Đường dẫn truy cập

Cố vấn Biden: Mỹ sẽ hối thúc đồng minh hành động về lao động cưỡng bức ở TQ


Mỹ và các nước đồng minh phương Tây đã áp đặt chế tài lên một số quan chức Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người Uighur ở tỉnh Tân Cương.
Mỹ và các nước đồng minh phương Tây đã áp đặt chế tài lên một số quan chức Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người Uighur ở tỉnh Tân Cương.

Mỹ sẽ thúc giục Nhóm Bảy nước đồng minh gia tăng áp lực đối với Trung Quốc về việc sử dụng lao động cưỡng bức ở tỉnh Tân Cương phía tây bắc nước này, nơi sinh sống của người Uighur thiểu số theo Hồi giáo, Reuters đưa tin, dẫn lời một quan chức hàng đầu của Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đích thân tham dự một cuộc họp của các nền kinh tế tiên tiến G7 tại Anh vào tháng Sáu, nơi ông dự kiến sẽ tập trung vào điều mà ông coi là sự ganh đua chiến lược giữa các nền dân chủ và các quốc gia chuyên quyền, đặc biệt là Trung Quốc.

Daleep Singh, phó cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden và phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, nói cuộc họp G7 ở Cornwall sẽ tập trung vào an ninh y tế, sự ứng phó kinh tế đồng bộ đối với đại dịch COVID-19, các hành động cụ thể về biến đổi khí hậu và “nâng cao các giá trị dân chủ mà các nước G7 cùng chia sẻ.”

“Đây là những đồng minh cùng chí hướng và chúng tôi muốn có những hành động hữu hình và cụ thể cho thấy chúng tôi sẵn sàng phối hợp thực hiện đối với các nền kinh tế phi thị trường, chẳng hạn như Trung Quốc,” ông Singh, người đang giúp điều phối cuộc họp, nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn.

“Thách thức lớn đối với G7 là chứng tỏ rằng các xã hội cởi mở, các xã hội dân chủ vẫn có cơ hội tốt nhất để giải quyết các vấn đề lớn nhất trong thế giới của chúng ta, và các chế độ chuyên quyền từ trên xuống không phải là con đường tốt nhất.”

Ông Singh nói Washington đã có những hành động mạnh mẽ nhắm vào Trung Quốc về những vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, nhưng sẽ tìm cách mở rộng nỗ lực với các đồng minh G7. Các chế tài chung nhắm vào các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm tại tỉnh này đã được Mỹ, Liên minh Châu Âu, Anh và Canada công bố vào tháng trước.

Trung Quốc phủ nhận mọi cáo buộc vi phạm nhân quyền và đã đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt của riêng mình nhắm vào EU.

Ông Singh cho biết các chi tiết vẫn đang được thảo luận trước cuộc họp, nhưng hội nghị thượng đỉnh cho các đồng minh của Mỹ một cơ hội thể hiện sự đoàn kết về vấn đề này.

“Chúng tôi đã nêu rõ quan điểm của mình rằng người tiêu dùng của chúng tôi xứng đáng được biết khi nào hàng hóa nhập khẩu được sản xuất bằng lao động cưỡng bức,” ông nói. “Các giá trị của chúng ta cần được đưa vào trong các mối quan hệ giao thương của chúng ta.”

Ông nói Washington sẽ thúc giục G7 thực hiện các bước rõ ràng “để nâng cao các giá trị chung của chúng ta, trong tư cách các nền dân chủ, và những điều đó chắc chắn áp dụng cho những gì đang diễn ra ở Tân Cương.”

Các nhà hoạt động và các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cho biết ít nhất 1 triệu người Hồi giáo đang bị cầm giữ trong các trại ở Tân Cương. Các nhà hoạt động và một số chính trị gia phương Tây cáo buộc Trung Quốc sử dụng hình thức tra tấn, cưỡng bức lao động và triệt sản. Trung Quốc nói các trại này có mục đích đào tạo nghề và cần thiết để chống lại chủ nghĩa cực đoan.

Nhà Trắng ngày thứ Sáu nói ông Biden sẽ tới Vương quốc Anh và Bỉ vào tháng Sáu cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức, bao gồm chặng dừng chân tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall, Vương quốc Anh, từ ngày 11 đến 13 tháng 6.

VOA Express

XS
SM
MD
LG