Đường dẫn truy cập

Giới chuyên gia: Chuyến thăm của TT Putin đặt Việt Nam vào ‘thế khó’, và ‘không có đột phá’


Tổng thống Nga Vladimir Putin được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đón tiếp ở Hà Nội (ảnh tư liệu, 12/11/2013).
Tổng thống Nga Vladimir Putin được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đón tiếp ở Hà Nội (ảnh tư liệu, 12/11/2013).

Ba chuyên gia về quan hệ quốc tế nhận định với VOA rằng chuyến thăm Việt Nam sắp diễn ra của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đặt Việt Nam vào thế khó, thậm chí có thể coi là rủi ro cho Hà Nội, đồng thời họ dự báo sẽ không có đột phá về các kết quả.

Hà Nội và Moscow thông báo ông Putin sẽ thăm Việt Nam trong hai ngày 19 và 20/6, sau khi thăm Triều Tiên từ 18-19/6.

Rủi ro cho Hà Nội

Giáo sư Alexander Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh K. Inouye châu Á-Thái Bình Dương ở bang Hawaii, Mỹ, nhận xét: “Đón tiếp ông Putin trong một chuyến đi kết hợp, bao gồm việc ông ấy thăm Triều Tiên, là hình ảnh xấu cho Hà Nội và sẽ mang lại một số rủi ro. Điều này có thể làm cho Việt Nam bị xem là kém tin cậy trong con mắt của phương Tây, Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng mặt khác Hà Nội sẽ tăng mức độ đáng tin cậy trong con mắt của Nga”.

Theo GS. Vuving, mối liên hệ giữa hai chặng thăm Triều Tiên và Việt Nam phần lớn chỉ là về mặt hậu cần, nghĩa là lịch trình của ông Putin sẽ hợp lý hơn khi đi thăm hai nước trong cùng 1 chuyến đi thay vì 2 chuyến riêng rẽ. Tuy vậy, thực tế này cũng nói lên rằng Việt Nam, giống như Triều Tiên, “là một người bạn thân thiết của Nga”.

Tiến sĩ, cựu Đại sứ Nguyễn Ngọc Trường, cựu Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quốc tế, cho VOA biết từ Hà Nội rằng qua thông tin ông nắm được, Việt Nam đã gửi thông điệp đến Nga là họ “không muốn” có việc ông Putin kết hợp thăm cả Triều Tiên lẫn Việt Nam trong một chuyến đi “bởi vì có thể gây hiểu nhầm về mặt quốc tế”.

Nhưng chuyến đi kết hợp vẫn sẽ diễn ra vì “về đối ngoại, Việt Nam phải cân nhắc các mặt”, ông Trường nói.

Chỉ 9 tháng trước, Việt Nam đón tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 9/2023 và nhân dịp đó Hà Nội và Washington đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, ngang hàng với quan hệ mà Việt Nam đã có trong nhiều năm với Nga, Trung Quốc và một số ít ỏi vài nước khác.

Quan hệ ‘chung thủy, truyền thống’ Việt-Nga

Ông Trường, một tiến sĩ lịch sử từng giữ chức đại sứ Việt Nam ở 5 quốc gia, chỉ ra rằng giới lãnh đạo Việt Nam ghi nhớ, biết ơn sự giúp đỡ của Liên Xô trước đây, trong đó lớn nhất là Nga, dành cho Việt Nam trong các cuộc chiến tranh trong quá khứ, và vì vậy, giờ đây họ vẫn luôn coi Nga là “bạn bè truyền thống, chí cốt”.

Đó là các cuộc chiến tranh được Việt Nam gọi là “chống Pháp” hồi những năm 1950, “chống Mỹ” trong thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970, “bảo vệ biên giới phía bắc và tây nam” mà thực chất là hai cuộc chiến chống lại Trung Quốc và đánh lực lượng Khmer Đỏ được Trung Quốc hậu thuẫn ở Campuchia từ 1979 đến giữa thập niên 1980.

Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên thuộc Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định Việt Nam “không muốn đánh mất mối quan hệ lâu năm” với Nga, một cường quốc có ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, không có tranh chấp, xung đột gì với Việt Nam cả trong quá khứ lẫn hiện tại.

Ông Việt nói thêm với VOA: “Trong bối cảnh phương Tây đang trừng phạt căng thẳng như vậy, chuyến thăm của ông Putin làm cho Việt Nam ở vào thế khó. Nhưng Việt Nam vẫn phải duy trì vì với cách nghĩ của người Việt Nam, họ phải tôn trọng tình bạn truyền thống”.

Như VOA đã đưa tin, Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội mới đây nói với hãng tin Reuters rằng “Không nên có một nước nào tạo cho ông Putin diễn đàn để thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lược của họ [nước Nga] và mặt khác cho phép ông ta biến sự tàn bạo của mình trở thành bình thường. Nếu ông ta có thể đi lại tự do, điều đó có thể bình thường hóa các hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế của Nga”.

Ông Putin bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) có trụ sở tại La Haye ra lệnh bắt giữ hồi tháng 3 năm ngoái, với cáo buộc rằng ông phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine. Nhưng Việt Nam không phải là thành viên của ICC nên không có nghĩa vụ tuân thủ.

Mỹ hiểu ‘thế khó’ của Việt Nam?

Nói về phản ứng của Mỹ, hai ông Nguyễn Ngọc Trường và Hoàng Việt cho rằng Việt Nam sẽ có đủ khả năng để giải thích ổn thỏa với Mỹ nói riêng, phương Tây nói chung.

“Người Việt Nam, nhất là những người hiểu biết về địa-chính trị, không thể vì những chuyện trước mắt mà quay lưng với bạn bè. Người Nga đã chia sẻ ngọt bùi, đắng cay, kể cả vũ khí với Việt Nam. Người Mỹ rất giỏi về địa-chính trị, có nhiều người uyên bác về chính trị quốc tế, và có nhiều người là bạn của Việt Nam, cũng phải hiểu được việc Việt Nam đón Tống thống Putin”, ông Trường nói.

“Việt Nam sẽ phải giải thích với các nước phương Tây. Tôi nghĩ Hoa Kỳ sẽ hiểu được phần nào. Cá nhân tôi thấy nhiều nhà ngoại giao Hoa Kỳ hiểu được cái thế của Việt Nam bây giờ”, ông Việt nói.

Giảng viên thuộc Đại học Luật Tp.HCM này lưu ý rằng trong khi Mỹ xem Việt Nam là một thành tố quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, Việt Nam phần lớn vẫn dựa vào vũ khí Nga để có sức mạnh quốc phòng, nên ông cho rằng Mỹ hiểu được việc Việt Nam phải cân bằng trong quan hệ với Nga và Mỹ.

Ông Việt dự báo rằng nhân chuyến thăm, Nga và Việt Nam sẽ có các hợp đồng về vũ khí, về dầu khí mà ông gọi là “các hợp đồng truyền thống”, trong khi Hà Nội cố gắng “không vi phạm các lệnh cấm” của phương Tây.

Không có đột phá

Về phần mình, cựu Đại sứ Nguyễn Ngọc Trường tiên liệu sẽ không có kết quả gì đặc biệt: “Đây sẽ là chuyến thăm hữu nghị thôi, giữa hai nước chắc không có đột phá gì. Hợp tác quân sự, quốc phòng vào tình hình hiện nay thì chắc không có gì phát triển”.

GS. Vuving đưa ra quan sát từ Mỹ rằng Nga và Việt Nam sẽ nhân chuyến thăm để thảo luận cách thức đẩy mạnh thương mại song phương trong hoàn cảnh có các lệnh cấm của phương Tây, bên cạnh đó là hợp tác về năng lượng, bao gồm dầu khí, năng lượng mặt trời và năng lượng hạt nhân, và việc Việt Nam mua vũ khí Nga.

Vẫn theo vị giáo sư ở bang Hawaii, phương thức thanh toán và các chuyến bay thẳng giữa hai nước nhiều khả năng sẽ là ưu tiên cao trong chương trình nghị sự vì đó là những yếu tố rất quan trọng cho việc khôi phục thương mại song phương Việt-Nga.

Dưới góc nhìn của mình, GS. Vuving đánh giá rằng “Nga sẽ được lợi hơn [Việt Nam] từ chuyến thăm”.

Chỉ ra rằng sau khi Nga xâm lược Ukraine hồi tháng 2/2022, Việt Nam là đất nước xa Nga nhất mà ông Putin tới thăm, do đó, theo ông Vuving, “Nó sẽ cho thấy sau cuộc xâm lược, vẫn có nhiều bạn bè chung thủy với Moscow, những người bạn này không chỉ ở quanh nước Nga, và một số nước là bạn của Nga không chỉ vì họ là kẻ thù của phương Tây”.

Ở chiều ngược lại, “Việt Nam cũng được lợi từ chuyến thăm vì nó giúp tăng lòng tin của Nga và giúp duy trì Nga đứng về phía Việt Nam trong tranh chấp về Biển Đông với Trung Quốc”, vẫn theo ông Vuving.

Việt Nam nghiêng về Nga hơn Ukraine?

GS. Vuving nói thêm rằng Việt Nam đã và đang cố duy trì một lập trường chủ yếu có tính trung lập về cuộc chiến Ukraine, song theo ông, việc đón tiếp ông Putin sẽ mang lại những rủi ro cho lập trường này.

Thạc sĩ Hoàng Việt nhận xét rằng dù cố giữ tình cảm với cả Ukraine lẫn Nga, hai nước thuộc Liên Xô trước đây đều đã có nhiều giúp đỡ cho Việt Nam, nhưng cán cân của Hà Nội vẫn nghiêng hơn về một bên:

“Sức mạnh của Nga nó khác, Nga cũng là cường quốc. Trong địa-chính trị, lợi ích là quan trọng. Việt Nam tìm thấy ở Nga lợi ích nhiều hơn so với Ukraine. Từ lúc khởi đầu cuộc chiến, chính phủ Việt Nam vẫn có vẻ nghiêng về duy trì quan hệ với Nga nhiều hơn so với Ukraine”.

Về phần mình, cựu Đại sứ Nguyễn Ngọc Trường bình luận: “Chuyến đi này người Ukraine có thể không thích. Nhưng họ cũng là một dân tộc dạn dày phong ba bão táp, hiểu rất rõ. Một nước như vậy [giống như Việt Nam], ở bên cạnh một nước lớn, bao giờ cũng có quan điểm tương đồng, tình cảm tương đồng”.

VOA đã liên lạc với cả hai đại sứ quán của Ukraine và Nga ở Hà Nội để tìm hiểu quan điểm của họ về việc Việt Nam sắp đón tiếp Tổng thống Putin, nhưng chưa nhận được hồi đáp của họ ở thời điểm đăng bài báo này vào sáng 18/6, giờ Hà Nội.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG