Đường dẫn truy cập

Chuyến bay giải cứu: Phạm Trung Kiên hứa nộp hết tiền, xin giảm án tử


Bị cáo Phạm Trung Kiên là thư ký cho Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, người có trách nhiệm phê duyệt các chuyến bay giải cứu
Bị cáo Phạm Trung Kiên là thư ký cho Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, người có trách nhiệm phê duyệt các chuyến bay giải cứu

Bị cáo bị cáo buộc nhận số tiền hối lộ nhiều nhất trong vụ án chuyến bay giải cứu nói trước Tòa rằng ông sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền hối lộ đã nhận với mong muốn được giảm nhẹ án tử hình, theo tường thuật của báo chí trong nước.

Phạm Trung Kiên, người từng là thư ký Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, là người duy nhất trong số 54 bị cáo trong vụ án đối mặt với án tử hình do bị xác định là đã ‘đòi hối lộ’ và ‘ăn hối lộ lên đến 42,6 tỷ đồng’ trong 253 lần từ các doanh nghiệp xin phép tổ chức chuyến bay.

‘Mức án nghiệt ngã’

Tự bào chữa trước tòa sau khi nghe bên công tố luận tội vào chiều ngày 21/7, ông Kiên một mặt nhận tội nhận hối lộ, mặt khác nói rằng ông không chủ động ‘vòi hối lộ’ hay ‘làm khó cho các doanh nghiệp’ và trình bày các tình tiết giảm nhẹ để mong được giảm án, theo Tuổi Trẻ.

“Bị cáo nhận tội trước nhân dân, Đảng, Nhà nước và ăn năn hối lỗi trước hành vi phạm tội của mình,” bị cáo Phạm Trung Kiên được dẫn lời nói.

Ông hứa gia đình ông sẽ nộp hết số tiền còn lại trong số 42,6 tỷ đồng nội trong hôm nay (21/7) hay ngày mai.

Hiện giờ, số tiền ông Kiên đã nộp lại là 35 tỷ đồng, trong đó có 12 tỉ đồng đã được trả lại cho các doanh nghiệp, nộp khắc phục 15 tỉ cho Nhà nước, và thêm 8 tỉ đồng gia đình tự nguyện nộp lại sau khi nghe Viện Kiểm soát công bố án tử hình cho ông Kiên.

Tuy nhiên, ông Kiên cũng một mực cho rằng mình ‘không làm khó doanh nghiệp để đòi tiền’ như lời của các chủ doanh nghiệp thuộc nhóm bị cáo đưa hối lộ khai trước Tòa.

Ông nói ông ‘không cố tình trì hoãn việc cấp phép chuyến bay’ với lập luận nếu chuyến bay đã được lãnh đạo Bộ Y tế duyệt mà ông không ra văn bản cho phép thì ‘sẽ bị kỷ luật ngay’, cũng theo tường thuật của Tuổi Trẻ.

Bị cáo này dẫn ra những thành tích công tác và lý lịch gia đình để mong được Tòa xem xét giảm tội, chẳng hạn như tích cực chống dịch COVID-19, được Thủ tướng tặng bằng khen, gia đình có nhiều người đi kháng chiến…

Ông gọi mức án tử hình là ‘nghiệt ngã’ đối với ông và xin Tòa cho cơ hội trở về với gia đình và làm lại cuộc đời.

‘Phản bội nhân dân’

Trước đó trong ngày 21/7, phía công tố là Viện Kiểm sát nhân dân đã bác bỏ những lập luận bào chữa của ông Kiên và luật sư. Đại diện Viện Kiểm sát nhận định ông Kiên ‘chủ động đòi hối lộ, cố ý nhận hối lộ’ và đánh giá ông Kiên đã phạm tội nghiêm trọng vì ‘đã phản bội lại nỗ lực cứu dân của cả hệ thống chính trị’, ‘phản bội nhân dân’.

“Hành vi của ông Phạm Trung Kiên cũng như các bị cáo làm mất đi ý nghĩa của chuyến bay giải cứu, gây bất bình trong nhân dân,” đại diện Viện Kiểm sát được dẫn lời nói trước Tòa.

Theo lập luận của phía công tố thì với phạm vi chức trách của mình, ông Kiên có thể gây khó khăn cho doanh để vòi tiền bằng cách ‘chậm trình văn bản cấp phép lên cho lãnh đạo ký, đóng dấu’.

“Chỉ chậm một ngày, hai ngày là không thực hiện được chuyến bay. Kiên không đóng dấu thì doanh nghiệp mỏi cổ chờ mong. Nên trong vụ án này nhiều bị cáo là doanh nghiệp sợ Kiên, nếu không đưa tiền thì bị Kiên gây khó khăn trong quá trình cấp phép,” đại diện Viện Kiểm sát trình bày.

Phía công tố cũng phản bác việc ông Kiên ‘không chủ động gây khó khăn’ với việc có tới 12 bị cáo đưa hối lộ khai ông Kiên đã trực tiếp ra giá 150-200 triệu đồng cho mỗi chuyến bay, hoặc 1-2 triệu đồng cho mỗi hành khách, và họ đưa tiền cho ông Kiên xong thì mọi việc mới thông suốt.

“Nhận tiền đến 253 lần thì không thể nói là vô ý được,” Viện Kiểm sát nêu và cho biết trong quá trình điều tra, ông Kiên đã quanh co chối tội, khai gian dối cho đến khi bị đưa ra bằng chứng thì mới nhận tội.

‘Số tiền không lớn’

Trong phần bào chữa cho ông Kiên, luật sư lập luận rằng số tiền 42,6 tỉ đồng là ông Kiên nhận từ 18 doanh nghiệp để sắp xếp chuyến bay giải cứu cho 30.000 người. Nếu chia bình quân thì với mỗi người được giải cứu, ông Kiên ‘chỉ ăn từ 500.000 đến 2 triệu đồng’

Luật sư của ông Kiên cho rằng số tiền đó ‘liệu có lớn không khi đánh đổi để về nước trong dịch bệnh, có lớn không so với thu nhập trung bình của số đông và chưa kể giá trị bằng vô giá của việc đoàn tụ với gia đình’, theo tường thuật của Tuổi Trẻ.

Tuy nhiên, lập luận bào chữa này đã bị phía công tố bác bỏ vì cho rằng nó ‘thể hiện sự thờ ơ trước nỗi đau, mất mát của đồng bào’.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG