Đường dẫn truy cập

Mấy Ai Học Được Chữ Ngờ (1)


Nam Lộc và Trịnh Hội ở Palawan
Nam Lộc và Trịnh Hội ở Palawan

Như tôi có nhắc qua trong bài blog trước, trong lần sang Edmonton vừa rồi tôi đã có dịp gặp lại một số anh em tỵ nạn ở Phi Luật Tân vừa được sang Canada định cư trong 2 năm vừa qua. Sau gần 20 năm kẹt lại ở bên trại.

Đây là những anh em lấy vợ người Phi và cũng chính vì lý do này mà các anh đã bị Mỹ từ chối không nhận cách đây 5 năm về trước. Đã có tất cả khoảng 100 gia đình gồm gần 400 người nằm trong diện này. Họ bị từ chối không phải vì hồ sơ có tiền án. Cũng chẳng phải vì sức khỏe của họ xấu hay vì họ khai gian.

Mà chính vì họ khai thật.

Oái ăm là ở chỗ đó.

Vào khoảng giữa thập niên 90 khi tất cả các nước lần lượt cưỡng bức người Việt tỵ nạn trở về nguyên quán, một số không nhỏ, nhất là các thanh niên trai trẻ đang bị giam trong trại tỵ nạn Palawan nằm ở miền nam nước Phi đã quyết định trốn trại để tìm đường cứu…bản thân mình.

Họ trôi dạt đến khắp mọi nơi, mọi đảo để tìm cách sinh sống qua ngày. Tương lai chưa biết ra sao nhưng đối với họ lúc ấy chỉ cần biết không bị cưỡng bức hồi hương về lại Việt Nam là tốt rồi.

Và thế là họ cứ tiếp tục sống cuộc sống vô gia cư, vô tổ quốc hòa nhập cùng với những người bản xứ người Phi hiền hòa, dễ chịu. Để rồi tình cảm nảy sinh và đã có hàng loạt những đứa con lai cha Việt, mẹ Phi được ra đời (mà không phải ngược lại là mẹ Việt cha Phi!) trong suốt khoảng thời gian trên 10 năm tôi làm việc ở bên ấy.

Vào thời điểm khi tôi lần đầu tiên đến Phi vào năm 97, vấn đề cưỡng bức hồi hương vẫn chưa hoàn toàn ngã ngũ và có thể xảy ra bất cứ lúc nào và vì thế những gia đình Việt Phi lại được cho là an toàn nhất.

Mà đúng vậy. Nếu đã có vợ, con Phi rồi thì ai có thể bắt họ để cưỡng bức hồi hương chứ?

Vì thế người vợ Phi lúc ấy không chỉ đơn giản là người chia ngọt xẻ bùi trong cuộc sống mà còn là lá bùa hộ mạng cho các anh trong suốt khoảng thời gian khó khăn ấy.

Nhưng ở đời ai biết được trước chữ ngờ. Chỉ sau vài năm là cục diện đã hoàn toàn thay đổi.

Sau một thời gian vận động, nước Úc là nước đầu tiên đã quyết định thay đổi chính sách và cho phép một số người Việt tỵ nạn được sang định cư ở Úc qua diện đặc biệt nhân đạo vào năm 2000.

Ngoại trừ những người Việt có vợ Phi. Vì lý do họ ‘có thể’ có cơ hội xin được nước Phi cho họ vào thường trú.

Điều quan trọng là chữ ‘có thể’ là chữ cần nên được chú ý nhất trong cả câu. Vì theo luật lệ hiện hành của nước Phi lúc ấy, không một ai là người Việt tỵ nạn hội đủ điều kiện để xin được vào thường trú. Kể cả những người có vợ, con Phi. Bởi họ là những người Việt tỵ nạn chỉ đang được cho ở tạm.

Nếu họ ‘có thể’ có cơ hội là ngay lập tức đơn xin của họ bị từ chối.

Oái ăm là ở chỗ đó. Thân phận tỵ nạn lúc ấy cứ như một trái banh bị nước này đá qua, nước kia đá lại. Chẳng ai thèm đếm xỉa đến thực tế đau lòng quá nghiệt ngã.

Bỗng chốc trong tích tắc lá bùa hộ mạng ngày xưa đã biến thành nỗi oan gia. Ước mơ lớn nhất của tất cả mọi thuyền nhân là một ngày nào đó họ sẽ được cho đi định cư, được đến bến bờ tự do sau bao năm chờ đợi.

Thế mà giờ đây chính tình thương yêu nên vợ, nên chồng lại là lý do duy nhất hủy diệt giấc mơ làm lại cuộc đời sau bao năm không nhà không cửa.

Ở đời thật khó có ai biết được trước chữ ngờ, phải không bạn? (Còn tiếp)

  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG