Đường dẫn truy cập

Công ty New York thắng thầu thiết kế Trung tâm TT Obama ở Chicago


Tổng thống Barack Obama trao Huân chương Quốc gia về Nghệ thuật năm 2013 cho bà Billie Tsien và ông Tod Williams tại phòng Đông của Tòa Bạch Ốc ngày 28/7/2014.
Tổng thống Barack Obama trao Huân chương Quốc gia về Nghệ thuật năm 2013 cho bà Billie Tsien và ông Tod Williams tại phòng Đông của Tòa Bạch Ốc ngày 28/7/2014.

Trước một đám đông tụ tập tại phòng Đông của Tòa Bạch Ốc hôm 28/7/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama vinh danh những đóng góp của những người được trao Huân chương Quốc gia về Nghệ thuật và Nhân Văn, huân chương cao quý nhất của Hoa Kỳ trong lĩnh vực văn hóa.

Bài diễn văn soạn sẵn của Tổng thống Obama có đoạn viết:

“Những thời khắc đáng nhớ mà quý vị đã giúp tạo nên, lúc ta chợt hiểu ra một điều gì, lúc ta cảm thấy kinh ngạc, vui sướng hay buồn rầu, đó là những thời khắc đã tô vẽ và thêm thi vị cho cuộc sống của chúng ta. Những thời khắc ấy không diễn ra bên lề các trải nghiệm của người Mỹ, mà nằm ngay tại trung tâm trải nghiệm ấy, và rất thiết yếu cho cuộc sống của chúng ta”.

Trong số những người được vinh danh ngày hôm ấy, có hai kiến trúc sư: ông Tod Williams và bà Billie Tsien, hai người giờ đã được chọn để tạo ra không chỉ một khoảnh khắc, mà cả một đài tưởng niệm tương lai cho vị tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ, nơi lưu trữ những đóng góp của ông cho lịch sử và trải nghiệm Mỹ.

Quỹ xây Viện bảo tàng Obama loan báo công ty kiến trúc New York do hai vợ chồng kiến trúc sư Williams và Tsien điều hành sẽ dẫn đầu một nhóm kiến trúc, trong đó có công ty Interactive Design Architects ở Chicago, để thiết kế Trung tâm Tổng thống Obama.

Truyền thống xây dựng một thư viện và kho tài liệu của tổng thống để lưu trữ các tài liệu quan trọng, còn là một viện bảo tàng để gìn giữ những kỷ vật của vị tổng thống ấy, đã khởi sự từ năm 1941 tại Hyde Park, New York, khi tổng thống thời bấy giờ là Franklin D. Roosevelt thiết lập một cơ sở khiêm tốn để cất giữ các tài liệu trong nhiệm kỳ tổng thống của ông trên khu đất thuộc quyền sở hữu của gia đình ông. Thư viện, bảo tàng Tổng thống Franklin D. Roosevelt đang kỷ niệm 75 năm thành lập.

Giáo sư Benjamin Hufbauer thuộc Đại học Louisville, tác giả quyển “Presidential Temples” nói về các đài tưởng niệm các vị tổng thống Mỹ, nói thư viện của Tổng thống Franklin Roosevelt nhỏ hơn nhiều về quy mô. Ông nói:

“Kinh phí xây thư viện Tổng thống Roosevelt, được điều chỉnh sau lạm phát, tốn khoảng 8 triệu đôla bây giờ”.

Giáo sư Hufbauer nói quy mô và kinh phí xây các thư viện tổng thống đã tăng vọt từ đó, thư viện tốn kém nhất cũng là thư viện mới nhất - Trung tâm Tổng thống George W. Bush ở thành phố Dallas, bang Texas.

Trung tâm Tổng thống George W. Bush ở thành phố Dallas, bang Texas, Mỹ.
Trung tâm Tổng thống George W. Bush ở thành phố Dallas, bang Texas, Mỹ.

Giáo sư Hufbauer nói với VOA:

“Thư viện này, tính cả tiền hiến tặng và tất cả mọi thứ, tốn kém khoảng 500 triệu đôla”.

Trước khi trông thấy thiết kế của nó, Giáo sư Hufbauer đã dự đoán kinh phí của Thư viện, Trung tâm Tổng thống Obama sẽ vượt quá ngưỡng 500 triệu đôla.

Giáo sư Hufbauer:

“Tôi nghe phong phanh con số ấy lên tới 1 tỉ đôla. Thế cho nên dù Thư viện Tổng thống Bush đã đạt kinh phí cao kỷ lục, giờ họ đang có kế hoạch tăng gấp đôi mức kỷ lục đó. Tôi nghĩ rằng các vị tổng thống ráo riết cạnh tranh với nhau để có một thư viện đẹp hơn so với các vị tổng thống tiền nhiệm”.

Ông Anthony Clark là cựu nhân viên quốc hội và tác giả của cuốn “The Last Campaign” (tạm dịch Cuộc Vận động Cuối cùng”) có nội dung “làm cách nào các tổng thống viết lại lịch sử, cạnh tranh với nhau để lưu danh đời sau”, nhận định:

“Nói chung, sau Thư viện Tổng thống Reagan, các thư viện tổng thống tốn kém gấp đôi kinh phí của thư viện vị tổng thống tiền nhiệm”.

Phần lớn số tiền tài trợ cho công trình xây cất các cơ sở ấy đến từ cá nhân các mạnh thường quân trong lĩnh vực tư. Giáo sư Hufbauer nói không có luật rõ ràng để quy định các khoản hiến tặng đó. Ông nói:

“Ngay cả các chính quyền nước ngoài cũng có thể tặng một số tiền lớn, và họ ngay cả không cần phải tiết lộ xuất xứ của món tiền tặng này”.

Tác giả Anthony Clark nói với Đài VOA:

“Nếu không phải là một công dân Mỹ, bạn không thể tặng tiền cho một cuộc vận động tranh cử tổng thống. Nhưng bạn có thể tặng một món tiền để xây dựng thư viện của tổng thống, ngay cả trong khi ông ấy đang vận động để được tái cử”.

Một trong những thiết kế của công ty Stryker Weiner & Yokota Public Relations, Inc., về Trung tâm Tổng thống Obama mà công ty này muốn xây dựng.
Một trong những thiết kế của công ty Stryker Weiner & Yokota Public Relations, Inc., về Trung tâm Tổng thống Obama mà công ty này muốn xây dựng.

Một khi một thư viện tổng thống đã được xây, Cơ quan Quản trị Kỷ lục và Văn khố Quốc gia (NARA) sẽ sở hữu khu vực bảo tàng và kho lưu trữ tài liệu tại cơ sở mới, một phần được xây bằng quỹ được lập ra trong tiến trình gây quỹ và bằng tiền đóng thuế của dân. Theo ước tính, số tiền mà người dân đóng thuế phải chi để điều hành 13 thư viện và viện bảo tàng tổng thống riêng rẽ dưới sự giám sát của NARA lên tới khoảng 75 triệu đôla mỗi năm. Nhưng ông Clark nói trên thực tế, con số ấy có phần chắc sẽ cao hơn thế.

Ông Clark nói:

“Theo nghiên cứu của tôi, chi phí này vào khoảng 1 tỉ đôla/một thập niên, và như vậy chia ra là khoảng 100 triệu đôla/một năm”.

Con đường dài dẫn tới việc thiết lập thư viện, bảo tàng Tổng thống Obama hoạt động đầy đủ phải vượt qua nhiều trở ngại. Trở ngại đầu tiên là đạt mục tiêu gây quỹ cho đủ khoản tiền nhắm tới, một tiến trình mà theo ông Clark chưa thực sự được xúc tiến.

Ông giải thích:

“Tổng thống Obama đã tự nguyện cam kết sẽ không chủ động gây quỹ trong thời gian tại chức. Tuy nhiên, ông cũng không từ chối các khoản tiền tặng”.

Trong khi nỗ lực gây quỹ chưa lấy đà, địa điểm nơi thư viện tọa lạc ở phía Nam thành phố Chicago, nơi gia đình Obama từng sinh sống trước khi dọn vào Tòa Bạch Ốc và hiện còn sở hữu một ngôi nhà, vẫn chưa được xác định.

Tổng thống Obama đi dạo cùng phu nhân và mẹ trên con đường gần nhà ông ở Chicago, bang Illinois, Mỹ ngày 29/5/2010.
Tổng thống Obama đi dạo cùng phu nhân và mẹ trên con đường gần nhà ông ở Chicago, bang Illinois, Mỹ ngày 29/5/2010.

Một vấn đề khác nữa có thể là sự chống đối có tổ chức, phần lớn từ nhóm “Friends of the Park” (tạm dịch “Bạn của Công viên”) là nhóm đã lãnh đạo tới thành công nỗ lực buộc nhà làm phim George Lucas phải hủy bỏ kế hoạch xây Viện bảo tàng Nghệ thuật Lucas tại một khu đất nhìn ra Sông Chicago.

Nhóm Bạn của Công viên cũng chống đối 2 địa điểm tiềm tàng được phác họa trong kế hoạch của Đại học Chicago đã được chọn để xây Trung tâm Tổng thống Obama, một khu đất rộng 8,5 mẫu ở công viên Jackson và một khu rộng 9 mẫu trong Công viên Washington.

Trong một thư ngỏ ghi ngày 30/12/2014 gửi Tổng thống Obama và phu nhân, nhóm Friends of the Park nói họ "chống việc xây Thư viện Tổng thống Obama trong một công viên hay trên một khu đất công. Địa điểm xây cơ sở này trong bất cứ công viên nào đều gặp những chống đối đáng kể từ cộng đồng, tương tự như việc chống đối đối với địa điểm xây vận động trường Olympic tại Washington Park trong chiến dịch vận động của thành phố Chicago để đăng cai Olympics 2016".

Trong khi tiến trình tìm kiến trúc sư đã kết thúc, Quỹ Obama vẫn còn phải thành lập một toán quản lý dự án để giải quyết các khía cạnh khác của thiết kế và công trình xây dựng Trung tâm Tổng thống Obama.

Ông Anthony Clark cho biết theo dự kiến, cơ sở này sẽ hoàn tất trước năm 2021, và như vậy công chúng có thể tiếp cận các tài liệu lưu trữ để tham khảo ngay trong ngày đầu tiên các tài liệu này được công bố, tức là 5 năm sau khi Tổng thống Obama rời nhiệm sở vào tháng 1/2017.

VOA Express

XS
SM
MD
LG