Đường dẫn truy cập

Nhóm công nghiệp, chuyên gia hối thúc Biden phát triển chính sách kỹ thuật số


Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chính quyền Biden cần phát triển một chính sách kỹ thuật số năng động, chặt chẽ chống lại sức mạnh công nghệ ngày càng tăng của Trung Quốc, các nhóm công nghiệp và các cựu quan chức Mỹ nói.

Tòa Bạch Ốc nên tăng tiếp cận băng thông rộng ở Hoa Kỳ, giúp các công ty Mỹ bán sản phẩm ra nước ngoài và lãnh đạo chính sách công nghệ và dữ liệu toàn cầu – nếu không, các công ty công nghệ Mỹ có nguy cơ bị Bắc Kinh qua mặt, họ nói.

“Chính quyền Biden phải nắm bắt thời cơ để khởi động một chiến lược kỹ thuật số toàn diện, toàn chính phủ, cung cấp công ăn việc làm tốt cho người lao động bị gạt ra ngoài lề bởi tự động hóa, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của Hoa Kỳ”, American Leadership Initiative (ALI)- Sáng kiến Lãnh đạo Mỹ, nói trong một phúc trình mới công bố hôm 11/2.

Phúc trình được công bố tiếp theo sau đề xuất của Phòng Thương mại Mỹ ngày 27/1, hối thúc Washington hợp tác với các chính phủ cùng chí hướng và với ngành công nghệ, để đặt ra những tiêu chuẩn công nghệ toàn cầu.

ALI là một tổ chức tư vấn chính sách do cựu thương thuyết gia thương mại Orit Frankel đứng đầu.

Các nhóm doanh nghiệp và nhiều người khác hối thúc Mỹ khởi động lại các nỗ lực chống lại sức mạnh công nghệ của Trung Quốc trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, mà họ cho là không được phối hợp tốt và bị chính trị hóa quá mức dưới thời Tổng thống Trump.

Chính quyền Biden đang xét lại cách tiếp cận của chính phủ tiền nhiệm đối với Trung Quốc về vấn đề thương mại, công nghệ và một số lĩnh vực khác.

Một bước quan trọng, theo phúc trình của ALI, là thành lập “Văn phòng Chính sách Kỹ thuật số Toàn cầu” ngay tại Tòa Bạch Ốc, văn phòng này sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh của Hoa Kỳ.

Được soạn thảo dựa trên 6 tháng tham khảo với các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp, học giả và các quan chức dân cử, kể cả tân Ngoại trưởng Antony Blinken, phúc trình của ALI bao gồm hàng chục khuyến nghị cụ thể như mở rộng quyền truy cập vào băng thông rộng, thiết bị kết nối, đào tạo kỹ thuật số và giáo dục để giải quyết những chênh lệch về chủng tộc, kinh tế xã hội và địa lý hiện có.

“40 triệu người Mỹ không có dịch vụ Internet đáng tin cậy, hoặc không có dịch vụ Internet, và trong số các hộ gia đình có thu nhập thấp, 30% không có điện thoại thông minh”, bà Frenkel, cựu giám đốc điều hành General Electric Co, nói với Reuters.

Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC) ước tính sẽ phải chi ra 80 tỷ USD để cung cấp dịch vụ internet băng thông rộng cho tất cả mọi người.

Bà Frenkel nói nỗ lực này có thể là một phần nằm trong kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng mà các quan chức của chính phủ Biden dự định công bố trong năm nay, một khi đã đảm bảo thông qua kế hoạch cứu trợ COVID-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD.

Tòa Bạch Ốc không bình luận ngay về các đề xuất vừa nêu.

VOA Express

XS
SM
MD
LG