Đường dẫn truy cập

Chờ đợi gì từ thượng đỉnh Trump-Kim?


Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Bill Perry (giữa) phát biểu trong hội nghị Diễn đàn hạt nhân Luxembourg về Ngăn ngừa Tai họa Hạt nhân tại Washington.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Bill Perry (giữa) phát biểu trong hội nghị Diễn đàn hạt nhân Luxembourg về Ngăn ngừa Tai họa Hạt nhân tại Washington.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Bill Perry, người đã thương thuyết với Triều Tiên cách đây một thế hệ, trông chờ 3 dấu hiệu chứng tỏ cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un thành công hay không, ông Perry nói với Reuters.

Việc đầu tiên là xem liệu hai ông có công kích cá nhân hay không.

“Tôi có thể tưởng tượng đến một tình huống mà hai nhà lãnh đạo rời hội nghị trong giận giữ, do đó hội nghị cần chấm dứt trong thân thiện,” ông Perry nói.

“Thứ hai là cần có sự đồng thuận về một số tuyên bố nguyên tắc để tiến tới một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa, và thứ ba là cần bắt đầu tiến trình: các bước thực thụ trong đường hướng đó, nhất trí một số bước đầu tiên.”

Ông Trump từng tuyên bố là ngay phút đầu tiên sẽ biết ngay là có thể đạt được thỏa thuận với ông Kim hay không.

“Tôi hy vọng Tổng thống đúng,” ông Perry nói. Ông Perry là người thương thuyết với Triều Tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Bill Clinton trong những năm 1990.

Những cuộc thương thuyết dưới thời Tổng thống Clinton đạt được một thỏa thuận theo đó cha của ông Kim là Kim Long Il đồng ý từ bỏ một chương trình hạt nhân để được nước ngoài cung cấp năng lượng.

Thỏa thuận sụp đổ dưới thời Tổng thống George W. Bush, người kế nhiệm ông Clinton. Ông Bush cho rằng Bình Nhưỡng gian dối. Ông Bush nỗ lực đạt được một thỏa thuận mới nhưng chưa bao giờ thành công và Triều Tiên kể từ đó công khai theo đuổi vũ khí hạt nhân.

“Tôi nghĩ không sai nếu bắt đầu với những ý niệm lớn trước và sau đó làm việc về chi tiết,” ông Perry nói. “Nếu họp thượng đỉnh đưa đến kết quả là một thỏa thuận bắt đầu tiến trình dẫn tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn, thì đây là một thành tựu quan trọng.”

Ông Perry nói thêm các chi tiết trên thực tế quá phức tạp để ông Trump và ông Kim có thể thảo luận chi tiết, và lý tưởng nhất là cuộc họp thượng đỉnh sẽ mở đường cho cuộc họp của các giới chức về các khía cạnh kỹ thuật, một tiến trình có thể mất “vài năm.”

Ông Perry phát biểu bên lề hội nghị Diễn đàn hạt nhân Luxembourg tại Geneva. Trong bài diễn văn tại hội nghị, ông Perry nói các nhà lãnh đạo Triều Tiên bị thúc đẩy bởi khao khát được tại vị.

Khi ông Perry thương thuyết với Triều Tiên, nước này công khai tìm những lợi ích kinh tế cho nền kinh tế mong manh của họ. Tuy nhiên điều họ thực sự chú trọng đến là bình thường hóa các quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ và chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.

Ông Trump sẽ rất khôn ngoan nếu chứng tỏ sẵn sàng cung cấp điều gì đó trong đường hướng ấy, ông Perry nói, nhưng nhượng bộ nên làm dần dần, bắt đầu với bước thiết lập sự hiện diện ngoại giao của Mỹ làm việc tại tòa đại sứ một nước khác.

Vẫn theo lời cựu Bộ trưởng Quốc phòng Perry, phải yêu cầu Triều Tiên tái gia nhập Hiệp ước Không Phổ biến Hạt nhân mà họ đã rút chân vào năm 1994 và buộc họ gia nhập Hiệp ước Cấm thử nghiệm toàn diện, dù Hoa Kỳ không phải là một thành viên trong đó.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG