Đường dẫn truy cập

Chuyên gia: VND mất giá vì thương chiến Trung-Mỹ


Giao dịch mua bán đôla tại một ngân hàng Việt Nam
Giao dịch mua bán đôla tại một ngân hàng Việt Nam

Tính đến tuần thứ tư của tháng 7/2018, tiền đồng Việt Nam mất giá 1,5% so với đôla Mỹ và đà phá giá sẽ còn tiếp tục ở mức độ tương tự cho đến cuối năm, theo một chuyên gia tài chính-ngân hàng.

Báo chí Việt Nam cho hay tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố sáng 24/7 là 22.654 đồng/1 đôla, tăng 10 đồng so với hôm 23/7. Với biên độ +/-3%, tỷ giá sàn và tỷ giá trần mà các ngân hàng thương mại có thể giao dịch là từ 21.974 đến 23.334 đồng/1 đôla.

Trên thực tế, mức giá bán đôla cao nhất tại một số ngân hàng được báo chí ghi nhận là 23.310 VND/USD tại Sacombank và 23.300 VND/USD tại Techcombank.

Trong khi đó, trên thị trường tự do, một số điểm thu đổi ngoại tệ báo giá mua vào mỗi đôla ở mức 23.350 đồng và bán ra là 23.450 VND/USD, tăng tới 100 đồng mỗi đôla so với ngày 23/7, theo báo chí.

Các báo dẫn lời ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, nói rằng "Đến ngày 23-7, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỉ giá bán ngoại tệ ở mức 23.273 đồng/USD để tỉ giá thị trường diễn biến phù hợp hơn với tình hình thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời đảm bảo sẵn sàng hỗ trợ thị trường tại mức tỉ giá hợp lý".

Hàng hóa của Trung Quốc bán vào Việt Nam sẽ trở nên rẻ, sẽ tăng nhập siêu của Trung Quốc vào Việt Nam. Đồng thời nữa, xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ trở nên đắt đỏ hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu

Chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu phân tích với VOA rằng nguyên nhân sâu xa dẫn đến tỉ giá VND/USD gia tăng gần đây chủ yếu là do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung làm Nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá, gây sức ép lên tiền đồng của Việt Nam.

Theo tiến sĩ Hiếu, chỉ trong 3 tháng qua, đồng Nhân dân tệ mất giá tới 5% so với đôla Mỹ, trong khi từ đầu năm đến nay, tỷ giá VND/USD mới tăng 1,5%, nên trong mối tương quan này, tiền đồng đã lên giá so với Nhân dân tệ. Ông Hiếu chỉ ra hậu quả của diễn biến này:

“Hàng hóa của Trung Quốc bán vào Việt Nam sẽ trở nên rẻ, sẽ tăng nhập siêu của Trung Quốc vào Việt Nam. Đồng thời nữa, xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Ngân hàng Nhà nước có thể đã tăng tỉ giá dưới áp lực từ phía trong cũng như là phía ngoài”.

Năm 2017, tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc là gần 93,7 tỷ đôla, theo Tổng cục Hải quan Việt Nam. Trong con số đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc là hơn 35,463 tỷ đôla. Ngược lại, Việt Nam nhập từ nước láng giềng phương bắc các hàng hóa lên đến gần 58,3 tỷ đôla.

...tôi nghĩ từ đây đến cuối năm, tiền đồng cũng sẽ mất giá đâu đó khoảng 1,5%
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu

Phát biểu với báo chí hôm 23/7, ông Phạm Thanh Hà thuộc Ngân hàng Nhà nước nói rằng trong thời gian tới ngân hàng này “tiếp tục điều hành tỉ giá linh hoạt” và “sẵn sàng bán ngoại tệ khi cần thiết” để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định với VOA rằng nhiều khả năng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ ngày càng nghiêm trọng, khiến Trung Quốc phải phá giá đồng Nhân dân tệ thêm nữa để “phần nào bù trừ” cho việc hàng Trung Quốc tăng giá do Mỹ áp thuế cao hơn.

Những diễn biến như vậy làm cho viễn cảnh tiền đồng của Việt Nam phải tiếp tục phá giá là khó tránh khỏi. Ông Hiếu đưa ra dự báo về chiều hướng của tỷ giá trong 6 đến 9 tháng nữa:

“Từ đầu năm cho đến bây giờ, tiền đồng so với đôla đã mất giá khoảng 1,5%, tôi nghĩ từ đây đến cuối năm, tiền đồng cũng sẽ mất giá đâu đó khoảng 1,5%. Tôi nghĩ rằng nếu sang năm, 2019, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung càng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, vẫn còn áp lức phá giá lên Nhân dân tệ và ngay cả tiền đồng”.

Trên báo chí trong nước, công ty chứng khoán Bảo Việt đưa ra dự báo rằng có thể đồng tiền quốc gia của Việt Nam “sẽ có mức mất giá từ 2-3% cho cả năm nay” so với đôla Mỹ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG