rằng “Chúng tôi sẽ đẩy lùi nếu cần thiết khi Trung Quốc sử dụng biện pháp cưỡng bức hoặc gây hấn để giành lấy mục tiêu của họ”. Blinken cũng thừa nhận, điều đó đang diễn ra gần như hàng ngày, bao gồm cả những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm chấm dứt quyền tự trị của Hồng Kông, đe dọa Úc và Đài Loan, và tiến lên phía trước, bất chấp sự lên án của quốc tế, với những gì Blinken đã nói là một cuộc diệt chủng nhắm vào thiểu số người Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc.

Được hiểu rằng, cuộc họp thượng đỉnh của Bộ Tứ vào ngày 13 tháng Ba, và lời phát biểu của Campbell vào ngày 16 tháng Ba tiếp tục cam kết bảo vệ Úc và các đồng minh của mình bằng thông điệp cứng rắn với Trung Quốc. Rồi kế đến cuộc họp giữa phái đoàn Mỹ - Trung vào ngày 18, 19 tháng Ba. Tất cả đều là một sự chuẩn bị kỹ càng chu đáo, với bao nỗ lực âm thầm đằng sau, và kéo dài gần hai tháng từ khi Biden lên nhậm chức. Đằng sau các cuộc họp cấp Bộ trưởng hay Tổng thống/Thủ tướng, thường là một thời gian dài chuẩn bị chi tiết từng lời phát biểu, ai phát biểu, bao lâu, và sau cùng sẽ có tuyên bố chung hay không v.v… Tất cả đều được thông qua mọi thủ tục liên lạc và ngoại giao sẵn có, và sau cùng khi thông tin đã đến tay giới truyền thông thì hầu như đều được bật đèn xanh từ cấp cao nhất.

Tại cuộc họp giữa hai phái đoàn Mỹ - Trung, trưởng phái đoàn Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken phát biểu khai mạc rằng, Mỹ có ý định bảo vệ “trật tự dựa trên luật lệ”, mà nếu không có thì sẽ đưa đến một “thế giới bạo lực hơn nhiều”. Blinkin cũng nói rằng các hoạt động của Trung Quốc ở những nơi như Tân Cương, Hồng Kông và Đài Loan, cũng như các cuộc tấn công mạng của họ nhắm vào Mỹ và sự cưỡng bức kinh tế của các đồng minh của Mỹ đã “đe dọa trật tự dựa trên luật lệ duy trì sự ổn định toàn cầu. Đó là lý do tại sao đây không chỉ là những vấn đề nội bộ và tại sao chúng tôi cảm thấy có nghĩa vụ phải nêu ra những vấn đề này ở đây ngày hôm nay.” Trưởng phái đoàn Trung Quốc Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) đã mạnh mẽ phản biện, cảnh báo Mỹ không nên can thiệp vào “việc nội bộ” của Trung Quốc, chống lại quyền lên tiếng của Mỹ đối với các nước khác, cho rằng Mỹ là “nhà vô địch” của các cuộc tấn công mạng, chế nhạo sự ổn định trong nước của Mỹ và thách thức hồ sơ về quyền con người của Mỹ.

Trong vòng hai tháng từ khi nhậm chức, chính quyền Biden rõ ràng đang thực hiện một chính sách mới nhắm đến Trung Quốc. Họ sẽ tập trung vào việc cạnh tranh mạnh mẽ hơn với Bắc Kinh về các công nghệ quan trọng đối với sức mạnh kinh tế và quân sự lâu dài. Theo Sullivan thì cách tiếp cận mới là “nên tập trung ít hơn vào việc cố gắng làm chậm lại Trung Quốc, và tập trung nhiều hơn vào việc cố gắng tự chạy nhanh hơn”. Việc này có thể thực hiện bằng cách tăng cường đầu tư của chính phủ vào nghiên cứu và công nghệ, như chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và năng lượng v.v…

Trung Quốc có thay đổi hành xử hay không thì hiện nay quá sớm để đưa ra kết luận. Nhưng chiến lược khai dụng sức mạnh của chính mình và sức mạnh của đồng minh và liên minh, sử dụng sự thẳng thắn, kể cả đối đầu khi cần thiết, trong đối thoại, và cả sức mạnh cứng lẫn mềm, cả trừng phạt lẫn điều kiện, trên mọi bình diện, cho thấy một cách tiếp cận mới khả quan trong mục tiêu kiềm chế Trung Quốc hiện nay.

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG