Đường dẫn truy cập

Chuyên gia Philippines kêu gọi Manila mời Hà Nội cùng tham gia kiện Bắc Kinh về Biển Đông


Các tàu cá Philippines đang đánh bắt gần bãi cạn Scarborough
Các tàu cá Philippines đang đánh bắt gần bãi cạn Scarborough

Một chuyên gia Philippines về luật hàng hải quốc tế đã kêu gọi Manila mời Hà Nội cùng kiện Trung Quốc lên tòa trọng tài về việc nước này đơn phương áp đặt các hạn chế đánh bắt cá ở bãi cạn Scarborough, tờ South China Morning Post cho biết.

Ông Antonio Carpio, cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines, đã đưa ra lời kêu gọi này tới đại sứ các nước hôm 12/7, trong đó có đại diện của Đại sứ quán Việt Nam, các doanh nhân trong và ngoài nước, các học giả, các quan chức quân sự và chính phủ cao cấp.

Các vị đại sứ này đã tề tựu để đánh dấu kỷ niệm 8 năm ngày Tòa Trọng tài Thường trực ra phán quyết bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông trong cái gọi là đường 9 đoạn.

Buổi lễ kỷ niệm do Viện Stratbase ADR (Albert del Rosario) tổ chức này là lần đầu tiên ít nhất 26 nước cùng nhau bày tỏ ủng hộ Manila, vốn một mình khởi xướng vụ kiện nhằm vào Bắc Kinh hồi năm 2013 về việc nước này vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Cựu thẩm phán Carpio đã phát biểu một trong những phương án tiếp theo là khởi xướng một vụ kiện mới ‘vì Trung Quốc không cho phép ngư dân Philippines đánh bắt trong bãi cạn Scarborough’, và nói thêm rằng Manila có thể mời Hà Nội cùng tham gia.

Phán quyết do Tòa trọng tài đưa ra vào ngày 12/7 hồi năm 2016 đã nói rằng ‘lãnh hải trong bãi cạn Scarborough là ngư trường truyền thống chung của ngư dân Philippines, Trung Quốc và Việt Nam’, ông nói.

“Đầm phá của bãi cạn Scarborough nằm trong lãnh hải của bãi cạn Scarborough vì xung quanh đầm phá chỉ có một vài tảng đá nhô lên ở mức thủy triều cao,” ông Carpio nói, theo SCMP.

Tuy nhiên, hải cảnh Trung Quốc đã ngăn cản ngư dân Philippines vào đánh bắt trong đầm phá của bãi cạn Scarborough ngay cả khi ngư dân Trung Quốc được tự do đánh bắt cá bên trong khu vực này.

“Philippines có thể đệ trình lên trọng tài việc soạn thảo các quy tắc đánh bắt chung trong đầm phá. Chẳng hạn mỗi nước được phép đánh bắt bao nhiêu tấn cá; mùa đánh bắt là những tháng nào; những tháng nào không được phép đánh bắt để tái tạo nguồn lợi thủy sản; và những ngư cụ nào được phép sử dụng trong khu vực,” ông được SCMP dẫn lời nói rõ.

“Những quy tắc này, vốn sẽ được áp dụng đồng đều cho ngư dân Philippines, Trung Quốc và Việt Nam, là cần thiết để giúp cho việc đánh bắt cá được bền vững trong đầm phá của bãi cạn Scarborough,” cũng theo lời vị thẩm phán Philippines này được SCMP dẫn lại.

Mặc dù ‘Trung Quốc sẽ một lần nữa tẩy chay vụ kiện này’, nhưng ông Carpio lưu ý tòa án có thể ra phán quyết chấp thuận các khuyến nghị của Philippines về các quy tắc quản lý đánh bắt trong bãi cạn.

Một chiến thắng mới sẽ rất có ý nghĩa, ông nói, bởi vì ‘nó sẽ là một phán quyết nữa để vùi lấp đường 10 đoạn của Trung Quốc hơn nữa’.

Tại buổi kỷ niệm, 5 vị đại sứ đã lên tiếng lên án hành động của Bắc Kinh và ca ngợi Manila không chùn bước trước sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Đại sứ các nước Mỹ, Pháp, Úc và Canada đã nhấn mạnh tầm quan trọng của phán quyết hồi năm 2016 trong việc gìn giữ hòa bình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong khi một số vị đại diện ngoại giao lên án hành vi gây hấn và chiến thuật của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp.

Mặc dù Việt Nam đã từng tỏ dấu hiệu cho thấy họ đang cân nhắc đệ đơn kiện Trung Quốc, ông Lê Hồng Hiệp, chuyên gia cao cấp và điều phối viên Chương trình Nghiên cứu Việt Nam của Viện ISEAS – Yusof Ishak ở Singapore, nói với SCMP hôm 14/7 rằng ít có khả năng Hà Nội chấp thuận đề nghị của Manila.

“Tôi tin rằng tương tự như vụ kiện năm 2013, khó có khả năng Việt Nam sẽ cùng Philippines thách thức đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với bãi cạn Scarborough,” ông Hiệp được dẫn lời nói.

Theo ông Hiệp thì Việt Nam xem duy trì quan hệ hòa bình và ổn định với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu, và không muốn làm Bắc Kinh bực bội vì những điều không quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Hà Nội.

“Mặc dù Việt Nam muốn bảo vệ quyền đánh bắt cá của ngư dân họ ở đó, nhưng bãi cạn này không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của Việt Nam. Do đó, Việt Nam có thể muốn bảo vệ các quyền của mình bằng các biện pháp ngoại giao, hoặc thông qua các con đường không dẫn đến đối đầu trực tiếp, căng thẳng với Trung Quốc,” ông nói.

Nhưng ông cho rằng Hà Nội sẽ ‘hỗ trợ nỗ lực của Manila về mặt ngoại giao’ ngay cả khi họ không tham gia vụ kiện.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG